Thể thao

Chuyện những cô gái “hai vai”

ClockChủ Nhật, 28/05/2023 15:06
TTH - Không chỉ là vận động viên (VĐV), có những cô gái ở các bộ môn thể thao của tỉnh còn đảm nhiệm công tác hỗ trợ huấn luyện. Kinh nghiệm thực tiễn của họ được vận dụng ngay khi hỗ trợ cho tuyến năng khiếu, các VĐV trẻ.

Chủ tịch nước biểu dương các “gương mặt vàng” của Thể thao Việt Nam

leftcenterrightdel
 Thùy Linh (thứ ba, trái sang) trao đổi cùng bạn tập

Hai vai

Gần 10 năm “vã” mồ hôi trên sân tập, Nguyễn Thị Thùy Linh được “sắm” thêm một vai mới: làm công tác huấn luyện, hỗ trợ cho bộ môn đá cầu Huế, đào tạo các VĐV năng khiếu từ năm 2020. Nhìn Thuỳ Linh hướng dẫn các VĐV nhỏ tuổi, điều ấn tượng là cô nhẹ nhàng sửa động tác cho từng em bằng kinh nghiệm bao năm tập luyện. Thuỳ Linh chia sẻ: “Em vào năng khiếu từ năm 2012 cũng từ những động tác chập chững như các em bây giờ. Vì thế, em hiểu và thuận lợi hơn khi hướng dẫn các em tập”.

Tuyển vật Huế cũng có hai nữ VĐV “trong  vai” huấn luyện viên, đó là Đoàn Thị Kim Oanh và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh. Đoàn Thị Kim Oanh bắt đầu công tác huấn luyện hỗ trợ bộ môn từ năm 2015. Kim Oanh kể: “Em đến với bộ môn vật từ năm 2007, thời điểm mới 15 tuổi. Thời gian đầu, lạ chỗ ở, lại vừa tập nặng vừa nhớ nhà nên ngày nào em cũng khóc. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của thầy, em đã nỗ lực tập luyện, gặt hái nhiều thành tích và được xét vào hợp đồng huấn luyện viên. Sau này, dù quay trở lại với nhiệm vụ chính của một VĐV, nhưng em vẫn hỗ trợ thầy trong công tác huấn luyện, theo dõi các em ở nội trú. Em thấy hình ảnh của mình trong đó nên khi hướng dẫn, huấn luyện cho tuyến trẻ, vừa áp dụng giáo án của thầy, vừa nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm của bản thân”.

Ba cô gái được ví von gánh hai vai ở đội tuyển thể thao. Thế nhưng, điều đặc biệt, họ đều là những nữ VĐV giàu thành tích với những bộ sưu tập huy chương. Nguyễn Thị Thuỳ Linh được xem là “cô gái vàng” của đá cầu Huế. Ngoài những thành tích ở các giải cao trong nước, Thuỳ Linh cũng là nữ VĐV đầu tiên của đá cầu Huế khoác áo tuyển đá cầu Việt Nam cùng đồng đội bước lên bục vinh quang nhận HCV tại giải vô địch đá cầu thế giới năm 2019. Trong mùa giải 2022, dù dành không ít thời gian trong công tác hỗ trợ huấn luyện, nữ VĐV sinh năm 2002 giành đến 4 HCV, 2 HCB, 5HCĐ ở các giải đấu.

leftcenterrightdel
Kim Oanh cố gắng với các bài tập thể lực 

Ở tuyển vật, Đoàn Thị Kim Oanh dù đã bước qua tuổi 31 vẫn hừng hực khí thế. Năm 2022, chính nữ VĐV này đã giành được HCV ở giải vô địch các câu lạc bộ và HCV giải Đại hội Thể thao toàn quốc, nội dung vật tự do nữ hạng cân 55kg. Còn với Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, hàng loạt các thành tích trong nước, châu Á, SEA Games là minh chứng cho thấy nữ VĐV sinh năm 1997 rất giàu kinh nghiệm để hướng dẫn lớp trẻ.

Huấn luyện viên Đinh Văn Kiên, Trưởng bộ môn vật của tỉnh nhà chia sẻ, ở bộ môn vật, Mỹ Hạnh thường xuyên lên tuyển quốc gia nên ít có thời gian hỗ trợ huấn luyện như Kim Oanh. Tuy nhiên, khi đảm nhận trọng trách, cả Oanh và Hạnh đều rất nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn các VĐV trẻ.

Làm gương cho thế hệ trẻ

Những VĐV “gánh” nhiệm vụ huấn luyện có những vất vả nhưng cũng có những ưu điểm, thuận lợi để hỗ trợ ban huấn luyện. Huấn luyện viên Nguyễn Văn Hiền, Trưởng bộ môn đá cầu tỉnh chia sẻ: “Thời gian tập luyện và huấn luyện của Thuỳ Linh không trùng nhau, không ảnh hưởng đến chuyên môn nhưng khi Linh hỗ trợ tập luyện cho các VĐV năng khiếu, nghiệp dư, ít nhiều thời gian nghỉ ngơi của em bị rút ngắn lại, đó là điểm khó khăn. Song, Thuỳ Linh lại có lợi thế khi em đang tập luyện, bao nhiêu kỹ năng, kinh nghiệm vừa học được từ thầy, từ thực tế thi đấu dễ truyền lại cho các em thế hệ sau với một khoảng cách gần gũi hơn”.

Một điều thú vị là những cô gái như Kim Oanh, Mỹ Hạnh, Thuỳ Linh cùng các VĐV tuyến trẻ, năng khiếu trong bộ môn có khi vừa là bạn đồng môn trong tập luyện, có khi là cô - trò trong huấn luyện. Những VĐV thế hệ sau thường nhìn vào các anh chị đi trước để học tập, đặc biệt là ngưỡng mộ và muốn đạt được kết quả như những VĐV đang trên đỉnh thành tích. Điều đó khiến các VĐV đảm nhận thêm công tác huấn luyện phải nỗ lực để tròn nhiều vai, nhất là không để sa sút thành tích.

Kim Oanh chia sẻ: “Gặt hái thành tích trước hết chính là đem vinh quang về cho quê hương, cho bộ môn và cho uy tín cá nhân. Điều đó góp phần thuận lợi hơn khi hướng dẫn các VĐV trẻ. Các em nhìn vào đó để có niềm tin phấn đấu. Chính mình cũng lấy đó làm động lực để không ngừng nỗ lực. Mục tiêu cuối cùng là vì sự phát triển của thể thao Việt Nam nói chung và Huế nói riêng”.

Bài, ảnh: Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

230 tay vợt dự giải bóng bàn các câu lạc bộ thị xã Hương Thủy mở rộng

Trong 2 ngày (14-15/12), Trung tâm Văn hoá Thông tin & Thể thao thị xã Hương Thủy phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài tổ chức giải bóng bàn các câu lạc bộ (CLB) Hương Thủy mở rộng năm 2024. Giải thu hút 230 tay vợt của 32 CLB trên địa bàn thị xã, toàn tỉnh và các CLB đến từ Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hưng Yên, tham gia tranh tài.

230 tay vợt dự giải bóng bàn các câu lạc bộ thị xã Hương Thủy mở rộng
Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Bắn cung & chu kỳ “thịnh - suy”

Giai đoạn 2018 - 2023, bắn cung Huế được xem là “hiện tượng” khi nhiều lần đăng quang ở các giải đấu danh giá cấp quốc gia, khu vực và châu lục. Nhưng hiện tại, bắn cung Huế đang đối diện nguy cơ thoái trào.

Bắn cung  chu kỳ “thịnh - suy”
Return to top