|
Những VĐV trẻ của bắn cung Huế vẫn cần thêm một khoảng thời gian dài |
“Địa chấn” mang tên Thanh Nhi
Thành lập từ năm 2014, sau một thời gian tập luyện và xây dựng lực lượng, đến giai đoạn 2018 - 2023, tuy chỉ có 8-10 VĐV, đầu tư lại không nổi bật so với nhiều nơi, nhưng bắn cung Huế vẫn có thể cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí nhiều lần vượt qua một số địa phương có thế mạnh và truyền thống, như: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Sóc Trăng, Vĩnh Long… Còn mới đây, tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, bắn cung Thừa Thiên Huế xếp thứ 3 toàn đoàn với 3 HCV, 3 HCB, phá 2 kỷ lục quốc gia.
Khách quan mà nói, thành tích của bắn cung Huế phần lớn đều đến từ tài năng của Nguyễn Thị Thanh Nhi khi ở tất cả các giải đấu lớn, nữ cung thủ này luôn được giao trọng trách đem vinh quang về cho thể thao tỉnh nhà.
Sau khi bắt kịp kỷ lục Quốc gia cung 1 dây cự ly 60m nữ tại Giải vô địch trẻ toàn quốc 2017, đến năm 2019, Thanh Nhi tạo nên “địa chấn” ở Giải vô địch các đội mạnh quốc gia khi xô ngã kỷ lục cũ tồn tại hơn 1 thập kỷ và lập nên kỷ lục mới nội dung cung 1 dây cự ly 30m.
Sau nhiều lần đăng quang tại các giải đấu lớn ở những năm tiếp theo, Thanh Nhi tiếp tục tạo nên “địa chấn” thứ hai khi giành đến 5 HCV tại giải vô địch cung thủ xuất sắc quốc gia 2022, đồng thời ghi tên mình vào lịch sử bắn cung Việt Nam khi trở thành nữ cung thủ đầu tiên thiết lập được thành tích tuyệt vời này.
Cũng trong năm 2022, sau tấm HCB đồng đội nữ ở SEA Games 31, 4 tháng sau, cô cựu học sinh Trường THCS Đặng Văn Ngữ kịp thời “sửa sai” với 2 HCV nội dung cá nhân và đồng đội ở Giải bắn cung Singapore mở rộng 2022.
Nhưng thành tích của Nhi chưa dừng lại ở đó. Cuối tháng 12/2022 tại Sharjah (UAE) diễn ra Giải vô địch bắn cung châu Á - ASIA Cup 2022 - Giải bắn cung lớn nhất châu lục quy tụ gần 250 cung thủ xuất sắc đến từ 31 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Việc các cung thủ xuất sắc nhất châu lục đều tề tựu về đây khiến giải đấu trở nên kịch tính, các VĐV đều phải chịu áp lực hơn bao giờ hết. Dẫu vậy, trong một ngày thi đấu xuất thần, Thanh Nhi đã xuất sắc vượt qua đối thủ đến từ Hàn Quốc - quốc gia “vô đối” về bắn cung tại đấu trường Olympic - với tỷ số 6-2 để dành HCV cá nhân nội dung 1 dây. Đây cũng chính là tấm HCV duy nhất của tuyển bắn cung Việt Nam tại giải đấu này.
Điểm qua để thấy, bên cạnh những truyền dạy của các HLV, bằng tài năng của mình, Thanh Nhi chính là “linh hồn” của tuyển bắn cung Huế và là một trong những cung thủ chủ lực của tuyển bắn cung Việt Nam tại các đấu trường lớn.
Nguy cơ thoái trào
Nhưng chính việc quá phụ thuộc thành tích vào Thanh Nhi khiến sau một quãng thời gian “vua biết mặt, chúa biết tên”, bắn cung Huế phải đối diện với nguy cơ thoái trào. Mà nguyên nhân chính cũng là từ Thanh Nhi.
Năm 2023, sau 4 tấm HCV được chia đều ở giải vô địch các đội mạnh quốc gia và giải vô địch quốc gia…, tại giải nội bộ tuyển chọn VĐV xuất sắc dự các giải quốc tế, từ đó làm cơ sở tranh suất dự Olympic, Thanh Nhi bất ngờ thi đấu không thành công. Điều này đồng nghĩa, nữ cung thủ Huế đã vuột mất cơ hội tham dự đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh trong sự nghiệp VĐV của mình.
Có thể hiểu thất vọng của Thanh Nhi sau lần thất bại này. Đáng nói hơn, nỗi buồn đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý thi đấu của Nhi trong thời gian tiếp theo. “Trước đây, mỗi lần xuất quân là một lần Nhi tự tin sẽ có thành tích. Nhưng kể từ sau thất bại trên, bản lĩnh, tâm lý không ổn định, động tác thi đấu không dứt khoát khiến năm nay bắn cung Huế trắng “vàng” ở các đấu trường, kể cả giải tổ chức trên sân nhà”, ông Lại Đăng Quang - HLV trưởng bộ môn bắn cung Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Cũng theo HLV Lại Đăng Quang, để khôi phục lại phong độ sau thời gian sa sút, thường mỗi cung thủ cần ít nhất 2 - 3 năm. Nhưng với tố chất nổi bật của mình, hy vọng Nhi chỉ phải mất hơn 1 năm để ghi dấu sự trở lại. Tất nhiên, hy vọng trên cũng chỉ dừng ở mức… hy vọng, bởi chưa có gì cụ thể để chứng minh.
Trong khi đó, “thường niên đáo lệ”, vào tháng 12 tới sẽ có một giải đấu để tranh suất trụ lại tuyển Quốc gia. Đây chính là bài test, là động lực để Nhi lấy lại tự tin, khôi phục phong độ vốn có nếu vượt qua. Còn ngược lại, việc đưa Nhi trở lại Huế tập luyện và tạo điều kiện cho Nhi đi tập huấn nước ngoài, từ đó khôi phục lại phong độ, bản lĩnh thi đấu có lẽ là phương án khả thi nhất nếu bắn cung Huế không muốn sớm mất đi một tài năng bắn cung dạng “hiếm có, khó tìm” của Việt Nam.
Thật ra trong thể thao, rất khó để chắc chắn những việc liên quan đến phong độ của VĐV. Nên nếu điều xấu nhất xảy ra là Thanh Nhi không thể lấy lại phong độ, bắn cung Huế ngay lập tức rơi vào giai đoạn thoái trào, bởi thực lực của phần còn lại rất khó để có thể gánh vác trọng trách mà Thanh Nhi để lại.
Mà như vậy, sau khoảng 5 năm “thịnh”, bắn cung Huế lại rơi vào giai đoạn “suy”. Đáng nói, chu kỳ “suy” kéo dài không chỉ 5 năm mà có thể hơn, bởi không dễ để tìm được một VĐV có tư chất tương đương Thanh Nhi.