Thể thao

Cờ vua, nỗi đau & niềm hy vọng

ClockChủ Nhật, 05/06/2022 22:44
TTH - Đằng sau câu chuyện Thừa Thiên Huế từng có đội cờ vua nữ mạnh nhất - nhì cả nước bây giờ không thể có VĐV dự SEA Games, cần đặt ra rõ ràng và sòng phẳng chuyện “giữ chân” các kỳ thủ cờ vua, liên quan đến chính sách đãi ngộ, cả vật chất và tinh thần một cách xứng đáng.

Nghề trọng tài, vất vả & đam mêCô gái Huế làm trọng tài ở SEA Games 31

Phong trào cờ vua trong trường học - cơ hội thuận lợi để bộ môn tuyển quân

Vang bóng một thời

Hai nữ kỳ thủ Việt Nam thi đấu ván đấu đầu tiên nội dung cờ vua truyền thống tại SEA Games 31 là Hoàng Thị Bảo Trâm và Võ Thị Kim Phụng đều là người Huế. Võ Thị Kim Phụng đoạt huy chương bạc đồng đội cờ nhanh. Hoàng Thị Bảo Trâm đoạt huy chương đồng cờ tiêu chuẩn. Họ là 2 gương mặt nổi trội trong số hàng chục kỳ thủ nổi tiếng của cờ vua Thừa Thiên Huế 40 năm qua.

Hoàng Thị Bảo Trâm có đến 5 lần vô địch quốc gia, là một trong số ít đại kiện tướng nữ của cờ vua Việt Nam. Còn Võ Thị Kim Phụng có thành tích cao nhất là chức vô địch châu Á vào năm 2017. Đây là chức vô địch cá nhân châu Á thứ hai của Việt Nam và lần đầu tiên kể từ năm 2000. Võ Thị Kim Phụng đạt luôn được danh hiệu đại kiện tướng nữ và là đương kim vô địch cờ vua toàn quốc năm 2022.

VĐV môn cờ vua có độ bền rất cao và không bị ảnh hưởng nhiều bởi tuổi tác

Ngược dòng thời gian, Thừa Thiên Huế có Nguyễn Thị Thuận Hóa từng vô địch quốc gia năm 1993. Hoàng Xuân Thanh Khiết cũng là một kỳ thủ nổi tiếng, vô địch quốc gia năm 2004, đăng quang tại Giải vô địch cờ vua thế giới khu vực 3.3 và qua đó dự Giải vô địch thế giới 2006. Đáng nói là, nhiều kỳ thủ của Huế đã và đang khoác áo các địa phương khác. Hoàng Thị Bảo Trâm thi đấu cho TP. Hồ Chí Minh, còn Võ Thị Kim Phụng khoác áo cho Bắc Giang từ nhiều năm qua. 

Nao lòng cảnh “con mọn”

Tại Giải vô địch cờ vua toàn quốc năm 2022, đại diện cho cờ vua Thừa Thiên Huế là kỳ thủ trẻ Nguyễn Hà Khánh Linh. Chính sự xuất hiện đầy triển vọng của những kỳ thủ trẻ, mà tiêu biểu là Nguyễn Hà Khánh Linh, là một trong những lý do để cờ vua Thừa Thiên Huế sẵn sàng cho những bậc kỳ thủ đàn chị lừng danh ra đi.

Năm 2018, cô bé 10 tuổi Nguyễn Hà Khánh Linh chưa có hệ số Elo đã vượt qua hàng chục vận động viên đẳng cấp khác để lên ngôi vô địch U10 cờ tiêu chuẩn tại giải cờ vua trẻ châu Á. Ngay sau đó, em là đại diện của Việt Nam tham gia giải cờ vua trẻ thế giới năm 2018. Lá thăm may rủi đưa kỳ thủ U10 đối đầu với đa số các kỳ thủ đến từ những cường quốc cờ vua. Khánh Linh đã thi đấu tự tin và ổn định để lần lượt vượt qua thử thách và chung cuộc đã xếp hạng 5 lứa tuổi U10 nữ.

Tiếng tăm đã được gầy dựng nhưng đối đầu với các kỳ thủ nữ hàng đầu quốc gia, đặc biệt là 2 bậc đàn chị cùng lò cờ vua Huế, Nguyễn Hà Khánh Linh ở trong thế phải “ngước nhìn”. Đáng tiếc đến ngẩn ngơ cho cờ vua Thừa Thiên Huế, chức vô địch quốc gia năm 2022 thuộc về Võ Thị Kim Phụng. Trước đó, Hoàng Thị Như Ý trong màu áo Bắc Giang giành chức vô địch năm 2014. Còn Hoàng Thị Bảo Trâm có 4 lần liên tiên tiếp vô địch quốc gia từ năm 2015 đến 2019 dưới 2 màu áo Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong khi, Hoàng Thị Bảo Trâm chỉ có 1 lần vô địch quốc gia với tư cách là thành viên đội tuyển cờ vua Thừa Thiên Huế.

Ít có trường hợp nào như Thừa Thiên Huế khi đành ngậm ngùi chia tay những kỳ thủ hàng đầu đang ở độ chín muồi của sự nghiệp, để rồi thường xuyên “nuôi con mọn”, làm lại từ đầu và phải chứng kiến cảnh “quân ta đánh với quân mình”. Những kỳ thủ từng giành tiếng thơm cho Huế trở thành đối thủ, đánh bại các vận động viên hiện tại của Cố đô khi họ đang là những “đứa trẻ”.

Giữ vững niềm tin

Mới đây, tại lễ tuyên dương các huấn luyện viên và vận động viên đạt thành tích xuất sắc tại Sea Games 31 (đáng tiếc không có đại diện môn cờ vua), ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý ngành văn hóa và thể thao cần chú trọng nghiên cứu các chính sách nhằm tăng cường biên chế viên chức cho các vận động viên đạt thành tích cao, tạo sự an tâm, ổn định để họ ra sức cống hiến cho thể thao. Đồng thời, tập trung phát triển thể thao thành tích cao theo chiều sâu, đề cao chất lượng. Ưu tiên đầu tư, phát triển các bộ môn thể thao trọng điểm, có truyền thống và thế mạnh nhằm tạo sự đột phá. Chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên trẻ để tạo nguồn ổn định, lâu dài.

Trước đó, kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa VII đã thông qua đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, cùng với môn vật, điền kinh, taekwondo, karatedo và bơi - lặn, cờ vua được xếp vào môn thể thao trọng điểm nhóm 1, tập trung đầu tư không chỉ trong giai đoạn 2021 - 2025 mà còn lâu dài hơn nữa.

Đầu tư cho bộ môn cờ vua cần công sức và thời gian. Để có được một tay cờ nổi tiếng, nhanh nhất cũng khoảng 10 năm. Thế nhưng, vận động viên môn cờ có độ bền rất cao và không bị ảnh hưởng nhiều bởi tuổi tác. Tương quan lực lượng như hiện nay, ngay cả kỳ thủ nữ như Nguyễn Hà Khánh Linh cũng khó có cơ hội lật đổ những tượng đài, trong đó có những “đồng hương” đàn chị như Hoàng Thị Bảo Trâm hay Võ Thị Kim Phụng, để qua đó vươn ra các đấu trường khu vực và thế giới. Vậy nên, ngay từ bây giờ cần phải đặt ra rõ ràng và sòng phẳng câu chuyện “giữ chân”, liên quan đến chính sách đãi ngộ cả vật chất và tinh thần một cách xứng đáng.

Điều quan trọng của thể thao là phải xây dựng được phong trào mạnh từ gốc. So với các môn thể thao khác, lợi thế của môn cờ vua ở Thừa Thiên Huế là đã hình thành được phong trào trong trường học - cơ hội thuận lợi để bộ môn tuyển quân, một vấn đề quan trọng, mang tính tiên quyết trong sự phát triển của môn thể thao. Nguyễn Hà Khánh Linh là học sinh Trường tiểu học Phú Thượng 1, một trường có phong trào cờ vua đặc biệt phát triển. Còn nhìn về tương lai của cờ vua Thừa Thiên Huế, có thể thấy được những tín hiệu lạc quan. Thừa Thiên Huế vẫn đang sở hữu khá nhiều kỳ thủ trẻ triển vọng, cùng với đó là sự quyết tâm “không bỏ cuộc” của các cấp lãnh đạo và quản lý ngành ở địa phương.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Taekwondo & những mâu thuẫn nội tại

Muốn được đầu tư nhiều thì phải đạt thành tích cao. Nhưng muốn đạt thành tích cao thì trước đó phải có đầu tư mạnh tay. Cái sự “tréo ngoe” này đang là mâu thuẫn nội tại với hầu hết các bộ môn thể thao, mà điển hình là Taekwondo.

Taekwondo  những mâu thuẫn nội tại
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:
Người thầy biến nhiều điều chúng ta hy vọng thành hiện thực

Tối 17/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình “Thay lời tri ân” năm 2024, với chủ đề “Hy vọng”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.

Người thầy biến nhiều điều chúng ta hy vọng thành hiện thực
Nỗi đau cảnh anh em “nồi da xáo thịt”

Tranh chấp thừa kế tài sản, phải đưa nhau ra tòa, khiến anh em máu mủ trong gia đình, dòng họ đánh mất tình thân đã là chuyện đau lòng. Đau lòng hơn, từ vụ án dân sự, nguyên đơn và bị đơn “bước sang” vụ án hình sự, một bên trở thành bị hại, bên kia là bị cáo; gây mất trật tự an toàn xã hội.

Nỗi đau cảnh anh em “nồi da xáo thịt”
Return to top