|
Thể thao Thừa Thiên Huế tạo đột phá từ sức trẻ |
Tài không đợi tuổi
Ba cầu thủ của CLB Bóng đá Huế, gồm Vi Đình Thượng, Nguyễn Lương Tuấn Khải và Hoàng Quang Dũng được triệu tập lên U20 Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại Giải U20 châu Á 2025. Trước đó, Nguyễn Lương Tuấn Khải, Hoàng Quang Dũng cùng với Nguyễn Đăng Khoa đã thường xuyên đá chính trong đội hình tuyển U19 Việt Nam tại Giải U19 Đông Nam Á 2024. Trường hợp Vi Đình Thượng đáng tiếc bởi lý do chấn thương, trong khi Hoàng Quang Dũng tỏa sáng rực rỡ với 3 bàn thắng ghi được ở cả 3 trận đấu bảng. Đã lâu lắm rồi, bóng đá Huế mới có sự góp mặt đông đảo đến thế ở đội tuyển quốc gia. Vi Đình Thượng và Nguyễn Lương Tuấn Khải chưa tới 19 tuổi, nhưng đã có thâm niên “ăn cơm tuyển” 3 năm nay, chinh chiến từ U17 sang U18, U19 và nay tiếp tục ở U20.
Theo Hiệu trưởng Trường trung cấp Thể thao Thừa Thiên Huế, ông Hồ Đắc Quang, không riêng gì bóng đá, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thể thao Thừa Thiên Huế vẫn xuất hiện những tài năng đáng tự hào. Đơn cử ở bộ môn Jujitsu khá mới mẻ, có Nguyễn Thị Hoài Thương giúp cho thể thao Thừa Thiên Huế “mở mày, mở mặt”. Tại Giải Jujitsu vô địch và vô địch trẻ châu Á lần thứ 8 năm 2024, cô bé đến từ Kim Long, sinh năm 2011, có thành tích “khủng” khi giành tới 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Đáng nói là cách đây 3 năm, thời điểm phát hiện ra “cô bé vàng” này, Hoài Thương mới chỉ là đứa trẻ lên 10, chưa hề biết đến Jujitsu hay vật là gì.
Ở môn đá cầu, có VĐV trẻ Nguyễn Thị Thùy Linh với tấm HCV lịch sử tại Giải vô địch thế giới diễn ra tại Pháp, giải đấu cao nhất thế giới. Được phát hiện tại giải vô địch trẻ toàn quốc 2018, Nguyễn Thị Thùy Linh là VĐV trẻ nhất trong đội tuyển đá cầu Việt Nam hiện nay. Hay ở Karate có Lê Minh Thuận và Hồ Thị Hoài Tành. Lê Minh Thuận là thành viên của tuyển đồng đội nam Quốc gia đoạt HCV tại SEA Games 29 năm 2018. Cô gái Karate Hồ Thị Hoài Tành đến từ vùng cao A Lưới là vô địch Giải Karatedo Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ IX - 2022. Hay không thể bỏ qua là cái tên của 1 VĐV còn rất trẻ - cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi, Công dân tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế, với một bộ sưu tập huy chương đồ sộ từ trong nước ra đến quốc tế. Riêng bộ môn vật đầy tự hào là lớp trẻ kế cận các bậc đàn chị. Tiếp sau 2 cái tên đã vượt tới tầm châu lục và đang là đương kim vô địch SEA Games, chị em Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và Nguyễn Thị Mỹ Trang, bộ môn này đang “xuất lò” nhiều gương mặt còn trẻ măng. Có thể kể đến như cô em Nguyễn Thị Mỹ Linh, Đoàn Thị Kim Oanh, Hoàng Ngọc Trinh… Vật nữ Huế đã ở ngôi đầu quốc gia tại rất nhiều giải đấu, khi mới đây thôi, vào tháng 7 vừa qua là vị trí thứ Nhất toàn đoàn các nội dung vật bãi biển nữ, được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
|
Thế hệ trẻ của thể thao Huế |
Lối đi cho thể thao Cố đô
Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 khẳng định mục tiêu tạo bước đột phá mạnh mẽ về thể thao thành tích cao. Trong đó, tập trung đầu tư trọng điểm phát triển các môn có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, các môn thể thao cơ bản trong Thế vận hội (Olympic), Đại hội Thể thao châu Á (Asiad), Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), các giải trẻ quốc tế, khu vực và trong nước. Và, để đạt được mục tiêu này, ngoài việc chọn những môn thể thao có tiềm năng và thế mạnh, ngành thể thao Thừa Thiên Huế tập trung phát hiện, bồi dưỡng những tài năng thể thao trẻ.
Những tài năng thể thao của Thừa Thiên Huế hiện gắn liền những người thầy tâm huyết. Phát hiện ra tài năng của Vi Đình Thượng là công lao của HLV bóng đá Dương Công Quốc. Và nếu VĐV Nguyễn Thị Thùy Linh là “sản phẩm” đào tạo của thầy Nguyễn Văn Hiền, VĐV Nguyễn Thị Hoài Thương gắn liền với HLV Chu Minh Tuấn, thì đằng sau ánh hào quang mà cung thủ hàng đầu quốc gia Nguyễn Thị Thanh Nhi là cái tên Lại Đăng Quang. Đặc biệt, HLV Nguyễn Văn Kiên đã trở thành người cha đỡ đầu của các nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Nguyễn Thị Mỹ Trang và cả một lò vật Huế có chất lượng hàng đầu hiện nay.
|
Mỹ Hạnh và Mỹ Trang là những “cô gái vàng” của thể thao Thừa Thiên Huế |
Vẫn có những băn khoăn khi tuyển thủ quốc gia Hồ Thanh Minh phải chia tay CLB Bóng đá Huế để tìm đến một bến đỗ mới, có nhiều tham vọng hơn. Nhiều năm nay, sự ra đi của các danh thủ hàng đầu quốc gia như Hoàng Thị Như Ý, Hoàng Thị Bảo Trâm hay Võ Thị Kim Phụng đã để lại một khoảng trống mênh mông cho cờ vua Huế. Còn nhớ mới đây có dịp tiếp xúc với chúng tôi, ông Đặng Nhĩ Hà, Phụ trách Bộ môn Cầu lông Thừa Thiên Huế cho rằng, các đơn vị mạnh, có tiềm lực đều đầu tư lớn và thường xuyên cho VĐV các lứa tuổi từ U15 đến U19 được tập huấn và tham gia các giải đấu nước ngoài để nâng cao thành tích. Các địa phương như Thừa Thiên Huế rất khó cạnh tranh, nên chỉ đầu tư và tập trung cho lực lượng nhỏ tuổi hơn. Trở thành trung tâm cầu lông có tên tuổi trong làng cầu lông quốc gia là câu chuyện không thể “một sớm, một chiều”.
Thiết nghĩ, trăn trở của ông Đặng Nhĩ Hà cũng là nỗi lòng và lối đi mà thể thao Thưa Thiên Huế chọn lựa - cần dồn sức và tập trung đầu tư cho lớp trẻ.