Thể thao

Năm của dàn VĐV “bẻ gãy sừng trâu”

ClockThứ Bảy, 21/09/2019 07:00
TTH - Ông Hồ Đắc Quang, Hiệu trưởng Trường trung cấp Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh nói năm 2019, thể thao Huế... “tự nhiên” xuất hiện một loạt nữ VĐV lứa 17, 18 tuổi rất xuất sắc, kiểu như thể thao Huế “vô tình lượm được bí kíp”...

Đón và chúc mừng nữ VĐV Karatedo Huế giành thành tích ở giải quốc tế

Bắn cung - bộ môn được đánh giá rất triển vọng từ dàn VĐV trẻ tài năng

Tự nhiên hay tất yếu

“Vô tình...” hay “tự nhiên...” là cách nói vui của ông Quang, và đi kèm với đó là ngầm ý khoe. Mà xứng đáng để khoe. Bởi đã lâu lắm rồi, thể thao Huế mới xuất hiện một dàn VĐV trẻ có tuổi sàn sàn nhau và quan trọng là hội đủ điều kiện để góp mặt, tỏa sáng tại các giải vô địch quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới.

Tuổi 17, 18 tuổi khá già ở các giải trẻ, nhưng vẫn non nớt ở các giải vô địch. Cũng vì vậy nên chỉ tính riêng trong năm 2019, khi những Thùy Linh (HCV vô địch đá cầu thế giới), Mỹ Trang (HCV vật tự do giải vô địch quốc gia), Thanh Nhi (HCV và phá kỷ lục quốc gia cung 1 dây cự ly 30m), Thanh Ngân (HCĐ giải vô địch Taekwondo Đông Nam Á), Linh Tâm (HCV vô địch Taekwondo trẻ toàn quốc lứa 18+), Hồ Thị Hạ (HCB giải vô địch Karate Đông Nam Á), Hồ Thị Hoài Tành (HCV giải vô địch Karatedo trẻ quốc gia) chững chạc, bản lĩnh và tỏa sáng ở những sân chơi đẳng cấp cũng như được dự báo thành tích không chỉ dừng lại ở đó, những người làm thể thao Huế không khoe, không mừng mới là lạ.

Lãnh đạo tỉnh trong buổi gặp mặt chúc mừng các VĐV đá cầu đạt huy chương vàng

VĐV tỏa sáng, ngoài năng lực bản thân, còn nhờ ở quá trình phát hiện, huấn luyện và đầu tư. “Khoảng 4 năm trở lại, có thể nói những đầu tư, chế độ đãi ngộ cho VĐV được tỉnh, ngành quan tâm rất nhiều. Điều này là cơ sở quan trọng để thể thao Huế liên tiếp xuất hiện những tài năng trên đấu trường quốc gia và quốc tế, đồng thời, tạo động lực để VĐV tiếp tục phấn đấu trên con đường đã chọn”, ông Quang khẳng định.

Cũng từ những động thái trên, không chỉ xuất hiện một dàn VĐV trẻ tài năng, mà trong dàn VĐV này, Thanh Nhi (bắn cung) và Thùy Linh (đá cầu) là những VĐV đến từ các bộ môn không nằm trong nhóm được đầu tư trọng điểm. Điều này chỉ ra rằng, thể thao Huế đã và đang cho thấy tiềm năng lớn ở những bộ môn mới phát triển.

Thêm & chọn

Cờ vua, karatedo, vật, điền kinh, taekwondo và bơi là những môn nằm trong nhóm được đầu tư trọng điểm, còn đá cầu và bắn cung thì không. Và nếu đem so với tấm HCV vô địch thế giới của môn đá cầu, hay tấm HCV và phá kỷ lục quốc gia tồn tại 12 năm của môn bắn cung thì vẫn có sự khập khiễng nhất định.

Không thể phủ nhận những thành tích những môn trọng điểm đã và đang đóng góp cho thể thao Huế, trong đó có những môn được xem là “truyền thống”. Nói “truyền thống” là bởi trước đây, mỗi khi nhắc đến thể thao Huế, người ta sẽ nghĩ ngay đến những môn này. Nhưng sau thời gian “vua biết mặt, chúa biết tên”, với nhiều lý do, một số môn vẫn chưa thể tìm lại ánh hào quang xưa, còn một số môn khác, lứa kế thừa chưa bộc lộ tài năng mang tính dự báo rõ ràng.

Nói vậy không phải để đề nghị “xem lại” tính hợp lý trong đầu tư ở một số môn thể thao trọng điểm đã “quy hoạch”, mà là, từ những thành tích vang dội của đá cầu, bắn cung cùng với dàn VĐV tài năng không có sự chênh lệch quá lớn, liệu chúng ta có nên bổ sung thêm đá cầu, bắn cung vào danh sách những môn đầu tư trọng điểm, đồng thời, chọn ra những gương mặt trẻ xuất sắc nhất của các môn để đầu tư thậm chí hơn cả trọng điểm nhằm tạo thêm điều kiện để các VĐV này gặt hái nhiều hơn những vinh quang về cho thể thao Cố đô. Ở chiều ngược lại, là động lực để VĐV khác nhìn vào phấn đấu.

Liên quan đến những môn thể thao trọng điểm, kể từ khi chế độ dinh dưỡng, chế độ đãi ngộ được nâng lên, thành tích những bộ môn này gặt hái trên mọi đấu trường rất đáng ghi nhận. Nhưng khách quan mà nói, đa phần đều do công của những VĐV tóc dài. Và khi nhìn vào danh sách những VĐV trẻ tài năng nói trên, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, đồng thời, đặt dấu hỏi về sự mất cân đối trong công tác tuyển chọn VĐV.

“Bên cạnh tài năng, lúc tuyển sinh, những người làm thể thao vẫn cân đối tỷ lệ giữa nam và nữ. Tuy nhiên, đâu không biết chứ ở Huế, qua thực tiễn, ở một độ tuổi nhất định, sự chịu khó, chịu khổ trong tập luyện của nữ VĐV nhỉnh hơn nam VĐV. Mà trong thể thao, đó là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Nhưng sau độ tuổi “nghiêng về nữ” sẽ đến thời điểm nam VĐV tỏa sáng chứ không có nghĩa thể thao Huế “âm thịnh, dương suy”, ông Hồ Đắc Quang lý giải.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

230 tay vợt dự giải bóng bàn các câu lạc bộ thị xã Hương Thủy mở rộng

Trong 2 ngày (14-15/12), Trung tâm Văn hoá Thông tin & Thể thao thị xã Hương Thủy phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài tổ chức giải bóng bàn các câu lạc bộ (CLB) Hương Thủy mở rộng năm 2024. Giải thu hút 230 tay vợt của 32 CLB trên địa bàn thị xã, toàn tỉnh và các CLB đến từ Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hưng Yên, tham gia tranh tài.

230 tay vợt dự giải bóng bàn các câu lạc bộ thị xã Hương Thủy mở rộng
Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Taekwondo & những mâu thuẫn nội tại

Muốn được đầu tư nhiều thì phải đạt thành tích cao. Nhưng muốn đạt thành tích cao thì trước đó phải có đầu tư mạnh tay. Cái sự “tréo ngoe” này đang là mâu thuẫn nội tại với hầu hết các bộ môn thể thao, mà điển hình là Taekwondo.

Taekwondo  những mâu thuẫn nội tại
Bắn cung & chu kỳ “thịnh - suy”

Giai đoạn 2018 - 2023, bắn cung Huế được xem là “hiện tượng” khi nhiều lần đăng quang ở các giải đấu danh giá cấp quốc gia, khu vực và châu lục. Nhưng hiện tại, bắn cung Huế đang đối diện nguy cơ thoái trào.

Bắn cung  chu kỳ “thịnh - suy”
Return to top