Cờ tướng đang cho thấy sự phát triển trong thời gian gần đây
“Đỏ nhưng chưa chín”
Sau 7 năm thực hiện đề án “Phát triển TTTTC giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020”, thể thao Huế đã đạt được 1.493 huy chương, trong đó, có 182 huy chương quốc tế (92 HCV, 51 HCB, 39 HCĐ). Không chỉ vậy, thành tích tại các giải quốc tế đạt và vượt chỉ tiêu đề ra với 1 HCV giải đá cầu vô địch thế giới 2019; 1 HCĐ giải vật ASIAD 2018; 5 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ tại SEA Games… cùng nhiều huy chương tại các giải vô địch trẻ thế giới, châu Á và Đông Nam Á.
Để đạt được những thành tích này, phần lớn bắt nguồn từ những thay đổi tích cực về dinh dưỡng, đãi ngộ, chế độ, chính sách đối với HLV, VĐV trong những năm qua. Đi kèm với đó là công tác đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất luôn được quan tâm, chú trọng. Hiện, thể thao Thừa Thiên Huế đang tập trung đào tạo 425 VĐV, trong đó có 45 VĐV thuộc đội tuyển, 380 VĐV trẻ ở 13 môn: cờ vua, cờ tướng, bóng đá, điền kinh, bơi lội, lặn, cầu lông, Karate, Taekwondo, Judo, đá cầu, vật và bắn cung cùng hệ thống sân tập, nhà thi đấu... đạt chuẩn.
Nhưng, bức tranh của TTTTC Huế không phải toàn màu hồng khi một số mục tiêu về huy chương, vị thứ tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2014, 2018 chưa như yêu cầu đề ra (năm 2014 xếp thứ 41, năm 2018 xếp thứ 36 trong khi chỉ tiêu là xếp từ 20 - 25). Do điều kiện nên một số môn thể thao, như: vật, Karate, điền kinh, bơi, cờ... tuy nằm trong nhóm trọng điểm, nhưng nội dung đào tạo ít khiến khả năng tranh chấp huy chương để góp phần nâng thứ hạng của thể thao tỉnh nhà hạn chế.
Bi sắt - một trong những môn thể thao có cơ sở để phát triển
Tuy số huy chương các VĐV giành được tăng qua từng năm, nhưng thực tế đa số ở các giải trẻ và cúp CLB. Điều này phần nào cho thấy chất lượng VĐV đỉnh cao của Huế ở các giải vô địch quốc gia chưa như mong muốn. Điều này cộng thêm việc 5 năm qua, số lượng VĐV trẻ, năng khiếu ở một số môn trọng điểm gần như không tăng, hệ thống đào tạo trẻ chưa cho thấy sự đột phá nhất định chính là tín hiệu đáng báo động về lực lượng kế thừa trong hành trình phát triển dài hơi của thể thao Huế.
Nguyên nhân những hạn chế này, ngoài vẫn chưa có đầu tư trọng điểm cho những môn thế mạnh thì phải chăng, một phần còn do công tác tuyển chọn, huấn luyện VĐV vẫn đang dựa trên kinh nghiệm, thiếu đầu tư trong ứng dụng khoa học, công nghệ – phương pháp rất nhiều tỉnh, thành đã và đang áp dụng rộng rãi trong quá trình đào tạo VĐV. Nếu tình trạng này kéo dài, không những khó phát triển mà TTTTC của Huế còn có nguy cơ tụt hậu so các tỉnh trong khu vực, nhất là ở những môn, như: bóng đá, cờ vua, Karate, bơi, điền kinh...
Hướng đến đột phá mới
Kết thúc giai đoạn 2013 - 2020, TTTTC Thừa Thiên Huế đã cho thấy 2 thái cực của mình sau thời gian vận hành. Và việc chỉ ra được những hạn chế cần khắc phục chính là cơ sở để hướng đến những đột phá trong thời gian tới.
Từ đề án “Phát triển TTTTC giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020”, nên chăng ngành thể thao xây dựng Đề án tiếp tục cho giai đoạn tới, có thể từ đây đến năm 2030, để từ đó định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình, tiến đến ổn định nguồn kinh phí cho việc tập trung nguồn lực, từ chuẩn bị lực lượng, công tác huấn luyện đến cơ sở vật chất, trang thiết bị… cho TTTTC.
Cũng từ đề án trên, những người làm thể thao có thể vạch ra những môn thật sự có tiềm năng, thế mạnh ở các giải trẻ quốc tế, khu vực, trong nước và các môn thể thao cơ bản ở Olympic, ASIAD, SEA Games để tập trung đầu tư cũng như có cơ chế riêng cho VĐV ưu tú, đi kèm với đó là xây dựng hệ thống đào tạo VĐV theo hướng áp dụng khoa học công nghệ, bền vững và đẩy mạnh chính sách thu hút nhân tài thể thao.
Thực tế từ các giải đấu những năm qua, trước mắt, cần đầu tư mạnh hơn để giúp các môn thể thao trọng điểm, như: điền kinh, vật, cờ vua, cờ tướng, đá cầu, Karate, Taekwondo, Judo, bơi, lặn và bóng đá phát triển ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngoài ra, với sự xuất hiện tuy mới nhưng hiệu quả thì 2 môn: bắn cung, đá cầu cũng nên đưa vào “đích ngắm” để tập trung đầu tư, đồng thời nghiên cứu phát triển thêm nội dung cầu mây và môn bi sắt – 2 môn được xem đã có nền tảng và không “ngốn” quá nhiều kinh phí.
Giai đoạn tiếp theo, bên cạnh ổn định các bộ môn thế mạnh đã nêu, có thể xem xét phát triển thêm 3 - 5 môn đỉnh cao phù hợp với điều kiện, tiềm năng cùng tiêu chí phải có VĐV góp mặt ở các giải quốc gia, quốc tế và đạt huy chương. Còn về tổng quan, một mặt vừa động viên; mặt khác, những người làm thể thao cũng nên tạo “áp lực” cho chính bản thân và với VĐV khi giao các chỉ tiêu cụ thể trên tinh thần năm sau cao hơn năm trước. Đây chính là động lực giúp VĐV phát huy hết khả năng trong tập luyện, thi đấu để hướng đến những đột phá cao hơn, xa hơn.
Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG