Thể thao

Những “lần đầu tiên”

ClockChủ Nhật, 03/04/2022 08:42
TTH - Dù chưa thể chốt con số chính thức, nhưng sơ bộ, thể thao Thừa Thiên Huế có 4 VĐV dự SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam vào tháng 5 tới, nhiều hơn 1 VĐV so với kỳ đại hội trước.

SEA Games 31: Hoàn thiện tốt nhất khâu chuẩn bịVật Huế chắc 2 suất tham dự SEA Games 31

Quỳnh Như - 1 trong 4 gương mặt của thể thao Huế tham dự SEA Games 31

Khởi sắc

Dựa trên phong độ, thành tích và nhất là kết quả thi đấu ở các giải tiền SEA Games 2021, 2022, thể thao Huế có 4 VĐV tham dự SEA Games 31, gồm: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Mỹ Trang (vật), Nguyễn Thị Thanh Nhi (bắn cung) và Dương Thị Quỳnh Như (Judo).

Với thể thao đỉnh cao, nhất là ở những đấu trường lớn mà cụ thể là tại SEA Games 31, tuy chỉ ít hay nhiều hơn 1 suất tham dự, nhưng điều này đã có thể đánh giá được sự tiến bộ hay không của đơn vị, địa phương trong quá trình đầu tư, huấn luyện, đào tạo VĐV. Và đây là điều đáng mừng cho thể thao Cố đô thời gian qua.

Không chỉ vậy, trên bình diện chung, thể thao Huế cũng cho thấy sự tiến bộ tại các đấu trường lớn. Gần nhất, năm 2021, do COVID-19 khiến nhiều giải đấu phải hủy hoặc hoãn thi đấu, hoặc đang thi đấu phải dừng nửa chừng đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong độ, tâm lý VĐV. Dẫu vậy, năm 2021, thể thao Huế vẫn giành 120 huy chương các loại cùng việc có VĐV (Nguyễn Thị Thanh Nhi) tham dự giải vô địch bắn cung châu Á 2021 tại Bangladesh và là VĐV có thành tích cao nhất tuyển bắn cung Việt Nam (320 điểm, lọt vào top 10 VĐV dẫn đầu nội dung toàn năng cung 1 dây cự ly 70m).

Hai chị em Mỹ Hạnh - Mỹ Trang sẽ cùng góp mặt tại SEA Games kỳ này

Còn những tháng đầu năm 2022, tuy mới trong thời điểm “khởi động”, nhưng thể thao Huế đã liên tiếp tạo nhiều tiếng vang, trong đó, đáng chú ý là ở giải vô địch cung thủ xuất sắc quốc gia 2022 (1-6/3), tuyển bắn cung Thừa Thiên Huế xuất sắc giành 5 HCV, 1 HCB cá nhân và 1 HCB đồng đội.

Trước đó, ở giải vô địch các CLB vật tự do, vật cổ điển quốc gia 2022, tuyển vật Thừa Thiên Huế đã giành 4 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ, đồng thời, đứng nhì toàn đoàn nội dung vật tự do nữ.

Những “lần đầu tiên”

Về tổng quan, với 14 HCV giành được tại các giải vô địch quốc gia (trong tổng số 120 huy chương ở năm 2021), đây là lần đầu tiên thể thao đỉnh cao Thừa Thiên Huế đạt được thành tích này. Bên cạnh chứng minh khả năng vượt khó, thành tích này còn là động lực để thể thao Cố đô tiếp tục phấn đấu ở những năm tiếp theo.

Hướng đến SEA Games 31, với việc là chủ nhân của cả 5 HCV, 1 HCB cá nhân và 1 HCB đồng đội (cũng là tổng số huy chương tuyển bắn cung Huế đạt được) tại vô địch cung thủ xuất sắc quốc gia 2022, nữ cung thủ Thanh Nhi đã ghi tên mình vào lịch sử bắn cung của thể thao Việt Nam khi trở thành VĐV đầu tiên giành được 5 HCV cá nhân tại một giải đấu cấp quốc gia, qua đó, cầm chắc trong tay tấm vé tham dự ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á kỳ này.

Với bộ đôi Mỹ Hạnh - Mỹ Trang của tuyển vật, thời điểm hiện tại, nếu như cô chị Mỹ Hạnh là “độc cô cầu bại” nội dung tự do nữ ở đấu trường Đông Nam Á hạng 62kg, thì dù có thua sút chút xíu, nhưng cô em Mỹ Trang cũng đang là đô nữ số 1 Việt Nam hạng 57kg.

Từ năng lực, phong độ, việc Hạnh - Trang giành suất tham dự SEA Games 31 không khiến những ai quan tâm quá bất ngờ, bởi đã nằm trong dự kiến và lộ trình chuẩn bị cho SEA Games trước đó của những người làm thể thao Huế. Điều đáng nói, Mỹ Hạnh – Mỹ Trang đã ghi tên mình vào lịch sử thể thao Thừa Thiên Huế khi vinh dự giúp bộ môn vật trở thành bộ môn đầu tiên có 2 VĐV (cũng là 2 chị em ruột) cùng lúc tham dự 1 kỳ SEA Gamea.

Còn với VĐV thứ 4, thông qua tấm HCV tại giải vô địch Judo quốc gia 2021 và ngôi vô địch hạng 63kg trở lên ở giải nội bộ nhằm kiểm tra chất lượng các tuyển thủ quốc gia cuối năm 2021, Dương Thị Quỳnh Như đã chắc suất dự ngày hội thể thao lớn nhất khu vực lần thứ 31.

Tuy nhiên, cách đây một vài tháng, Quỳnh Như đã khiến những người làm thể thao Việt Nam… đau đầu khi phân vân không biết chọn khoác áo tuyển Judo, Sambo hay Kurash để thi đấu, bởi ở 2 môn Sambo và Kurash, Quỳnh Như đều thể hiện xuất sắc không kém môn sở trường Judo. Cân đo đong đếm chán chê, cuối cùng, nữ VĐV được phong cấp kiện tướng từ khi mới 14 tuổi được chọn khoác áo tuyển Judo tại SEA Games 31, nhưng là ở nội dung nam nữ phối hợp - nội dung lần đầu tiên xuất hiện tại các kỳ SEA Games.

Như vậy, sau lần đầu tham dự Sambo và đoạt ngay HCĐ SEA Games 30 - 2019 dù thời gian làm quen khá ngắn ngủi (chưa đầy 1 tháng), một lần nữa, Dương Thị Quỳnh Như cho thấy năng lực khi được ban huấn luyện tin tưởng xếp vào thi đấu ở nội dung mà lần đầu cô gái gốc Hương Toàn (TX. Hương Trà) tiếp cận. Và tất nhiên, cùng với đó kỳ vọng đổi màu huy chương tại ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á kỳ này.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Taekwondo & những mâu thuẫn nội tại

Muốn được đầu tư nhiều thì phải đạt thành tích cao. Nhưng muốn đạt thành tích cao thì trước đó phải có đầu tư mạnh tay. Cái sự “tréo ngoe” này đang là mâu thuẫn nội tại với hầu hết các bộ môn thể thao, mà điển hình là Taekwondo.

Taekwondo  những mâu thuẫn nội tại
Bắn cung & chu kỳ “thịnh - suy”

Giai đoạn 2018 - 2023, bắn cung Huế được xem là “hiện tượng” khi nhiều lần đăng quang ở các giải đấu danh giá cấp quốc gia, khu vực và châu lục. Nhưng hiện tại, bắn cung Huế đang đối diện nguy cơ thoái trào.

Bắn cung  chu kỳ “thịnh - suy”
Viết tiếp chuyện những cô gái “Vàng”

Thể thao Thừa Thiên Huế tự hào về các thế hệ vận động viên (VĐV) xuất sắc, đã góp phần làm rạng danh cho quê hương. Điều đặc biệt, rất nhiều trong số đó là những cô gái… “Vàng”.

Viết tiếp chuyện những cô gái “Vàng”
Return to top