Thể thao

Những ngày hội quân sau giãn cách

ClockThứ Bảy, 09/05/2020 06:45
TTH - Sau thời gian thực hiện giãn cách, từ 23/4 đến nay, các VĐV đỉnh cao các bộ môn đã hội quân trở lại trong niềm vui sau thời gian dài xa sân tập.

Rộn ràng thể thao tại nhàTập luyện “online”Chay trường & tại gia

Hồ Thanh Minh và đồng đội trong buổi tập luyện sau giãn cách

Mong tới ngày ra sân

Mùa giải 2020, CLB Bóng đá Huế là 1 trong 2 CLB có cầu thủ trẻ nhiều nhất (với CLB Phố Hiến) khi trong danh sách đăng ký có đến 15 chân sút sinh năm 1999 trở lên. Điều này khiến sự khát khao, mong ngóng tham gia mùa giải mới của các chân sút Cố đô như được nhân đôi. Và sau khi giãn cách xã hội được nới lỏng, ngay từ chiều 23/4 cho đến nay, sân Tự Do sôi động trở lại với những bước chạy mạnh mẽ, những pha phối hợp, làm xiếc cùng trái bóng của các cầu thủ cùng tiếng nói, cười rộn ràng.

Tiền đạo sinh năm 2000 Hồ Thanh Minh chia sẻ: “Những ngày tạm ngưng tập luyện để thực hiện giãn cách, ngoài nhớ sân cỏ, nhớ trái bóng tròn, em và đồng đội còn lo sẽ đánh mất phong độ do không được ra sân. Dù vẫn tự tập luyện ở nhà theo giáo án, nhưng dẫu sao cũng không bằng lúc tập với đồng đội và dưới sự hướng dẫn trực tiếp của HLV”.

Trong không khí tập luyện sôi động, Nguyễn Đức Tiến, chân sút sinh năm 2001 đảm trách vị trí hậu vệ phấn khởi: “Được trở lại sân cỏ mấy ngày qua, ngoài giải tỏa tâm lý thì em và động đội đang dần lấy lại được cảm giác bóng, cũng như mong ngóng sớm đến ngày tham gia mùa giải mới”.

Không chỉ riêng với các cầu thủ, không khí này còn hiện diện trên băng ghế huấn luyện khi bên cạnh những chỉ đạo, uốn nắn, khích lệ các học trò là những tiếng nói cười cùng ánh mắt “bớt” đăm chiêu hơn. “Dù đến thời điểm này vẫn chưa biết chính xác thời gian các giải bóng đá chuyên nghiệp tái khởi động, nhưng những ngày qua, việc được ra sân cùng các học trò để chờ ngày tranh tài (gần nhất là trận đấu với SHB Đà Nẵng trong khuôn khổ Cúp Quốc gia, dự kiến khởi tranh vào chiều 24/5 trên SVĐ Tự Do) cũng là niềm vui khó tả”, HLV Nguyễn Đức Dũng chia sẻ.

HLV tuyển bơi Trần Thị Thuận và các học trò trao đổi để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong khôi phục thể lực, phong độ

Theo Trưởng đoàn Bóng đá Huế Trần Quang Sang, khi được ra sân tập luyện, không chỉ riêng các cầu thủ mà toàn bộ Ban huấn luyện cũng giải tỏa được tâm lý. “Bên cạnh niềm vui, thái độ tập luyện nghiêm túc vẫn được đặt lên hàng đầu, đi kèm với đó là không thể bỏ qua công đoạn đo thân nhiệt, giữ khoảng cách khi ra sân cũng như dặn các cầu thủ phải đeo khẩu trang khi ra đường”, ông Trần Quang Sang nói.

Chủ động trong khôi phục thể lực, phong độ

Tại nơi đóng quân của tuyển bơi, lặn tỉnh ở số 2 Lê Quý Đôn, hơn 40 VĐV lặn đang miệt mài luyện tập dưới làn nước xanh. Phía trên thành bể, ông Trần Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thể thao tỉnh cùng HLV Trần Thị Thuận, người vỗ tay thúc giục, người chăm chú nhìn vào đồng hồ bấm giờ, chốc chốc lại nhìn vào những “kình ngư” đang “đạp nước” với nét mặt sốt ruột.

“Bơi, lặn khi xuống phong độ thì “làm một lèo”, nhưng muốn giữ phong độ hay tăng tiến thành tích lại cực kỳ khó khăn. Mừng là ngay khi vừa trở lại tập luyện, các VĐV rất siêng năng tập luyện để bù cho thời gian tạm dừng vừa qua. Đây là cơ sở để các VĐV lấy lại phong độ trong thời gian sớm nhất”, ông Tuấn nói.

Trường trung cấp TDTT là nơi tập trung 220 VĐV thuộc 9 bộ môn. Vì thế, không khí trong những ngày giãn cách và hiện tại là hai trạng thái đối lập rất rõ ràng khi tất cả VĐV của các bộ môn quay trở lại hội quân.

Theo Trần Thị Yến Hoa, VĐV kiêm HLV điền kinh, không được cọ xát, thi đấu một thời gian dài nên VĐV không thể tránh khỏi sức ỳ, xuống phong độ. Tuy nhiên, bên cạnh giáo án hợp lý, công tác tư tưởng, động viên của HLV, ban giám hiệu đã giúp tâm lý VĐV thoải mái trong tập luyện. “Với VĐV đỉnh cao, tùy từng người, tùy cường độ tập luyện mà việc lấy lại phong độ, thể lực sẽ diễn ra từ 1-3 tháng”, Yến Hoa cho biết.

Sau khoảng thời gian tạm dừng, từ đây đến cuối năm, các VĐV sẽ đối mặt với lịch thi đấu dồn dập, trong khi hiện tại, việc khôi phục thể lực, lấy lại phong độ và điều chỉnh điểm rơi vẫn đang trong giai đoạn “chạy rô-đa”, đó là còn chưa kể các VĐV vẫn phải “tập chay” khiến độ “máu lửa” chưa được kích hoạt triệt để. Dẫu vậy, theo ông Hồ Đắc Quang, Hiệu trưởng Trường trung cấp TDTT, trường đã làm việc với các bộ môn để có giáo án phù hợp cho VĐV trong và ngay sau thời điểm hết giãn cách. Sự chủ động này đã giúp các bộ môn và VĐV không lúng túng khi tập luyện trở lại, cũng như tự tin chuẩn bị cho những giải đấu đỉnh cao khi dịch bệnh qua đi.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Chuyển đổi để nâng tầm

Thực hiện Quyết định số 2117 ngày 6/8/2024 của UBND tỉnh, Trường trung cấp Thể dục Thể thao được chuyển đổi thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Mô hình hoạt động mới này nhằm đưa thể thao thành tích cao, các môn thế mạnh của Thừa Thiên Huế phát triển đúng hướng, vươn lên tầm vóc mới.

Chuyển đổi để nâng tầm
Return to top