Thể thao

Tập luyện “online”

ClockChủ Nhật, 19/04/2020 07:24
TTH - Trừ những VĐV có đẳng cấp được hưởng ưu đãi từ tỉnh, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, các VĐV chỉ được hưởng tiền ăn chứ không có tiền công tập luyện. Dẫu vậy, họ vẫn tự giác và miệt mài tập luyện tại nhà để chờ ngày trở lại sân đấu.

Chay trường & tại giaVận động viên đỉnh cao thời dịch bệnh

Trưởng bộ môn Taekwondo Phạm Ngọc Thành trong một buổi livestream hướng dẫn kỹ thuật cho học trò

Đổ mồ hôi… online

Nửa tháng nay, cứ mỗi sáng sớm, xóm Khe (thị trấn Sịa - Quảng Điền) náo nhiệt hơn ngày thường bởi tiếng chạy bộ, tiếng huỳnh huỵch và cả tiếng cười nói xôn xao trên con đường bê tông sạch đẹp với một bên là cánh đồng lúa chạy dài tít tắp.

Chủ nhân của những âm thanh trên là 2 chị em Mỹ Linh và Mỹ Tiên. Họ đang mướt mồ hôi với những bài tập thể lực, kỹ thuật dành riêng cho môn vật. Lúc thì em tập chị quay video, lúc thì cả hai loay hoay với từng động tác trước chiếc smartphone để ở chế độ livestream, mà phía bên kia, thỉnh thoảng vang lên tiếng hướng dẫn, động viên của Trưởng bộ môn vật Huế - Đinh Văn Kiên.

Sau khoảng 1h tập luyện, cả 2 chị em đều dí sát mặt vào điện thoại rồi nói: “Tụi con mồ hôi như tắm rồi đây nì. Chừ cho con “thở” chút rồi tập tiếp, tụi con siêng năng lắm, thầy cứ yên tâm”. Đến lúc này, bên kia đầu dây có vẻ đã yên tâm nên chấm dứt cuộc livestream, mà theo Trưởng bộ môn vật Huế - Đinh Văn Kiên, là hằng ngày.

Hai chị em Mỹ Linh, Mỹ Tiên không phải là trường hợp cá biệt. Ở môn đá cầu, những Nguyễn Thị Thùy Linh, Phan Thị Tuyết, Võ Thị Lành… ngoài tập thể lực, phản xạ bằng cách tâng cầu, nhảy dây, bật cóc… thì mỗi ngày, các VĐV này đều tự mình rèn kỹ thuật cũng bằng cách quay video, livestream khi thực hiện những bài tập mà Trưởng bộ môn đá cầu tỉnh – Nguyễn Văn Hiền A chuyển đến.

VĐV Karatedo tỉnh - Hồ Đình Thuận thực hiện các bài tập tại nhà

Ở bộ môn Karatedo, Trưởng bộ môn Lê Văn Lộc cho biết, nửa tháng qua, các VĐV của bộ môn được phân thành 3 nhóm, tập luyện bằng hình thức livestream dưới sự quản lý của 3 HLV. “Các VĐV luôn có mặt đông đủ, thực hiện khá nghiêm túc các bài tập mà tôi đã soạn nhằm giúp duy trì thể lực, bổ sung kỹ thuật để khi trở lại sàn đấu vẫn giữ được phong độ vốn có”, Trưởng bộ môn Karatedo tỉnh - Lê Văn Lộc nói.

Như những bộ môn khác, sau khi thực hiện giãn cách xã hội, tuyển Taekwondo tỉnh đã thành lập một group trên mạng xã hội, sau đó tập luyện bằng cách livestream, đảm bảo VĐV tập ngày 2 buổi và đầy đủ các bài tập từ thể lực cho đến kỹ thuật. “Tuy các giải thể thao đang tạm dừng nhưng không có nghĩa các VĐV cũng dừng theo. Ngược lại, các VĐV thậm chí phải tập nhiều hơn để bù vào thời điểm không được cọ xát, thi đấu – cơ sở để giữ gìn thể hình, thể lực và phong độ”, Trưởng bộ môn Taekwondo tỉnh – Phạm Ngọc Thành chia sẻ.

Cùng nhau vượt khó

Trong thời điểm này, không chỉ VĐV mà bản thân các HLV cũng tích cực tập luyện với nhiều cách khác nhau, ngoài mục đích duy trì thể lực, đây còn là cách để quản lý, làm gương và động viên học trò vượt khó.

“Do nhà không có sân nên mỗi ngày, tôi chạy bộ từ tầng 1 lên tầng 3 khoảng 60 vòng, khi chạy đeo theo tạ sắt 18kg, tiếp đó là nhảy dây với dây thừng nặng 2kg để duy trì thể lực. Bên cạnh livestream dạy kỹ thuật, tôi sẽ gửi những video mình tập thể lực để từ đó, tùy điều kiện thực tế mà VĐV tập luyện theo. Quá trình tập luyện, VĐV sẽ quay video hoặc livestream để tôi kiểm tra, điều chỉnh. Tuy không thể 100%, nhưng đây cũng là cách quản lý giờ giấc VĐV cũng như động viên các em siêng năng tập luyện hơn trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội”, HLV Phạm Ngọc Thành chia sẻ.

Trong các môn thể thao, có lẽ bộ môn cờ ít bị ảnh hưởng nhất khi thực hiện giãn cách xã hội. Bởi bình thường, ngoài những giờ tập luyện với đồng đội, HLV, việc VĐV 2 môn này ở nhà tự tìm tòi, thi đấu online, thi đấu với đồng đội và với máy tính là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các VĐV sẽ “thoát” khỏi sự kiểm tra từ phía HLV.

HLV tuyển cờ tướng tỉnh – Bùi Thúy Nga cho biết, trong thời gian ở nhà, buổi sáng trước khi bước vào bàn cờ, các VĐV đều phải rèn thể lực bằng cách chống đẩy. Sau khi thực hiện các bài tập từ giáo án, VĐV sẽ chụp hình và gửi qua messenger để HLV điều chỉnh, phân tích từng thế cờ, nước đi… cũng như để biết các em có thật sự tập luyện hay không. “Về phía các HLV, chúng tôi cũng livestream lúc tập thể lực và hướng dẫn, thi đấu cùng VĐV để vừa làm gương, vừa tăng tính cọ xát cho các em”, HLV Bùi Thúy Nga nói.

Thực tế, vẫn có không ít VĐV ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về smartphone, máy vi tính cũng như hạ tầng internet, nên không phải lúc nào cũng thuận tiện để quay video, livestream. Điều này khiến không ít HLV lo lắng các học trò của mình mượn cớ để lơ là tập luyện. Mừng là những VĐV nói trên vẫn tự giác tập luyện và báo cáo hằng ngày với HLV.

“Ngay lúc các VĐV về nhà, chúng tôi quả thật không yên tâm, bởi ở độ tuổi của các em, khi không có thầy cô bên cạnh rất dễ ham chơi, bỏ bê tập luyện. Tuy nhiên, bên cạnh đam mê vận động đã ăn sâu vào máu, việc tăng cân, sa sút thể lực, phong độ là điều VĐV sợ nhất. Tất cả những điều này kết hợp với việc quản lý online của HLV và tính tự giác của VĐV đã giúp họ vượt qua được những khó khăn trong tập luyện thời giãn cách”, ông Hồ Đắc Quang – Hiệu trưởng Trường trung cấp TDTT tỉnh chia sẻ.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Mạng 4G Viettel tại vietteldata.vn

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Chuyển đổi để nâng tầm

Thực hiện Quyết định số 2117 ngày 6/8/2024 của UBND tỉnh, Trường trung cấp Thể dục Thể thao được chuyển đổi thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Mô hình hoạt động mới này nhằm đưa thể thao thành tích cao, các môn thế mạnh của Thừa Thiên Huế phát triển đúng hướng, vươn lên tầm vóc mới.

Chuyển đổi để nâng tầm
Return to top