Thể thao

Pháp nhọc nhằn vào tứ kết gặp Bồ Đào Nha, Hà Lan khả năng cao tái đấu với Áo ở tứ kết

ClockThứ Ba, 02/07/2024 10:21
TTH.VN - Loạt trận diễn ra vào đêm mùng 1, rạng sáng 2/7 đã xác định cặp đấu thứ 3 ở vòng tứ kết Euro 2024 với cuộc đại chiến giữa Pháp và Bồ Đào Nha - hai trong số những ứng cử viên cho chức vô địch. Đêm nay và rạng sáng mai, hai cặp đấu cuối cùng của vòng 1/8 sẽ xác định những cái tên cuối cùng lọt vào vòng 8 đội mạnh nhất, nơi người hâm mộ mong chờ màn tái ngộ giữa Hà Lan (nếu vượt qua Romania) và Áo (nếu thắng Thổ Nhĩ Kỳ).

EURO 2024: Cổ động viên Bỉ và sự thất vọng bao trùmItalia thành cựu vương, nhiều kịch bản bất ngờĐương kim vô địch lo, chủ nhà hy vọng thắng

Hàng thủ của ĐT Pháp có một trận đấu rất xuất sắc. Ảnh: UEFA 

Đại chiến Pháp - Bồ Đào Nha ở tứ kết

Sau khi kết thúc vòng đấu bảng, trận đấu giữa Pháp và Bỉ ở vòng 1/8 được xem là cặp đấu cân bằng nhất khi xét đến danh tiếng, chất lượng cầu thủ và vị thế của 2 đội bóng này (Pháp hiện đứng thứ 2, còn Bỉ đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng FIFA). Bước vào trận đấu, huấn luyện viên cả 2 đội đều có một số điều chỉnh trong đội hình xuất phát, bên phía đội tuyển (ĐT) Pháp, họ ra sân với đội hình 4 - 3 - 1 - 2, trong đó HLV D. Deschamps giữ nguyên bộ tứ hậu vệ, còn hàng tiền vệ được bố trí hình kim cương với Tchouameni đá thấp nhất, 2 tiền vệ con thoi Rabiot và Kante, Antoine Griezmann đá ngay phía sau cặp tiền đạo Kylian M'Bappe và Marcus Thuram. ĐT Bỉ ra sân với sơ đồ 4 - 3 - 3, trong đó Lukaku đá cao nhất trên hàng công, 2 cầu thủ chạy cánh là Lois Openda và Jeremy Doku, hỗ trợ cho bộ 3 này là tiền vệ Kevin de Bruyne. Hiểu rõ sức mạnh tấn công của ĐT Pháp, HLV Tedesco bên phía ĐT Bỉ yêu cầu đội hình kéo xuống rất thấp, trong đó cả De Bruyne và Lukaku cũng lùi về rất sâu để hỗ trợ cho hàng hậu vệ, tạo thành lớp phòng ngự đầu tiên, do vậy, trong những phút đầu trận, mặc dù Pháp là đội chiếm ưu thế về tỷ lệ kiểm soát bóng nhưng gặp rất nhiều khó khăn trước hàng phòng ngự dày đặc của ĐT Bỉ.

Phía bên kia chiến tuyến, các pha tấn công của ĐT Bỉ phụ thuộc vào tốc độ và khả năng bứt phá của của 2 cầu thủ chạy cánh Doku và Openda, còn trung phong Lukaku bị hai trung vệ Saliba và Upamecano khóa chặt. Phút 24, Kevin de Bruyne có pha sút phạt chếch bên phía cánh phải của ĐT Pháp, bóng chạm hàng rào, đập đất khá nguy hiểm nhưng thủ môn Mike Maignan đã xuất sắc có pha cản phá bằng chân. Bế tắc trong việc tiếp cận khung thành ĐT Bỉ, Pháp tìm vận may với các cú sút xa, nhưng cả Rabiot, Tchouameni hay đội trưởng Kylian M'Bappe đều không thực hiện chính xác. Hiệp 1 khép lại với tỷ số hòa 0 - 0.

Cả hai đội bước vào hiệp 2 giữ nguyên đội hình xuất phát và ngay ở tình huống tấn công đầu tiên, Tchouameni có cú sút rất hiểm hóc ngay rìa vòng cấm, bóng chạm chân một hậu vệ của Bỉ hướng vào góc xa nhưng thủ môn Casteels đã bay người đẩy bóng đi hết đường biên ngang. Diễn biến trong những phút còn lại khá giằng co, trong đó Bỉ có 2 cơ hội rất nguy hiểm đến từ nỗ lực đi bóng của Doku, nhưng cú sút của Lukaku ở phút 71 và của Kevin de Bruyne ở phút 83 đều không thắng được thủ môn Maignan.

Về phía ĐT Pháp, K. M'Bappe cũng có một vài cơ hội sút xa nhưng bóng đi không chính xác. Khi mọi người đều nghĩ đến kịch bản trận đấu kéo dài sang hiệp phụ, thậm chí phải giải quyết thắng thua trên ở chấm luân lưu 11m thì bất ngờ xảy ra ở phút 85. Từ một tình huống tấn công bên phía cánh phải của ĐT Bỉ, bóng qua chân M'Bappe, Griezmann và được chuyền cho Kante ở trung lộ để tiền vệ nhỏ con này có pha chọc khe cho Kolo Muani - người vào sân thay cho tiền đạo M. Thuram trước đó, xoay người tung cú sút làm bóng chạm chân trung vệ Vertonghen bay vào lưới trong sự bất lực của thủ môn Casteels, mở tỷ số cho ĐT Pháp. Những phút còn lại, Bỉ vùng lên tấn công nhưng hàng thủ của Pháp đã chơi tập trung và dễ dàng hóa giải. Vượt qua Bỉ với tỷ số tối thiểu, Pháp tiến vào tứ kết để tiếp tục tạo nên một cuộc đại chiến khác với Bồ Đào Nha.

 Bồ Đào Nha vượt qua Slovenia trên chấm luân lưu 11m. Ảnh: UEFA

Trước khi trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Slovenia diễn ra, giới chuyên môn, người hâm mộ đều nghĩ rằng Ronaldo và đồng đội sẽ dễ dàng vượt qua đội bóng xuất thân từ Liên bang Nam Tư cũ, nhưng diễn biến và kết quả trận đấu đã chứng minh rằng, ở vòng đấu knock-out của Euro thì không có trận đấu nào là dễ dàng và không có đội bóng nào quá lép vế. Slovenia nhập cuộc với lối đá phòng ngự phản công rất chủ động, còn ở tuyến trên họ có tiền đạo xuất sắc Benjamin Sesko, trong khi đó Bồ Đào Nha, với hàng tấn công gồm nhiều cầu thủ có kỹ thuật cá nhân xuất sắc nhanh chóng chiếm lĩnh thế trận với thời gian kiểm soát bóng vượt trội. Tuy vậy, mọi ngả đường vào khung thành của thủ môn Jan Oblak bên phía Slovenia đều bị bịt kín, các pha lên bóng của Bồ Đào Nha chủ yếu đến từ 2 biên với sự cơ động của Rafael Leao và Bernado Silva. Ronaldo, trong trận thứ tư xuất phát từ đầu trận ở vai trò trung phong, bị các hậu vệ cao to bên phía Slovenia phong tỏa gần như suốt cả trận và có rất ít bóng trong vòng cấm. Cơ hội rõ rệt nhất với Bồ Đào Nha đến ở phút 35 khi cú đá phạt trực tiếp của Ronaldo đi cao hơn xà ngang của Slovenia trong gang tấc. Phút bù giờ cuối cùng của hiệp 1, tiền vệ Palhinha có cú sút từ sát vòng cấm sau đường chuyền ra của Leao dội mép ngoài cột dọc bay ra ngoài.

Bên phía đối diện, Slovenia cũng tổ chức một số pha phản công khi có cơ hội nhưng đều không thành công. Hiệp 2 trận đấu diễn ra không có nhiều khác biệt, khi Bồ Đào Nha vẫn miệt mài tấn công, còn Slovenia với lối đá rất khó chịu, không ngại va chạm gây rất nhiều khó khăn cho Ronaldo và các đồng đội. Trận đấu giằng co đến hết 90 phút thi đấu chính thức, buộc 2 đội bước vào hiệp phụ. Phút bù giờ hiệp phụ thứ nhất, Ronaldo có cơ hội không thể tốt hơn để mở tỷ số cho Bồ Đào Nha cũng như có bàn thắng đầu tiên ở giải Euro lần này nhưng trên chấm 11m, anh không thắng được sự xuất sắc của thủ môn Oblak.

Ở bên phần sân đối diện, nếu thủ môn Diogo Costa của Bồ Đào Nha không xuất sắc thì người Bồ đã phải ôm hận. Trung vệ Pepe có pha mất bóng tai hại ở phút 115, để Sesko cướp được bóng và đối mặt với thủ môn Costa nhưng anh không thắng được thủ môn trẻ này. Bỏ lỡ 2 cơ hội ngon ăn nhất trong suốt 120 phút, cả hai đội buộc phải phân định thắng thua bằng loạt sút luân lưu 11m đầy may rủi. Trong cuộc đấu trí này, thủ môn Costa của Bồ Đào Nha có màn trình diễn xuất thần khi anh cản phá cả 3 quả sút đầu tiên của Slovenia, trong khi Bồ Đào Nha không có ai trong số Ronaldo, Bruno Fernandes và Bernado Silva sút trượt. Giành chiến thắng 3 - 0 sau loạt sút luân lưu, Bồ Đào Nha tái ngộ Pháp để tiếp tục giấc mơ có lần thứ hai giành ngôi cao nhất châu Âu.

 Hà Lan, Áo, Romania hay Thổ Nhĩ Kỳ đoạt 2 vé cuối cùng vào tứ kết? Ảnh: UEFA

Hà Lan có nổi lốc hay chỉ là cơn gió thoảng?

Hai trận đấu cuối cùng vòng 1/8 là cuộc đối đấu giữa Romania và Hà Lan vào lúc 23 giờ ngày 2/7, còn sau đó là màn chạm trán giữa hai đội bóng được đánh giá khá ngang bằng: Áo gặp Thổ Nhĩ Kỳ. Xét về phong độ ở vòng bảng thì Hà Lan là đội kém nhất, họ chỉ có vị trí thứ 3 với trận thua đầy thất vọng trước Áo ở lượt cuối, trong khi đó, Romania đã xuất sắc qua mặt ĐT Bỉ để đoạt vị trí đầu bảng E. Qua những gì đã thể hiện, Romania đã chứng tỏ họ là đội bóng được tổ chức rất tốt, các cầu thủ thi đấu máu lửa và đặc biệt là khả năng sút xa của đội bóng này rất đáng nể. Về phía Hà Lan, màn thể hiện của họ cho đến nay chưa thể nói là thuyết phục. Điều đáng nói là hàng thủ của đội bóng da cam vốn được đánh giá rất cao với những cái tên như Van Dijk, Ake, De Vrij lại dễ dàng bị Áo chọc thủng lưới đến 3 lần, trong khi ở hàng công, phong độ của chân sút chủ lực Memphis Depay để lại nhiều thất vọng. Trong một trận đấu loại trực tiếp, nhiều khi kết cục trận đấu chỉ được quyết định bởi một tình huống thì mọi khả năng đều có thể xảy ra và nếu HLV Koeman khắc phục được những điểm yếu ở hàng thủ cũng như các chân sút Hà Lan sắc bén hơn thì việc họ vượt qua Romania là khả năng trong tầm tay. Cổ động viên Hà Lan đang rất hy vọng các ngôi sao của mình tỏa sáng đúng thời điểm để đưa cơn lốc da cam tiến vào vòng tứ kết Euro 2024 - điều mà họ chưa làm được kể từ Euro 2008.

Cuộc đối đầu thú vị giữa 2 chiến lược gia Đức và Italia

Trận đấu cuối cùng vòng 1/8 là màn đụng độ giữa Áo và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là cuộc đấu trí khá thú vị giữa 2 HLV đang để lại những dấu ấn rất đậm nét ở đội bóng do mình dẫn dắt - Ralf Rangnick của Áo và Vicenzo Montella của Thổ Nhĩ Kỳ. ĐT Áo dưới sự nhào nặn của HLV người Đức Ralf Rangnick chứng tỏ mình là đối thủ rất đáng gờm và không ngán ngại bất cứ đối thủ nào. Với đội hình không có ngôi sao nổi trội, nhưng Áo là đội bóng được tổ chức rất tốt, thấm nhuần lối đá genepressing với khả năng chuyển đổi trạng thái rất nhanh mà trận đấu với Hà Lan ở lượt 3 vòng bảng là minh chứng rất cụ thể. Phía bên kia chiến tuyến, đội bóng vắt qua 2 châu lục Á - Âu Thổ Nhĩ Kỳ, với tài điều binh khiển tướng của HLV người Italia Vicenzi Montella đã có những tiến bộ vượt bậc trong khoảng 1 năm qua. Nếu kỳ Euro lần trước đối với người Thổ Nhĩ Kỳ là kỷ niệm buồn rất đáng quên (thua cả 3 trận, chỉ ghi được 1 bàn, dù đối thủ của họ bao gồm Thụy Sĩ hay Wales) thì ở giải lần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những màn trình diễn rất đáng khen. Đội hình của họ cũng có những nhân tố có khả năng gây đột biến cao, như đội trưởng Hakan Calhanoglu (tiền vệ đang đá cho Inter của Italia) hay cặp đôi tài năng trẻ Arda Guler (Real Madrid), Kenan Yildiz (Juventus)... Do vậy, trận đấu giữa Áo và Thổ Nhĩ Kỳ hứa hẹn mang tới cho người hâm mộ một màn thể hiện hấp dẫn, kịch tính, với ưu thế nghiêng một chút về phía ĐT Áo (dự đoán: Áo thắng sau 120 phút).

Lịch thi đấu vòng 1/8 Euro 2024 đêm 02, rạng sáng 03/7: Hà Lan - Romania (23 giờ ngày 02/7); Áo - Thổ Nhĩ Kỳ (2 giờ ngày 03/7).

NGỌC ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chính thức mở cửa Học viện WHO tại Pháp:
Hiện thực hóa tầm nhìn về sức khỏe toàn cầu

Hãng Thông tấn The Jakarta Post ngày 19/12 đưa tin, Học viện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại thành phố Lyon, Pháp vừa chính thức mở cửa. Học viện sẽ góp phần đào tạo lực lượng lao động y tế tốt hơn trên toàn thế giới, thông qua chương trình đào tạo trọn đời mạnh mẽ nhất từng được thiết kế trong lĩnh vực y tế công cộng.

Hiện thực hóa tầm nhìn về sức khỏe toàn cầu
Chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm:
Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam, Pháp

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 7/10 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời sân bay Orly, thủ đô Paris lên đường về nước kết thúc tốt đẹp các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3/10 -7/10/20024, theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron.

Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam, Pháp
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Nhiều dư địa làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Pháp

Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới CH Pháp trong các ngày 4 - 7/10/2024, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng về quan hệ hợp tác giữa hai nước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Đại sứ Đinh Toàn Thắng Nhiều dư địa làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Pháp
Return to top