Cứ đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, các đội bóng Châu Á thường bị đánh giá thấp. World Cup lần này cũng vậy, các đại diện Châu Á vẫn mang phận “lót đường”. Thế nhưng, chứng kiến Hàn Quốc quật ngã đương kim vô địch Đức; Iran khiến hai đội bóng đến từ bán đảo Iberia toát mồ hôi và dấu ấn của Nhật Bản cho thấy khoảng cách trình độ bóng đá giữa châu lục đông dân nhất thế giới với phần còn lại đang dần được thu hẹp.
1. Ngược dòng quá khứ, Hàn Quốc từng gây chấn động thế giới khi lọt vào tới bán kết World Cup 2002 trên sân nhà. Thời điểm đó, đội bóng đến từ xứ sở Kim Chi khiến hàng loạt đội bóng lớn đến từ lục địa già phải ôm hận. Đó là kỳ tích mang tính bước ngoặt của lịch sử bởi kể từ World Cup 1954 (kỳ World Cup đầu tiên Hàn Quốc tham dự) trên đất Thụy Sỹ, cho đến năm 2002, chưa một lần đội bóng xứ Hàn vượt qua vòng đấu bảng. Và dẫu còn nhiều “hạt sạn” mà báo chí phanh phui sau giải đấu nhưng người hâm mộ Hàn Quốc vẫn còn ngất ngây. Đến World Cup 2010, cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc là một trong hai đội bóng Châu Á vượt qua vòng bảng trước khi dừng bước tại vòng 16 đội sau trận thua Uruguay.
Đội tuyển Hàn Quốc gây bất ngờ khi đánh bại đương kim vô địch Đức. Ảnh: FIFA
Mặc dù bị loại ở vòng bảng nhưng ở World cup lần này, nhưng không chỉ người hâm mộ xứ Hàn, mà những tín đồ túc cầu giáo tại Việt Nam đa phần đều ủng hộ thầy trò HLV Shin Tae-yong và điều đó đã được đền đáp sau một đêm giàu cảm xúc trên sân vận động Kazan Arena.
2. Trong số hai đội bóng Tây Á tham dự World Cup lần thứ 21, Iran gây ấn tượng mạnh với những trận đấu đáng xem. Không như các đội bóng khác, Iran đến với World Cup trong vòng xoáy bất ổn về kinh tế lẫn chính trị. Trong quá khứ, họ cũng từng gặp những biến cố lớn liên quan đến chính trị. Thế nên, việc những khán đài tại Nga xuất hiện hình ảnh các cổ động viên nữ Iran như là sự kiện lịch sử, bởi kể từ năm 1979, đây là kỳ World Cup đầu tiên phụ nữ Iran tới cổ vũ cho đội tuyển quốc gia.
Trên sân bóng, các cầu thủ đến từ đất nước Hồi giáo thể hiện thứ bóng đá hiện đại, “biết người biết ta” khiến các đối thủ ở bảng B thót tim, họ tạo nên một trong những bảng đấu kịch tính nhất vòng chung kết World Cup 2018. Nằm chung bảng đấu với Bồ Đào Nha - đương kim vô địch Châu Âu và nhà vô địch World cup 2010 Tây Ban Nha nhưng thầy trò HLV Carlos Queiroz suýt gây ra địa chấn. Nếu tại Mordovia Arena, cú sút của Mehdi vào lưới Bồ Đào Nha thì C.Ronaldo và các đồng đội có lẽ đã sớm rời cuộc chơi.
3. Từ năm 1998 đến nay, Nhật Bản liên tiếp góp mặt tại các kỳ World Cup, và đây là lần thứ ba đội tuyển đến từ đất nước mặt trời mọc vượt qua được đấu vòng bảng, hai lần trước là vào các năm 2002 và 2010.
Các cầu thủ Nhật Bản ăn mừng bàn thằng san bằng tỉ số trong trận gặp Senegal. Ảnh: Reuters
Xét trên bình diện Châu Á, Nhật Bản là đội bóng hàng đầu, thế nhưng ở sân chơi thế giới, họ luôn bị xếp “cửa dưới”. Những năm gần đây, để nâng tầm đội tuyển, nhiều cầu thủ được xuất ngoại và đã thành danh, trong số đó phải kể đến Kersuke Honda, Shinji Kagawa hay Shinji Okazaki,…
World Cup 2018, thầy trò HLV Akira Nishino nằm ở bảng đấu không có đội bóng nào thuộc diện ứng viên cho ngôi vô địch, nhưng không vì thế họ “rộng cửa” lọt vào vòng trong. Ở hai trận đấu đầu tiên tại vòng bảng, khí chất của những “Samurai xanh” đã được thể hiện. Họ thi đấu quật cường, đánh bại Comlombia một cách hoành tráng, rồi hai lần san bằng cách biệt trước đại diện Tây Phi – Senegal nhỉnh hơn về mọi mặt.
Phần đông chuyên gia và người hâm mộ dè bỉu, thậm chí “động chạm” đến hình tượng hiệp sĩ Samurai huyền thoại sau trần cầu với Ba Lan. Ở đó, Akira Nishino toan tính, thực dụng đến mức chỉ đạo các học trò “ngừng” đá bóng khi thời gian thi đấu chưa kết thúc. Nhưng ai cũng có lý lẽ riêng, Akira Nishino cũng có lý cho riêng mình. Tôi đồ rằng, trên sân vận động Volgograd hôm đó, vị HLV người Nhật Bản cũng không vui khi cho các học trò đá tiêu cực, có lẽ với ông, vượt qua được vòng bảng mới là điều quan trọng. Nếu ở vòng 1/8, người Nhật đả bại Bỉ bằng tình thần võ sĩ đạo thì những lời hờn trách hôm nào sẽ bị xóa tan, cả Châu Á sẽ tự hào về họ.
Sơn Xuân