1 - Cuối tháng 7, cùng với Hải Phòng, tuyển đá cầu Thừa Thiên Huế đại diện tuyển đá cầu Việt Nam sẽ lên đường sang Hồng Kông (Trung Quốc) tham dự giải đá cầu Hồng Kông mở rộng, diễn ra từ 27/7 – 2/8. Ở lần tham dự này, tuyển đá cầu Thừa Thiên Huế là lực lượng chủ lực khi áp đảo với 8 VĐV, Hải Phòng góp mặt 2 VĐV.
|
Nguyễn Thị Thùy Linh trở thành VĐV đầu tiên của làng đá cầu Huế khoác áo Đội tuyển quốc gia Việt Nam và là cầu thủ nhỏ tuổi nhất tính đến thời điểm hiện tại. Ảnh: Báo CAND |
Được xem là giải tiền vô địch đá cầu châu Á 2024, giải đá cầu Hồng Kông mở rộng quy tụ hầu hết các đội mạnh của châu lục, đồng thời cũng là những đội top đầu thế giới, như: Chủ nhà Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mông Cổ, Việt Nam…
Thành lập năm 2002, đá cầu Huế được xem là “sinh sau, đẻ muộn” so với nhiều tỉnh, thành, nên có thể lý giải được, từ thời điểm đó cho đến trước năm 2018, đá cầu Thừa Thiên Huế chưa tạo dựng được vị trí đáng chú ý trên bản đồ thành tích quốc gia. Thành tích cao nhất của họ trong khoảng thời gian này là tấm HCB đôi nam nữ tại sân chơi Đại hội (ĐH) Thể thao toàn quốc.
Tuy nhiên, kể từ năm 2018, khi dàn VĐV bước vào ngưỡng “chín”, đá cầu Huế liên tục gặt hái “quả ngọt” ở các giải vô địch, giải trẻ quốc gia và đến năm 2019, đá cầu đã làm nên lịch sử cho thể thao Huế khi VĐV Nguyễn Thị Thùy Linh cùng đồng đội tại tuyển đá cầu Việt Nam giành tấm HCV danh giá tại Giải vô địch đá cầu thế giới diễn ra tại Pháp.
Cũng từ giai đoạn này cho đến nay, đá cầu Huế liên tục đăng quang ở nhiều đấu trường đỉnh cao; trong đó, đáng chú ý là thành tích 1 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ tại ĐH Thể thao toàn quốc 2022, cũng như có bước tiến ngoạn mục khi vượt qua Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để cùng Đồng Tháp, Bắc Giang đứng vào top 3 đơn vị mạnh nhất cả nước.
Giới chuyên môn nhận định, ngoại trừ chức vô địch tại Giải đá cầu thế giới năm 2019 của Nguyễn Thị Thùy Linh, thành tích nổi bật của đá cầu Huế những năm qua đều mang đậm dấu ấn tập thể. Mà nói như Trưởng bộ môn đá cầu Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Hiền, trong tuyển đá cầu Huế hiện tại, xuất sắc như Thùy Linh không hiếm, còn tiệm cận thành tích của Linh thì nhiều. Điều này có thể hiểu, thực lực các VĐV tuyển đá cầu Huế khá đồng đều, không có cá nhân nào quá nổi bật so với phần còn lại. Khi tham gia các giải, dàn VĐV này cũng mạnh đều cả ở 9 nội dung thi đấu chứ không riêng một nội dung nào.
Và đó chính là những yếu tố để tuyển đá cầu Huế được chọn làm lực lượng chủ lực, đại diện cho đá cầu Việt Nam tranh tài với các đội tuyển mạnh của châu Á, thế giới tại Giải đá cầu Hồng Kông mở rộng sắp tới, cũng như được kỳ vọng sẽ gặt hái những thành tích cao tại Giải vô địch đá cầu châu Á 2024 do Việt Nam đăng cai, diễn ra từ 20-27/8 tại Huế, dù rằng, trong 8 VĐV đá cầu Huế, hiện chỉ có Nguyễn Thị Thùy Linh đang khoác áo tuyển quốc gia.
2 - Có thể nói, bước tiến của đá cầu thời gian qua đã chứng minh những đầu tư đúng hướng của tỉnh, của những người làm thể thao khi xếp đá cầu nằm trong nhóm 2 những môn đầu tư trọng điểm. Dẫu vậy, vài ba năm tới, đá cầu Huế buộc phải đối mặt nguy cơ thành tích thụt lùi.
Hiện, dàn 7 VĐV nữ của tuyển đá cầu Huế đang trong ngưỡng đỉnh cao sự nghiệp. Nhưng với tuổi thọ trung bình của bộ môn này, dự kiến những VĐV nữ chỉ còn cống hiến cho thể thao tỉnh nhà từ 3-5 năm nữa. Thậm chí, sau ĐH Thể thao toàn quốc 2026, sức mạnh của tuyển đá cầu Huế sẽ giảm bớt khi nhiều khả năng thiếu vắng Nguyễn Thị Thùy Linh, Phan Thị Tuyết, Đinh Hữu Ánh Nguyệt…
Nguyên nhân “con gái có thì”, đến thời điểm nhất định, các VĐV nữ cũng phải lập gia đình. Mà một khi lập gia đình, ắt hẳn không còn thời gian để theo đuổi đam mê, để toàn tâm toàn ý cho đá cầu.
Tất nhiên, việc đào tạo lứa kế thừa là chuyện bất cứ bộ môn nào cũng tính đến. Thậm chí có những môn, khi lứa đầu chưa kịp “chín” đã xuất hiện lớp kế cận để tính chuyện đường dài. Dẫu vậy, với nhiều yếu tố về chỉ tiêu, con người…, khoảng cách giữa lứa 10 VĐV (sinh năm 2010-2012) kế cận mà tuyển đá cầu Huế đang đào tạo với lứa Nguyễn Thị Thùy Linh, Phan Thị Tuyết, Lê Văn Đông… lại cách nhau quá xa.
Cũng chính vì khoảng cách không thể rút ngắn này, sau 3-5 năm nữa, nguy cơ đá cầu Huế “out” khỏi top 3, cũng như thành tích thụt lùi là đang hiện hữu. Và điều này sẽ kéo dài trong khoảng thời gian không ngắn, 5-10 năm.