Thể thao trong nước

Chờ một tin vui

ClockThứ Tư, 27/10/2010 19:36
TTH - Theo quy định của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, đến năm 2013, nếu các đội bóng hạng Nhất không thực hiện theo quy trình chuyển giao hoặc cổ phần hóa thì sẽ bị xuống chơi tại giải hạng Nhì (hoặc, nếu vô địch hạng Nhất cũng không được thăng hạng chuyên nghiệp)

1 - Mùa giải hạng Nhất 2011 đã gần kề và sự ra đi của một số cầu thủ chủ chốt như Độ Thắng, Cửu Phú, Ngọc Luận, Văn Minh, Văn Quý, Văn Quang, Tuấn Tú đúng là tin dữ cho những ai yêu mến đội bóng Cố đô.

Ông Lê Xuân Bình, PGĐ Sở VH-TT-DL tâm sự: sau mùa giải 95 hoàng kim, dù bóng đá Huế lên, xuống rất phập phù nhưng chưa hề chứng kiến sự chia tay của một loạt cầu thủ. Nay, hơn nửa đội hình một ra đi. Đau lắm chứ. Buồn lắm chứ. Nhưng đau, buồn đến mấy cũng không thể trách các em, bởi bóng đá chuyên nghiệp là vậy.
 

Huda Huế đang chảy máu cầu thủ.
Ảnh: bongda.com

2 – Bóng đá hạng Nhất chưa thể sánh bằng chuyên nghiệp ở mọi phương diện là điều tất nhiên. Nhưng không có nghĩa sân chơi này thiếu đi sự đua tranh, tính khốc liệt ở mỗi một trận đấu.
 
Những lỗ hổng của Độ Thắng, Ngọc Luận, Văn Minh… để lại sẽ được lứa cầu thủ đàn em “trám” vào, nhưng gần như, đó chỉ là giải pháp tình thế. Bởi, độ chín, độ quái, kinh nghiệm của những chân sút U17 rõ ràng không thể sánh bằng thế hệ đàn anh từng bao năm chinh chiến ở giải hạng Nhất quốc gia. Và liệu, những cánh chim non có thừa khát khao nhưng thiếu đi sự già dặn có thể đứng vững bao lâu tại sân chơi hạng Nhất?
 

 
3 – Được biết, kinh phí cho Huda Huế mùa giải 2011 chừng 10 tỷ đồng. Trong thời điểm Huda Huế đang bị chảy máu cầu thủ và phải đôn lứa cầu thủ trẻ lên chơi đội 1, số tiền này thật khó để đội bóng thực hiện được ước mơ của người hâm mộ: thăng hạng, hay thậm chí cầm cự giữ một suất ở sân chơi hạng Nhất.
 
Chưa hết, trong khi các tỉnh khác đang có sự đầu tư khá mạnh đối với bóng đá hoặc đã được chuyển sang mô hình CLB cho các doanh nghiệp đầu tư, quản lý như Quảng Nam, Hà Tĩnh, Bình Định, Cần Thơ, An Giang, Hà Nội, Quảng Ninh... thì bóng đá Huế vẫn vận hành theo mô hình cũ. Đây là điều hết sức bất cập, bởi bóng đá Việt Nam đang dần chuyển sang cơ chế bóng đá chuyên nghiệp, đặc biệt là việc chuyển giao các đội bóng cho các doanh nghiệp quản lý (Đây là cơ sở để các doanh nghiệp chủ động trong việc thuê mướn cầu thủ trong và ngoài nước, linh động các chính sách lương, thưởng... vì vậy, dễ dàng lôi kéo, thu hút nhân tài).
 
Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh đã giao cho đoàn bóng đá Huế đi tìm nhà tài trợ với mong muốn đưa bóng đá Huế phát triển theo lộ trình đã vạch ra. Điều khiến người hâm mộ phần nào yên tâm. Chắc chắn, khi mùa giải mới bắt đầu, tình yêu dành cho đội bóng tỉnh nhà cùng sự đồng thuận từ phía một số doanh nghiệp chính là món quà ý nghĩa nhất với những ai yêu mến bóng đá Cố đô.
 
 Hàn Đăng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV

Tại giải Vô địch Cung thủ xuất sắc Quốc gia năm 2024 được tổ chức ở sân nhà, bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV. Mục tiêu này được kỳ vọng vào cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi.

Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV
Return to top