Thể thao trong nước

Chuyện ở phòng tập thể hình

ClockThứ Năm, 25/10/2012 11:08
TTH - Khó để thống kê trên địa bàn Thừa Thiên Huế có bao nhiêu người tham gia các CLB tập thể hình bởi lợi ích mà môn thể thao cơ bắp này đem lại không cần bàn cải.

Mươi mười lăm năm trước, nghe ai đi tập thể hình là “ghê” lắm. Bởi thời điểm đó, số người dư dã tiền nong để đi tập thể hình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết toàn vào Trường đại học Nông Lâm, Đại học Sư Phạm tập ké xà đơn xà kép, không thì nhịn ăn sáng mua mấy cân xi-măng về đúc bánh tạ tự tập ở nhà. Mà có tiền đi tập đã oai, huống chi để duy trì chế độ dinh dưỡng nhiều lượng đạm để tương xứng với cường độ tập luyện, mức đốt cháy kalo hàng ngày càng không cần phải nói đến.

Thể hình - môn thể thao đang được nam giới ưa chuộng. Ảnh: Hàn Đăng

Bây giờ số người không đủ tiền đi tập thể hình chắc đếm không quá mười đầu ngón tay. Vào phòng tập, không còn cái cảnh trà trộn, chắp vá giữa tạ xi - măng với tạ sắt. Thay vào đó là những trang thiết bị đồng bộ hiện đại, được lau chùi bóng loáng hàng ngày. Nào ghế đẩy tạ nằm, ghế cong tập bụng, ghế đẩy tạ đơn, dàn tạ đa năng, xe đạp tập thể lực, máy chạy bộ. Còn mấy cái đơn giản như tạ tay, bánh tạ, bao cát, ghế băng thì vô số kể.

Thông thường phòng tập nào cũng chia làm hai nhóm, nhóm “mình dây” và nhóm “thâm niên”. Nhóm đầu tiên thì rụt rè đi kèm “ốt dột”. Có anh đứng bên máy tập đa năng (tay, chân, bụng, ngực...) dù đã được HLV hướng dẫn nhưng mặt tần ngần không biết nên tập cái nào trước, cái nào sau. Có anh mới đầu hớn hở giành ngay ghế đẩy tạ nằm, chả biết lắp vào bao nhiêu bánh tạ, lúc đầu mặt cứ tươi hơn hớn, nhưng qua chừng 10 lần đẩy mặt đỏ như say rượu, miệng ú ớ... “Đỡ nhanh giúp tui không tạ nó đè bể ngực mấy bác ơi”. Lại có anh, phòng tập ngột ngạt nhưng nhất định không chịu cởi áo. Hỏi răng không cởi tập cho thoải mái thì nói sợ bị đếm... xương sườn. Nhớ nhất một chàng vừa bước vào phòng tập, hai tay lập tức đút ngay túi quần, ngực tự nhiên... nhú ra treo ngược tận cổ. Thấy lạ nhìn kỹ mới biết anh này ít tuổi nhưng bụng phệ, sợ “ốt dột” nên vừa phải thót bụng, vừa phải giữ... lưng quần.

Nhóm tập có thâm niên thì hoàn toàn trái ngược. Tự tin bước vô phòng là vứt xoạch cái áo, lừng lững đi đến trước gương đứng tạo dáng y chang Phạm Văn Mách lúc thi đấu SEA Games. Người thì đô con, vạm vỡ, tay chân “gồng” lên “chuột” cứ gọi to bằng... con mèo. Có người ngoại hình khiêm tốn hơn nhưng bụng hiện rõ nguyên “6 múi”, gân thì lằn ngang lằn dọc như quấn dây thừng quanh người. Độc đáo hơn, chẳng biết vô tình hay cố ý, có anh cứ thấy qua gương có người nhìn mình là vòm ngực tự nhiên giật bần bật, “chuột” trên tay vừa nổi vừa “chạy tới chạy lui” nhìn rất ngầu.

Lại có vài người đến phòng tập việc đầu tiên là nhìn ngang nhìn ngửa xem ông to con nào đang tập liền bước tới đứng... trầm ngâm đếm bánh tạ. Đứng một hồi nhất quyết phải lắp bánh tạ y chang cả số lẫn trọng rồi hì hục đẩy. Đẩy xong, thấy mình đuối trước liền quay qua giả lả: Em cố mấy cũng không bằng anh được. Đẩy hơn thì từ tốn ngồi dậy, từ tốn lau mồ hôi rồi từ tốn... ném một ánh mắt “cao cao tại thượng” về phía “đối thủ”. Tuyệt không nói câu nào...

Thú thật không có nhiều điều kiện để cùng hít thở không khí của những phòng tập thể hình trên đất Huế, để ghi nhận những lợi ích sau khi tập từ phía các “thể hình viên”. Tuy nhiên, trong khi nam giới toàn cầu bụng đang ngày càng phệ (theo cảnh báo năm 2011 của ĐH Oxford - Mỹ) thì món tập thể hình này cũng đáng để các quý ông, quý anh, nhất là những người ít vận động chiêm nghiệm.

Võ Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Taekwondo & những mâu thuẫn nội tại

Muốn được đầu tư nhiều thì phải đạt thành tích cao. Nhưng muốn đạt thành tích cao thì trước đó phải có đầu tư mạnh tay. Cái sự “tréo ngoe” này đang là mâu thuẫn nội tại với hầu hết các bộ môn thể thao, mà điển hình là Taekwondo.

Taekwondo  những mâu thuẫn nội tại
Những “khoảng trống” cần khỏa lấp

Chưa đầy 1 tháng nữa, vòng bảng ASEAN Cup 2024 (tên cũ là AFF Cup) sẽ chính thức khởi tranh. Trước thềm giải đấu quốc tế lớn nhất của đội tuyển Quốc gia Việt Nam trong năm nay, những “khoảng trống” của đội tuyển đang cần huấn luyện viên (HLV) trưởng Kim Sang Sik tìm cách khỏa lấp.

Những “khoảng trống” cần khỏa lấp
Bắn cung & chu kỳ “thịnh - suy”

Giai đoạn 2018 - 2023, bắn cung Huế được xem là “hiện tượng” khi nhiều lần đăng quang ở các giải đấu danh giá cấp quốc gia, khu vực và châu lục. Nhưng hiện tại, bắn cung Huế đang đối diện nguy cơ thoái trào.

Bắn cung  chu kỳ “thịnh - suy”
Return to top