|
Coupe De Hue 2019 quy tụ nhiều tay đua quốc tế |
Điểm đến ấn tượng
Xin được bắt đầu từ năm 2018, thời điểm Thừa Thiên Huế tổ chức giải Half marathon. Tuy lần đầu tổ chức, nhưng giải đấu đã thu hút gần 1.500 vận động viên (VĐV) tham gia, trong đó hơn 300 VĐV đến từ Đà Nẵng, Kiên Giang, Quảng Trị, Hải Phòng, Hà Nội... và khoảng 100 VĐV nước ngoài.
Một tháng sau giải Half marathon 2018 là hai sự kiện thể thao lớn: Ngày hội Xe đạp thể thao đường trường quốc tế “Coupe De Hue 2018” và Ngày hội chạy đường trường quốc tế “Hue International Marathon 2018” càng khiến Huế được bạn bè trong nước, quốc tế biết đến nhiều hơn. Sở Du lịch đã phối hợp với Beebeetravel tổ chức 3 tour miễn phí cho các VĐV: “Rảo bước cùng Huế - Theo dấu thăng trầm lịch sử”; “Lăn bánh cùng Huế - Tìm lại Chi Lăng, Gia Hội xưa” và “Du thuyền cùng Huế - Nghe dòng Hương kể chuyện”. Qua đó, giúp các VĐV và người thân có thêm giây phút trải nghiệm, khám phá sâu hơn về Huế và con người xứ Huế.
Đến năm 2019, Huế thật sự trở thành tâm điểm không chỉ với những người yêu thể thao mà còn với những ai đam mê khám phá, trải nghiệm khi Ngày hội Xe đạp thể thao đường trường quốc tế “Coupe De Hue” được nâng tầm cả về quy mô, số lượng, chất lượng VĐV và độ khốc liệt ở từng cự ly chinh phục: “Vua leo núi Bạch Mã Laguna” lộ trình 15km, tính từ chân núi Bạch Mã lên đến đỉnh cùng độ cao hơn 1.200m; Gran Fondo (TP. Huế - A Lưới), lộ trình 150km, chinh phục các đèo Tà Lương, Kim Quy, A Co... cùng 196 khúc cua, trong đó 58 khúc cua có vực sâu…
|
Với phần thi “Vua leo núi Bạch Mã Laguna”, Coupe De Hue 2019 được xem là giải đua xe đạp "điên rồ" nhưng hấp dẫn nhất Việt Nam. Ảnh: TẤN PHONG |
Và độ hấp dẫn của giải đấu đã khiến những gương mặt nổi tiếng trong làng đua xe đạp quốc tế, như: Javier Sardá (Tây Ban Nha), Chris Butler (Mỹ), Cadel Evans - cựu vô địch thế giới xe đạp leo núi (1998, 1999) và Tour de France (2007, 2011)... đăng ký tham gia.
Song song với “Coupe de Hue”, Huế còn biết đến là địa điểm tổ chức cực kỳ ấn tượng của các giải marathon, nhất là giải VnExpress Marathon, Kun Marathon, Full Marathon… Những giải đấu này thu hút rất đông VĐV tham dự và kéo theo đó, là hàng chục ngàn người thân của VĐV đi cùng, từ đó có những tác động tích cực đến phát triển dịch vụ, du lịch.
Theo TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao, các môn mang tính cộng đồng cao như marathon, bóng đá cộng đồng, cầu lông, tennis, bóng bàn, bóng rổ, pickleball, đua ghe, đua sup... rất thuận lợi để phát triển ở Huế do có không gian rộng rãi, cảnh quan đẹp, hệ thống di tích cung đình và dân gian độc đáo, ẩm thực phong phú, dịch vụ du lịch khá đa dạng, đủ sức hấp dẫn các du khách là VĐV phong trào và người thân đến tham gia trải nghiệm.
“Kinh nghiệm tổ chức các giải marathon với Báo VnExpress trong 3 năm qua, mỗi năm thu hút từ 8.000 - 10.000 VĐV (trong đó có khoảng 60% là người từ bên ngoài về Huế); hay 2 lần tổ chức Festival thể thao cộng đồng (các năm 2023, 2024) với nhiều bộ môn mang tính cộng đồng cao thu hút hàng chục nghìn người tham gia cho thấy rất rõ điều đó”, ông Phan Thanh Hải khẳng định.
Không riêng thể thao cộng đồng, nhiều năm qua, Huế được Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) tín nhiệm, thường xuyên chọn là nơi đăng cai tổ chức các giải thể thao thành tích cao mang tầm quốc gia, quốc tế. Để có được sự tín nhiệm này, ngoài kinh nghiệm, các điều kiện tốt về môi trường thì dịch vụ du lịch, ẩm thực, danh lam thắng cảnh, độ an toàn, thân thiện... cũng chính là những điểm cộng của Huế.
Gà đẻ trứng vàng
Từ năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Huế hiện cũng đang phấn đấu trở thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á như Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 21/5/2021 của Tỉnh ủy. Và trong lộ trình này, thể thao Thừa Thiên Huế có triển vọng đóng góp rất lớn để đạt được mục tiêu nói trên khi mà quan điểm hiện nay, thể thao cũng là một ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, có khả năng đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Minh chứng gần nhất, chỉ trong tuần diễn ra giải VnExpress Marathon 2024, công suất phòng trung bình tại các khách sạn, homestay ở Huế đạt trên 60%, với hơn 36.500 khách lưu trú - cao nhất từ đầu năm, doanh thu du lịch tăng 16 tỷ đồng so với năm 2023 (năm 2023 đạt 55 tỷ đồng - trong thời điểm diễn ra giải VnExpress - PV).
Không chỉ ở những giải marathon, với việc đang đào tạo, huấn luyện 13 bộ môn, trong đó có một số môn là thế mạnh, như: Vật, bắn cung, đá cầu..., cùng những “điểm cộng” về cảnh quan, môi trường, con người, kinh nghiệm tổ chức…, Huế hoàn toàn có khả năng phát triển thêm một số môn thể thao thành tích cao khác theo tiêu chuẩn khu vực Đông Nam Á, châu Á, như: Đua thuyền rồng, canoeing, boxing..., cũng như cho thấy dư địa phát triển kinh tế thể thao khá lớn.
Hiện, Huế đã và đang đầu tư nâng cấp, xây mới một số công trình, qua đó từng bước đáp ứng tiêu chuẩn tổ chức các giải thể thao quốc tế, cũng như hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao công cộng và định hướng phát triển không gian đô thị, như: Lắp đặt bảng điểm điện tử ở môn bơi lặn; nâng cấp, trang bị điều hòa nhiệt độ ở Nhà thi đấu; xây dựng Quảng trường Văn hóa Thể thao…
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế từ thể thao thì những động thái này xem ra vẫn chưa đủ.
Với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của mình, Huế đủ khả năng để trở thành “điểm đến”, là nơi “chuyên” đăng cai tổ chức những giải đấu tầm cỡ, cả ở thể thao cộng đồng lẫn thành tích cao. Nhưng để trở thành “điểm đến” thì việc đầu tư cơ sở vật chất không chỉ tập trung ở mỗi khu vực trung tâm, mà còn ở các điểm vệ tinh, như: Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang…, cũng như cần hoàn thiện các chính sách mang tính chất “đòn bẩy”, định vị được “khách hàng tiềm năng”, định vị giải đấu, cách truyền thông hiệu quả, cách thu hút khán giả, thu hút các nhà tài trợ, cũng như sự tương hỗ, phối hợp nhịp nhàng hơn giữa thể thao và các ngành hữu quan, nhất là du lịch.
Tiềm năng kinh tế từ thể thao là điều đang hiện hữu. Vấn đề còn lại là giải pháp khai thác hiệu quả để chắc chắn trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho ngành dịch vụ, du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội của Huế nói chung.