Thể thao trong nước
CÂU LẠC BỘ BÓNG ĐÁ HUẾ:

Gian nan tìm trợ lực

ClockChủ Nhật, 26/08/2018 12:37
TTH - Nếu không có giải pháp khả thi, Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Huế sẽ khó có "đất sống" trước thực trạng ngày càng khó về cả trụ hạng và đầu tư như hiện nay.

CLB Bóng đá Huế bỏ lỡ nhiều cơ hộiBóng đá Huế khó có “đường về”

CLB Bóng đá Huế (xanh) thăng hạng V-League luôn là điều mà người yêu bóng đá Huế mong đợi

1. Hiện Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Huế đang đứng thứ 6 tại giải hạng Nhất 2018. Trên lý thuyết, Huế không phải quá lo với chuyện rớt hạng, nhưng đồng thời cũng quá khó để hoàn thành mục tiêu “bảo vệ ngôi á quân và nếu có cơ hội sẽ thăng hạng” – như lời của Trưởng đoàn bóng đá Huế - Đoàn Phùng dịp đầu năm mới.

Lý thuyết về thứ bậc là vậy, còn về điểm số, dù đứng thứ 6/10 đội nhưng thực tế, với 14 điểm hiện có, CLB bóng đá Huế chỉ cách đội áp chót XF Tây Ninh 2 điểm và đội bét bảng Công an Nhân dân 6 điểm, trong khi khoảng cách với tốp 3 đội dẫn đầu từ 9 – 12 điểm. Và nếu cứ “thua – thua – huề” ở 5 vòng đấu còn lại, không ai dám chắc đội bóng Cố đô có thể an toàn trụ hạng mùa giải này.

Thực tế này khiến không ít người cho rằng, nếu cứ đá kiểu này thôi thì giải tán đội bóng để tập trung cho công tác đào tạo cầu thủ trẻ, vừa khỏi khiến người hâm mộ liên tục hy vọng rồi hụt hẫng, lo lắng từ mùa này qua mùa khác, vừa giảm được “áp lực” cho ngân sách tỉnh nhà. Lý do của họ, chẳng thà không có tiềm lực, đằng này từng là á quân giải đấu cao nhất Việt Nam, sân nhà từng một thời là “chảo lửa”, lại là một trong số ít địa phương được công nhận về khả năng đào tạo bóng đá trẻ nhưng kể từ khi xuống chơi tại giải hạng Nhất, mùa nào cũng như mùa nào, luôn nghe “cố gắng thăng hạng nếu có cơ hội”.

Nhưng sau nhiều mùa “nếu có cơ hội”, CĐV bắt đầu nản lòng, bởi không cần xem cũng đã… biết trước kết quả của đội bóng con cưng, là trụ hạng, chỉ trừ một mùa mà CLB bóng đá Huế gây bất ngờ lớn khi chơi tại giải… hạng Nhì.

2. Công bằng mà nói, chuyện CLB Bóng đá Huế cứ loanh quanh tại giải hạng Nhất không hoàn toàn do các cầu thủ hay CLB và Đoàn bóng đá Huế. Đã là VĐV, ai cũng muốn chinh phục đỉnh cao, ai cũng muốn làm đẹp lòng người hâm mộ. Nhưng vấn đề từ hạng Nhất thăng hạng lên V-League không phải muốn là được. Nó phải kết hợp với nhiều yếu tố, và với CLB Bóng đá Huế thì kinh phí gần như là yếu tố tiên quyết, trong khi với đặc thù của mình, Huế không phải là nơi “đồn trú” của những doanh nghiệp đủ tầm để “ôm” đội bóng vào lòng – điều kiện để chơi tại giải bóng đá cao nhất quốc gia.

Cũng chính điều này khiến không ít cầu thủ trụ cột của CLB bóng đá Huế hoang mang trước tương lai của mình. Hệ quả là nhiều năm qua, không ít chân sút trụ cột đã tìm bến đỗ mới ở các đội bóng có mục tiêu, có tham vọng. Và chỉ tính riêng đầu mùa bóng 2018, Huế mất Minh Hoàng (thủ môn – đầu quân Quảng Nam) và Văn Điệp (tiền vệ - đầu quân Đà Nẵng).

Hiện, Võ Lý - chân sút chủ lực của CLB Bóng đá Huế đã hết hạn hợp đồng với đội bóng và nguy cơ Võ Lý ra đi tìm bến đỗ mới rất cao khi giấc mơ của chân sút tài hoa người Phong Điền không chỉ loanh quanh ở giải hạng Nhất. Một khi Võ Lý ra đi thì chuyện Trần Thành – chân sút từng góp công lớn giúp U19 Việt Nam giành suất dự VCK U20 World Cup 2017 đang được nhiều đội bóng khác “ngắm nghía” – theo chân đàn anh cũng không là chuyện khó hiểu.

3. Thật ra ý kiến giải tán đội bóng để tập trung đào tạo trẻ là một trong số ít giải pháp khả thi. Bởi tuy “sinh sau đẻ muộn” so với “lò” Sông Lam Nghệ An, Hà Nội T&T, Hoàng Anh Gia Lai… nhưng nhiều năm qua, Huế đã và đang được công nhận là một trong những địa phương đào tạo bóng đá trẻ chất lượng trên cả nước. Mà minh chứng trước mắt là trong đội hình CLB Bóng đá Huế đa phần là cầu thủ “cây nhà lá vườn”, trong số đó có không ít tên tuổi như Võ Lý, Trần Thành… Huế cũng là nơi đào tạo đầy đủ các tuyến hơn cả Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng… và tham gia đủ các giải U do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức.

Dù không còn là “chảo lửa” của miền Trung, của cả nước, nhưng sân Tự Do vẫn là điểm đến của không ít người Huế mỗi dịp cuối tuần. Đến để xem bóng đá đã đành, họ đến còn để gặp những người cùng sở thích, tình yêu, đến để chia sẻ, để buông cảm xúc theo nhịp lăn của quả bóng tròn. Có người thậm chí lặn lội cả chục cây số giữa trưa nắng rát đến chỉ để “coi thằng cháu sát nhà hắn đá ra răng”…

Mà giả dụ giải tán đội bóng thật, ngoài HLV cùng số ít quan chức của CLB, của Đoàn bóng đá chuyển sang vị trí khác, có thể thấp hơn nhưng vẫn tương ứng với chuyên môn, thì tương lai của mấy chục cầu thủ sẽ “đi đâu về đâu”? Bởi không phải cầu thủ nào cũng có thể đầu quân cho đội khác, cũng không phải cầu thủ nào cũng có điều kiện để trở thành HLV... Và lúc này, đây không còn là câu chuyện của riêng bóng đá mà còn là “đích” để các VĐV bộ môn khác “nhìn vào”.

Ý kiến giải tán đội bóng đang chơi tại giải hạng Nhất quốc gia không phải không có căn cứ. Vấn đề là, nói như ông Đoàn Phùng - Trưởng đoàn bóng đá Huế - trong buổi trao đổi chiều 18/8 thì, “CLB Bóng đá Huế thăng hạng không phải là ước mong của riêng ông Phùng mà là của tất cả những người yêu bóng đá Huế”. Vậy đâu là cách để đội bóng tồn tại, tiến đến thăng hạng trong thời gian sớm nhất chứ không phải là “nếu có cơ hội”? Ít nhất là phải vạch được và công khai lộ trình (khả thi), đi kèm với quyết tâm của cầu thủ, của tập thể CLB, của Đoàn bóng đá Huế. Bên cạnh đó, việc kêu gọi đầu tư cho đội bóng cũng cần được mở rộng phạm vi ở doanh nghiệp trong và ngoài nước...

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Phòng chờ” hạng Nhất

Năm ngoái, chuẩn bị cho mùa giải 2023 -2024, với sự đầu tư của Tập đoàn Trường Tươi, CLB Bóng đá Bình Phước được đổi tên thành Trường Tươi Bình Phước. Với tiềm lực kinh tế dồi dào, CLB bóng đá miền Đông Nam Bộ không giấu giếm tham vọng lên chơi ở V.League.

“Phòng chờ” hạng Nhất
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng
Return to top