Thể thao trong nước

Hà Nội - Huế - Sài Gòn trên Sân Cỏ

ClockThứ Năm, 06/07/2017 19:08
TTH - Phải sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tôi mới được tận mắt thưởng thức các trận bóng đá trên sân Tự Do.

Đội hình Huế năm 1977. Ảnh: Tư liệu

Vào thời điểm này, các dịp lễ như chiến thắng 30/4 hay Quốc khánh 2/9, Huế thường tổ chức các hoạt động thể thao. Liên tục trong nhiều năm là một kịch bản tương tự. Buổi sáng đua trải trên sông Hương, buổi chiều là một trận đá bóng trên sân Tự Do và trước đó, thường được dạo đầu bằng màn đua xe đạp lòng chảo.

Trời xui đất khiến thế nào mà một thằng nhóc lên mười như tôi lại mê xem đá bóng như điếu đổ. Nhà ở quê, không có tiền mua vé, phải đi bộ đến 7 cây số để đến sân Tự Do, vậy mà tôi nhất quyết không bỏ sót trận nào. Bấy giờ, bóng đá Huế khá nổi tiếng. Sân Tự Do có nhiều đội bóng đến thi đấu giao hữu, nhưng được dân Huế chờ đợi nhiều nhất bên cạnh “gã láng giềng” Đà Nẵng là các đội bóng đến từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Không còn nghi ngờ, đó là 2 trung tâm bóng đá hàng đầu quốc gia.

Sức hút của các trận cầu Huế - Đà Nẵng là do sự "kình địch" giữa 2 gã láng giềng luôn so kè và ganh đua, không ai chịu thua ai. Các trận bóng Huế gặp các đội Hà Nội (đặc biệt là Công an Hà Nội) và thành phố Hồ Chí Minh (nhất là Cảng Sài Gòn) lại khác. Nó bắt nguồn từ vị thế vùng đất, là sự thể hiện trên sân cỏ của truyền thống kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Cầu thủ Huế ra sân cũng như các khán giả Huế vào sân với một cảm giác đầy tự hào. Hình như các nhà tổ chức bóng đá bấy giờ hiểu được nên các đội bóng Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh đến Huế thường bắt đầu bằng các đội bóng có đẳng cấp thấp rồi tăng dần về trình độ. Lần đầu tôi được xem đội bóng mạnh nhất của thủ đô thời điểm ấy là Công an Hà Nội đá trên Tự Do vào năm 1980.

So với các đội bóng Hà Nội bấy giờ, các cầu thủ Huế thường nhỏ con hơn. Cứ thử tưởng tượng, các trụ cột của bóng đá Huế sau năm 1975 như thủ môn Nguyễn Viết Rớt chỉ cao 1,58 m, trung vệ Lê Văn Thương vẻn vẹn 1,54 m, thuộc loại cao ở tuyến giữa như cầu thủ Tôn Thất Hiền cũng chỉ 1,65 m. Bù vào sự khiêm tốn của chiều cao, các cầu thủ Huế có sự nhanh nhẹn, kỹ thuật khéo và rất máu lửa trong thi đấu. Đã hàng chục năm rồi trôi qua mà tôi vẫn không quên cầu thủ Lê Văn Thương, thấp đậm nhất đội nhưng hội tụ những phẩm chất cần có của một trung vệ: óc phán đoán, sự thông minh, lỳ lợm và những tiểu xảo cần thiết để hạn chế sức mạnh đối phương. Vấn đề thể hình không quá tương phản giữa Huế với các đội bóng thành phố Hồ Chí Minh. Sự hấp dẫn lại đến từ lối chơi tương đồng, gần gũi và đầy tính cống hiến trên sân cỏ.

Có một cầu thủ Hà Nội gốc Huế và là một ngôi sao hàng đầu của đội tuyển Huế sau giải phóng là Đoàn Thanh Lâm. Anh như cánh chim lạ mang tới cho bóng đá Huế một nét mới, đầy sự tươi tắn. Và, tôi đã nhớ mãi tiếng hô vang và những tràng vỗ tay kéo dài trên các khán đài của sân Tự Do khi chứng kiến những pha đi bóng và bàn thắng tuyệt vời của anh. Còn đã hơn 20 năm rồi mà bao người Huế vẫn không quên tiếng loa rộn ràng vào buổi chiều mùa hạ năm 1995 khi đội tuyển Huế gặp Công an thành phố Hồ Chí Minh trong trận đấu cuối cùng của mùa giải. Họ không chỉ tự hào với Anh Tuấn, Sỹ Hùng, Quang Sang, Đức Dũng... trong đội hình tuyển bóng đá Cố đô mà còn rất hãnh diện và sung sướng khi nhìn sang phía bên kia có Huỳnh Đức, Minh Chiến là những người Huế xa quê. Bóng đá là vậy, không có sự cách ngăn.

Duyên nợ giữa 3 vùng đất Hà Nội - Huế - thành phố Hồ Chí Minh dày dặn và đong đầy. Những câu chuyện nghĩa tình trên sân cỏ gắn liền trái bóng lăn lại như một gia vị tuyệt vời bổ sung, làm tăng thêm sự mặn mà khó phai.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Hàng nghìn cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại Hà Nội

Tuyển công nhân đóng gói tại Hà Nội đang thu hút sự chú ý của người lao động, với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Trong bối cảnh nhu cầu sản xuất ngày càng tăng, các doanh nghiệp cần bổ sung hàng ngàn lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu thị trường. Dưới đây là thông tin chi tiết về cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại thủ đô

Hàng nghìn cơ hội việc làm công nhân đóng gói tại Hà Nội
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
Tình yêu Hà Nội của một người Huế

Tôi cầm trên tay tập thơ Phở bia hơi và lời yêu Hà Nội của tác giả Nguyễn Duy Tờ trong những ngày lòng ngập tràn nhớ nhung Hà Nội - nỗi nhớ của một người Huế trót yêu vùng đất Hà thành và mùa thu chốn ấy.

Tình yêu Hà Nội của một người Huế
Return to top