Lãnh đạo Trường trung cấp Thể dục thể thao Huế tặng vòng hoa, đón Hồ Thị Hạ trở về từ giải trẻ châu Á - 2018
Chuyện về tấm huy chương của Hồ Thị Hạ
Chỉ cách nhau hơn nửa tháng, Hồ Thị Hạ đã mang về cho Karatedo Huế 2 tấm huy chương (HC) quốc tế, trong đó có HCV giải vô địch Karatedo Đông Nam Á lần thứ VII - 2018 (tổ chức tại Bắc Ninh từ 21 - 25/4) và HCĐ giải vô địch trẻ Karatedo châu Á - 2018 (tổ chức tại Nhật Bản từ 10 - 14/5). So với các năm trước, Karatedo Huế không chỉ sớm hoàn thành mục tiêu thành tích quốc tế của năm mà còn giải được “cơn khát” huy chương châu lục suốt 24 năm chờ đợi.
Kể từ khi nữ VĐV Phạm Thị Hương Mai giành HCB tại giải vô địch Karatedo trẻ châu Á năm 1994 do Việt Nam đăng cai, Karatedo Huế vẫn chưa gặt hái được bất kỳ thành tích nào ở châu lục, ngoại trừ các giải trong khu vực Đông Nam Á. Ngay cả khi Hồ Thị Hạ hoàn thành mục tiêu “săn vàng” tại giải đấu khu vực để giành tấm vé đi tiếp ở giải châu lục, nhiều người chỉ cho đó là cơ hội để nữ VĐV thi đấu ở hạng cân 59kg thử sức và học tập kinh nghiệm.
Đánh giá ban đầu của nhiều người là có lý khi giải vô địch trẻ Karatedo châu Á là một đấu trường “khắc nghiệt”, quy tụ gần 370 VĐV của 29 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tính cạnh tranh của giải đấu năm nay càng cao bởi các VĐV tham dự với mục đích chuẩn bị cho ASIAD và tích lũy điểm cho Olympic 2020 tại Nhật Bản. Hơn nữa, các nội dung kumite (đối kháng) ở lứa tuổi mà Hồ Thị Hạ thi đấu đều rất khốc liệt, VĐV thường hụt hơi ở thời gian quyết định. Trong khi đó, Hồ Thị Hạ lần đầu góp mặt tại giải và cũng mới “làm quen” với karatedo chỉ 5 năm, cơ hội cọ xát, thi đấu tại các đấu trường tầm cỡ là chưa nhiều.
Tuy nhiên, khó khăn đó được Hồ Thị Hạ “dập tắt” bằng sự lì lợm và tâm lý tốt. So với nhiều VĐV thường bị “khớp” trước những đối thủ mạnh, Hồ Thị Hạ tỏ ra bình thản và nhập cuộc tự tin. Điều này khiến các đối thủ run sợ và để lại sơ hở. Ngay khi bước lên bục nhận thành tích, Hồ Thị Hạ vẫn chưa hết cảm xúc vui sướng xen lẫn ngạc nhiên, bởi điều nữ VĐV làm được thực sự không dễ dàng.
Theo huấn luyện viên (HLV) Lê Văn Lộc, tấm HCV của Hồ Thị Hạ đã góp thêm thành tích trên bảng tổng sắp huy chương và giúp tuyển Karatedo Việt Nam giành được vị trí thứ 8, qua đó hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu Tổng cục Thể dục Thể thao đặt ra. Ngoài ra, thành tích đó cũng là sự khởi đầu đầy lạc quan ở đấu trường quốc tế mùa giải 2018 của Karatedo trẻ Việt Nam nói chung và Karatedo Huế nói riêng.
Hồ Thị Hạ (trái) “ngôi sao sáng” của Karatedo Huế
Khẳng định vị thế Karatedo Huế
Chỉ trong vòng hai năm liên tiếp, Karatedo Huế liên tiếp tạo ra hai kỳ tích, đó là tấm HCV SEA Games 2017 mà Lê Minh Thuận giành được sau 14 năm chờ đợi và tấm huy chương châu lục của Hồ Thị Hạ sau hơn hai thập kỷ khao khát. Với “túi tiền” eo hẹp của thể thao Huế nói chung và Karatedo Huế nói riêng, rõ ràng đó là tín hiệu đáng mừng.
Huế từng là cái nôi của karatedo. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư tương xứng, trong khi các địa phương khác có sự đầu tư mạnh của các đơn vị giàu tiềm lực kinh tế khiến tuyển Karatedo Cố đô có những giai đoạn “chững lại”. Bằng chứng là từ năm 2005, Karatedo Huế không có bất kỳ VĐV giành thành tích tại đấu trường SEA Games hay giải châu Á, thậm chí cơ hội để góp mặt tại các giải đấu nói trên cũng rất hiếm.
Sau tấm huy chương của Lê Minh Thuận và Hồ Thị Hạ, Karatedo Huế đã tìm lại chính mình trên “bản đồ” Karatedo châu Á. Hiện tại, karatedo là môn thể thao trọng điểm của tỉnh. Ngoài 2 gương mặt lập được kỳ tích vừa nhắc đến, tuyển Karatedo Cố đô vẫn còn khá nhiều cái tên đầy triển vọng, như Lê Trung Dũng (người giành HCV Đại hội TDTT 2014), Bùi Phước Thành… Với giai đoạn nhiều VĐV đạt “độ chín” và vận may mà Karatedo Huế đang có, không khó để nói tương lai của Karatedo Huế tại các đấu trường trong nước và quốc tế là rất sáng.
HLV Lê Văn Lộc, Trưởng bộ môn Karatedo tỉnh khẳng định, bộ môn đang mở rộng mạng lưới các câu lạc bộ phong trào nhằm tuyển chọn tài năng cho thể thao thành tích cao đồng thời cố gắng xây dựng lực lượng cho các tuyến. Ngoài các VĐV tập trung ở tuyển Quốc gia, Ban huấn luyện đội tuyển cũng xây dựng phương án cọ xát, gia tăng kinh nghiệm, đồng thời tạo ra giáo án tập luyện, chú trọng kỹ chiến thuật cho các VĐV đang tập luyện tại Huế.
Bên cạnh cơ sở vật chất, nền tảng của thể thao chính là nguồn nhân sự và phương pháp huấn luyện phù hợp. Với những gì đang có cùng chính sách quan tâm từ phía tỉnh đối với các VĐV đạt thành tích cao, có thể hy vọng Karatedo Huế sẽ viết tiếp những câu chuyện cổ tích, góp phần định hình rõ hơn vị trí của bộ môn thể thao thế mạnh miền Hương Ngự trên “bản đồ” Karatedo khu vực và thế giới.
Bài, ảnh: HỮU PHÚC