Thể thao trong nước

Ra Tết là đua

ClockThứ Hai, 15/02/2016 11:01
TTH - Cả ngày cùng lênh đênh trên sông nước, hò hét khản cả tiếng, tối về ngủ đôi khi vẫn còn mớ, rứa mới đã đời con cóc.
Lễ hội đua ghe. Ảnh: Trương Vững

Giáp Tết trời lạnh thấu xương, thằng bạn đi kinh tế mới ở Đồng Xoài gọi về bảo, Tết ni ra Huế chơi. Ừ thì ra cho vui, tôi nói như mời gọi. Hắn ngậm ngự một chốc rồi tiếp, nhưng phải ra Tết mới đi được đó nghe, hẹn gặp nhau ở đua Cầu Vực. Lại đua nữa, tôi giật mình, tai như nghe văng vẳng đâu đây tiếng trống thùng thình và những tiếng “dồn la dồn, la dồn”, “hẹ la hẹ, lạ hẹ” rộn ràng của những hội đua đi qua trong đời.

Người Huế mình thích đua và có nhiều lý do để mở hội. Dân ruộng xưa chuẩn bị cho vụ mùa mới là tổ chức đua. Đua trên cánh đồng làng còn nước ngập mênh mông, đua nơi con hói lớn. Chưa đã, kéo nhau ra sông lớn như Đại Giang, Bồ Giang, Hương Giang để mở hội đua to. Dự hội đua ghe ở làng Phú Lễ (Quảng Điền), tôi được một vị lão làng cho biết, làng mở hội đua ghe là nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng yên ấm. Ngoài ra cũng là để an ủi cho oan hồn bao tử sĩ đã mất trong trận thủy chiến trên Bái Đáp Giang (đoạn sông Bồ chảy qua làng Phú Lễ), giữa một bên là thủy quân chúa Nguyễn do tướng Tôn Thất Tiệp và Nguyễn Văn Chính thống lĩnh và phía bên kia là quân chúa Trịnh do các tướng Hoàng Đình Thể, Hoàng Đình Bảo và Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy vào năm Cảnh Hưng thứ 35 (1774).

Xem đua ghe ở làng quê. Ảnh: TN

Không chỉ có nhà nông, dân ngư nghiệp vùng đầm phá cũng tưng bừng mở hội. Xưa kia hội đua gắn liền với lễ cầu ngư và thường kéo dài trong nhiều ngày cho… đã thèm. Đây được xem là một sinh hoạt vui vẻ của cư dân đầm phá, nhằm tạo ra khí thế lao động phấn chấn, sung sức cho thanh niên trai tráng và những ai còn đủ sức hoạt động nghề nghiệp trên sóng nước. Có rất nhiều nghi lễ xung quanh hội đua nhưng đáng nói nhất là lễ “tiền hạ thủy”. Ngư dân đầm phá làm lễ đưa những thuyền đua vốn được bảo quản cẩn thận trên khô xuống nước nhằm cúng vái trời nước tổ tiên, thánh thần về phù hộ cho con cháu được nhiều may mắn. Những cuộc đua luôn tạo nên bầu không khí vui tươi, nhộn nhịp và rất lành mạnh cho tất cả mọi giới trên vùng đầm phá. Thế nên, từ một lễ hội văn hoá truyền thống của cư dân sông nước, hội đua có sức hấp dẫn lôi cuốn không những trong nội bộ cư dân thuỷ diện, mà còn lan đến cả các làng nông nghiệp cận cư ven bờ.

Quyết liệt. Ảnh: Đặng Văn Trân

Trở lại với các lễ hội đua ở Thừa Thiên Huế. So với nhiều lễ hội truyền thống khác, hội đua ở vùng đất này không những không mai một mà lại ngày càng phát triển. Ở tỉnh hay huyện, từ việc chỉ tổ chức trong dịp Tết hay lễ xuống đồng, xuống nước nay còn có hội đua trong các dịp lễ trọng mừng ngày giải phóng, mừng ngày độc lập và cũng có cả trong các dịp Festival Huế. Những địa phương có ngày vui như kỷ niệm ngày thành lập, đón nhận danh hiệu cao quý hay mừng ngày hội đại đoàn kết toàn dân cũng đua. Làng này mở hội mời thêm làng bên và cả những làng ở xa nữa có quan hệ hay truyền thống cùng đua cho xôm tụ xóm làng. Xưa có đua trải, đua thuyền, đua ghe nay có thêm đua thuyền rồng với hình dáng và những trang trí rất đẹp mắt. Trải đua, ghe đua, thuyền đua quý như vàng, được thiết kế sao cho thon, gọn và đằm để có sức cơ động cao và lướt nhanh trên mặt nước, được gìn giữ rất chăm chút, cẩn thận.

  Cũng như nhiều người ở quê, tôi thích coi đua ở làng hơn, trong làng lại càng tốt. Trên những con sông lớn như sông Hương, lễ hội đua diễn ra hoành tráng, ghe đua và thuyền đua đẹp, có nhiều đội tham gia. Thế nhưng nhìn chiếc  nào cũng loang loáng như nhau, lại ở từ xa và không biết rõ chủ nhân của nó. Ở làng, chống tròng đi coi đua là đã nhất. Cho tròng áp sát ở khu vực đua chính rồi bám sát theo, nhìn thấy tường tận từng động tác, nghe rõ mồn một từng tiếng hô, tiếng hét và đặc biệt hơn cả là biết rõ quân mình, trải mình để mà cổ vũ và sung sướng. Cả ngày cùng lênh đênh trên sông nước, hò hét khản cả tiếng, tối về ngủ đôi khi vẫn còn mớ, rứa mới đã đời con cóc. Vào dịp Tết lại càng hay, bất chợt gặp lại bạn bè và người thân bao năm vắng bóng trong lễ hội đua đầu năm.

Ở làng có đua là cả bao ngày rộn ràng không khí chuẩn bị, từ việc lo chuyện sửa sang ghe trải đến tập luyện khẩn trương chờ ngày khai hội. Đêm trước hội đua, nửa khuya thức giấc nghe tiếng trống dập dồn nhiều người không chịu nỗi, mong sao trời sáng thật nhanh để hội đua bắt đầu. Có lẽ thằng  bạn ở Đồng Xoài của tôi đã sống trong nỗi thao thức ấy, nhớ quê xa, nhớ bạn bè, nhớ không khí hội đua năm nào sống mãi trong tiềm thức nên quyết định khăn gói về quê dịp Tết đến Xuân về bởi hắn biết chắc rằng ở nơi quê mình, ra Tết là đua.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Liên kết hữu ích

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top