Trước trận đấu này, nhiều dấu hỏi đã được đặt lên khả năng của Công Phượng. Việc thi đấu không hiệu quả trong thời gian qua khiến hiệu ứng "ngôi sao" của Phượng dường như đã bị lu mờ trong mắt khán giả. Thậm chí, có những chuyên gia còn cho rằng "chỉ nên cho Công Phượng đá dự bị".
Công Phượng đã vượt lên chỉ trích để thi đấu xuất sắc trong trận này. (Ảnh: Bích Thùy)
Mặc dù vậy, Công Phượng không những không dự bị mà còn đeo băng đội trưởng và đá đủ 90 phút trên sân. Chân sút xứ Nghệ còn được xem là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu với một đường kiến tạo và bàn thắng ấn định chiến thắng 3-0.
Điều khiến người hâm mộ hài lòng hơn là khả năng kết dính của cặp đôi Công Phượng - Văn Toàn. Sự ăn ý và hiểu nhau trong những đường bóng đã khiến cặp đôi này trở nên đáng sợ trong vòng cấm U23 Malaysia.
Rõ nét nhất là trong tình huống Văn Toàn nâng tỉ số lên 2-0. Công Phượng nhận bóng ở tư thế có thể dứt điểm được, nhưng ngay lập tức anh đưa bóng tìm đến vị trí của Văn Toàn và tiền đạo của HAGL đã dễ dàng sút tung lưới trống. Sau đó là hai tình huống Văn Toàn đi bóng xộc vào vòng cấm rồi chuyền "đáp lễ" cho Công Phượng, nhưng anh đã không tận dụng thành công.
Sự kết dính giữa Công Phượng - Văn Toàn còn xuất phát từ việc cặp đôi này là bạn thân ngoài đời, lại ăn tập với nhau từ nhỏ. Khoảng thời gian khó khăn của Công Phượng vừa qua, chính Văn Toàn đã là người lên tiếng bảo vệ đồng đội trên mặt báo và hỗ trợ những gì tốt nhất giúp Công Phượng sớm hòa nhập lại cùng HAGL.
Chiến thắng khai xuân có thể mang lại khí thế cho cả đội. Nhưng cũng cần nhớ rằng U23 Malaysia chưa mang đội hình tốt nhất sang Việt Nam lần này. Có đến 6 trụ cột của họ không thể sang đá giao hữu vì bận thi đấu cho CLB.
U23 Malaysia sang Việt Nam lần này thiếu 6 trụ cột vì các CLB không chịu nhả người. (Ảnh: Bích Thùy)
Thậm chí, HLV Frank Bernhardt còn cho rằng nhiều cầu thủ gặp nhau ở sân bay rồi sang Việt Nam luôn, chứ không có thời gian tập cùng nhau.
Do đó, sẽ là ngây thơ nếu tin tưởng rằng chiến thắng thể hiện sự chênh lệch đẳng cấp của U23 Việt Nam. Bài toán "thử kêu đốt tịt" thường được coi là căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt Nam, khi mà thi đấu các trận giao hữu thì thắng tưng bừng còn đến giải đấu chính thức lại thường bị "khớp".
Trọng Phú/VOV.VN