Thể thao

Thủ môn xứ Huế

ClockChủ Nhật, 10/01/2021 09:40
TTH - Sau thủ môn Rớt với câu chuyện bay lên ngồi trên vai đối phương để bắt bóng, bóng đá Huế có nhiều thế hệ thủ môn, mỗi người một vẻ…

Cầu mây Huế hoàn thành chỉ tiêu tại giải vô địch toàn quốcNhững người Huế trầm lặng

Thủ môn Tiến Tạo (thứ 2, phải sang) đã và đang để lại nhiều dấu ấn trong khung thành CLB Bóng đá Huế

Từ bộ đôi Bí - Bốn

Mùa bóng năm 1995, lần đầu tiên bóng đá Huế tham dự giải hạng mạnh quốc gia - sân chơi lớn nhất của bóng đá Việt Nam thời đó. Hai thủ môn của đội Huế năm đó là Quý Tâm Anh và Lê Quốc Dân. Quý Tâm Anh có tên cúng cơm là Bí và người hâm mộ Huế chủ yếu lấy tên cúng cơm của thủ môn này mà gọi.

Quý Tâm Anh là một thủ môn phản xạ tốt, ra vào hợp lý và luôn miệng “la hét” để các hậu vệ phía trên chơi tập trung hơn, được HLV Ninh Văn Bảo tin cậy ở vị trí thủ môn số 1 của đội Huế năm đó. Một điều đặc biệt nữa là Quý Tâm Anh luôn chú trọng hình ảnh của mình mỗi khi ra sân. Hồi đó, trang phục của cầu thủ chưa phải đẹp như bây giờ. Nhưng với riêng Quý Tâm Anh, mỗi lần ra sân anh đều có những bộ đồ sặc sỡ, lạ mắt và rất thích màu lá chuối non mà có lần anh nói vui: “Cho tiền đạo đối phương nhìn vô lóa mắt để sút không trúng đích”.

Thủ thành Lê Văn Tấn (áo xanh) đang cho thấy sự trưởng thành sau mùa bóng 2020

Dự bị cho Quý Tâm Anh là Lê Quốc Dân mà anh em trong đội bóng và cả CĐV gọi thân mật là Bốn. Mùa giải năm đó có thể thức hai đội hòa thì phải bước vào loạt luân lưu 11m để phân thắng bại. Quốc Dân là một thủ môn bắt penalty tốt nên anh thường được thay vào cuối trận đấu để đối đầu với các chân sút đối phương trên chấm 11m. Anh đã nhiều lần thành công góp phần đưa đội Huế tiến sâu vào giải.

Sau khi Quý Tâm Anh bị kỷ luật nghỉ chơi bóng thì Quốc Dân trở thành thủ môn số 1 ở mùa bóng năm 1996. Nhưng ngoài tài cản 11m thì thủ môn Bốn vẫn còn nhiều hạn chế ở khả năng ra vào và bắt bóng dính. Thỉnh thoảng anh cũng có những pha phản xạ xuất thần cứu thua cho đội nhà, nhưng điều đó chưa đủ để HLV tin tưởng anh ở vị trí chốt chặn số 1 của đội bóng. Cũng vì thế mà Quốc Dân chỉ bắt chính một mùa bóng rồi thôi...

... đến Hoàng “nhái”

Sau bộ đôi Bốn-Bí, phải đến hai mươi năm sau bóng đá Huế mới đào tạo được một thủ môn có chuyên môn tốt đó là Trần Đình Minh Hoàng. Minh Hoàng được phát hiện ở giải bóng đá học sinh và sau đó đưa vào huấn luyện cho Hội khỏe Phù Đổng 2004. Đội bóng Tiểu học của Huế hồi đó đã giành chức vô địch HKPĐ quốc gia rất thuyết phục với những cái tên như Minh Hoàng, Công Nhật, Văn Chiến, Võ Lý, Trần Bảy…

Được đào tạo bài bản từ nhỏ nên Trần Đình Minh Hoàng là một thủ môn khá toàn diện từ kỹ năng bắt bóng đến khả năng chỉ huy hàng phòng ngự và cả khả năng chơi bóng bằng chân.

Hoàng “nhái” cùng lứa cầu thủ Phù Đổng năm nào đã mang về cho bóng đá Huế nhiều danh hiệu ở các giải đấu trẻ và sau đó anh trở thành thủ môn số 1 của bóng đá Huế ở giải hạng Nhất quốc gia mấy mùa giải liền. Có thể nói, với Trần Đình Minh Hoàng trong khung gỗ, CLB Bóng đá Huế khá yên tâm ở chốt chặn cuối cùng. Không những thế, Minh Hoàng còn là đội trưởng của đội bóng Cố đô với tiếng nói rất có trọng lượng. Tiếc là sân chơi hạng Nhất không thể giữ chân được Hoàng “nhái”, anh đã đầu quân cho Quảng Nam, Bình Định và đang tạo được dấu ấn rất tốt ở đội bóng đất võ.

... và những thủ môn đến Huế

Suốt một thời gian dài không đào tạo được thủ môn chất lượng nên bóng đá Huế phải đi tìm nguồn thủ môn từ khắp nơi. Từ năm 1996 đến nay, sân Tự Do đón trên dưới 10 thủ môn, từ Ngô Việt Trung của Lâm Đồng, Nguyễn Hoài Nam của Nam Định đến những cái tên đến rồi đi như Nguyễn Anh Tuấn của Quân khu 5, Trần Trường Chinh của Tiền Giang, Trần Quốc Việt của Bình Định hay Nguyễn Đức Anh đến từ Sông Lam Nghệ An. Có mùa bóng Huế còn sử dụng một thủ môn người châu Phi là Urlich... Mới đây nhất là thủ môn Nguyễn Tiến Tạo đến từ Nam Định...

Trong những thủ môn này thì Ngô Việt Trung và Nguyễn Tiến Tạo để lại nhiều dấu ấn nhất. Nếu như cựu thủ môn quốc gia Ngô Việt Trung cho thấy tài hoa của mình trong những trận đấu của Huế với những pha phản xạ đẳng cấp thì thủ môn Nguyễn Tiến Tạo lại tạo được sự chắc chắn trong khung gỗ và cả sự tin tưởng từ BHL cũng như các cầu thủ. Chính điều đó mà thủ môn người Nam Định đã được BHL đội bóng Huế tin tưởng trao cho chiếc băng thủ quân, điều mà bóng đá Huế chưa có tiền lệ với một cầu thủ ngoại tỉnh.

Có lẽ, Nguyễn Tiến Tạo sẽ tiếp tục khoác áo CLB Huế vài mùa bóng nữa. Trong khi đó, dự bị cho Tiến Tạo là thủ thành Lê Văn Tấn – cầu thủ người Huế cùng lứa Võ Lý, Trần Thành… đã và đang cho thấy sự trưởng thành của mình sau một vài lần trấn giữ khung thành ở mùa bóng 2020. Tuy nhiên, câu chuyện đào tạo ra thủ môn gốc Huế có chuyên môn tốt là điều cần thiết cần đặt ra cho Đoàn bóng đá Huế...

Bài: PHI TÂN - Ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rèn đức & luyện tài

Có những người dành cả thanh xuân cho nghiệp quần đùi áo số, cũng có người chỉ gắn bó với quả bóng tròn chưa một tuần trăng. Dẫu ngắn hay dài, đời cầu thủ ai chẳng muốn được tôn vinh, nhưng chuyện không hề dễ dàng…

Rèn đức  luyện tài
Taekwondo & những mâu thuẫn nội tại

Muốn được đầu tư nhiều thì phải đạt thành tích cao. Nhưng muốn đạt thành tích cao thì trước đó phải có đầu tư mạnh tay. Cái sự “tréo ngoe” này đang là mâu thuẫn nội tại với hầu hết các bộ môn thể thao, mà điển hình là Taekwondo.

Taekwondo  những mâu thuẫn nội tại
Những “cánh én báo xuân” mới

Giải hạng Nhất Quốc gia (giải hạng Nhất) 2024 - 2025 khởi tranh được 2 vòng đấu. Khác với không khí khá im ắng như mọi năm, giải năm nay nhận được sự quan tâm, theo dõi khi những cầu thủ “hạng A” của Việt Nam đầu quân cho các đội bóng ở giải hạng Nhất.

Những “cánh én báo xuân” mới
Return to top