Thể thao

Tin vào cờ tướng

ClockThứ Bảy, 06/08/2022 14:45
TTH - Cùng với đá cầu, judo, bắn cung, cầu lông và bóng đá, cờ tướng được Nghị quyết về phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của HĐND tỉnh xác định là bộ môn thể thao trọng điểm nhóm 2, được tập trung đầu tư.

Tự tin với đá cầu100 vận động viên tham gia Giải Cờ vua, Cờ tướng cấp tỉnh lần thứ IX

Lê Vũ Hương Giang (bục số 2) đạt HCB cá nhân cả ba nội dung là nhân tố đặc biệt ở lứa tuổi 8

Môn thi đại hội thể dục thể thao

Không chỉ cùng với cờ vua là 1 trong số 16 môn thi đấu tại Đại hội thể dục thể thao (TDTT) tỉnh lần thứ IX -2022, cờ tướng còn là môn thể thao được các đại hội TDTT cấp cơ sở chọn. Giải Cờ tướng TP. Huế có đến 18 đơn vị tham gia, gồm 100 VĐV thi đấu ở 2 nội dung cá nhân nam và đồng đội nam. Cùng với bóng bàn, cầu lông, bơi lội, việt dã, cờ vua và điền kinh, cờ tướng là môn thể thao thi đấu tại Đại hội TDTT TP. Huế lần thứ IX.

Nhìn rộng ra toàn tỉnh, Đại hội TDTT huyện Phú Lộc lần thứ IX, năm 2022 có 10 môn thi đấu, trong đó có sự góp mặt của môn cờ tướng. Cờ tướng cũng là 1 trong 7 môn thi đấu chính thức (cầu lông, cờ vua, cờ tướng, việt dã, điền kinh, kéo co và đẩy gậy) nằm trong chương trình Đại hội TDTT huyện Phú Vang lần thứ VII - 2022. Đại hội TDTT thị xã Hương Thủy lần IX - 2022 thi đấu 11 môn và có cờ tướng. Ở cấp phường xã, ví như phường Hương Hồ (TP. Huế), cờ tướng cũng được chọn là 1 trong số 6 môn thi đấu và thu hút gần 30 vận động viên tham gia. Vài ví dụ vừa điểm cũng cho thấy vị trí của bộ môn thể thao trí tuệ, vốn có lịch sử lâu đời của cờ tướng.   

Phong trào rộng khắp

Đưa vào thi đấu ở các đại hội TDTT không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên và dễ dãi khi được biết, cùng với cờ vua, cờ tướng là môn thể thao được khá đông người hâm mộ ở Thừa Thiên Huế hưởng ứng tham gia. Trong cộng đồng, làng xóm ở nông thôn hay các khu phố ở Huế, những trung tâm huyện, thị trong tỉnh luôn có những nhóm thích cờ tướng, đánh cờ với nhau gần như hằng ngày. Một số người say mê cờ tướng còn đi khắp nơi để giao lưu và thi đấu. Vẫn còn đó, hình ảnh thân thương ở công viên, các “kỳ thủ” say sưa bên bàn cờ tướng, rồi những quán cà phê “cờ” với xung quanh là những người quan sát và cùng bình luận từng nước đi, thế cờ.

Cờ tướng, luôn thu hút nhiều VĐV ở các lứa tuổi tham gia

Giải cờ vua, cờ tướng học sinh tiểu học tranh Cúp Hương Giang của Thừa Thiên Huế là minh chứng sức hút của cờ tướng ở Thừa Thiên Huế. Nhiều năm qua, đây là một sân chơi thực sự bổ ích, góp phần đào tạo được nhiều vận động viên cờ tướng tiêu biểu cho Thừa Thiên Huế. Tại Giải cờ vua, cờ tướng tranh Cúp Hương Giang năm học 2021 - 2022 có tới 185 vận động viên là học sinh các trường tiểu học; 31 giáo viên tiểu học tham gia thi tài. Ban tổ chức đã trao 12 HCV, 12 HCB, 12 HCĐ và 149 giải khuyến khích cho học sinh; 4 HCV, 4 HCB, 4 HCĐ và 19 giải khuyến khích cho giáo viên.

Đáng nói là, từ Festival Huế 2002, với việc đứng ra tổ chức của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và  Thể thao TP. Huế, có sự cộng tác của võ sư Trương Quang Kim và các võ sinh môn phái Võ kinh Vạn An… bộ môn cờ người đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho khán giả và những người yêu thích bộ môn. Nét độc đáo trong thi đấu cờ người của các cao thủ nhiều kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế là sự kết hợp giữa trí và võ. Người chơi cờ ngồi trên chòi cao quan sát, đấu trí với đối thủ ngồi ở chòi cao phía đối diện. Trong thi đấu, ngoài việc chú trọng tính trí tuệ để so tài hơn thua khi đánh cờ, còn chú trọng biểu diễn võ thuật nên tạo được sự hấp dẫn cho người xem.

Thành tích đáng nể trọng

Tại giải vô địch trẻ mở rộng châu Á 2018 tổ chức ở Quảng Ninh, Nguyễn Thị Trà My, tuyển cờ tướng Huế đóng góp cho đoàn Việt Nam 1 HCB nội dung cờ tiêu chuẩn và 1 HCĐ nội dung cờ chớp lứa tuổi U.20. Đây được xem là thành công bước đầu của những kỳ thủ Cố đô khi lần đầu tham dự một giải đấu đẳng cấp châu lục, cũng như phải đối đầu với những VĐV xuất sắc đến từ nhiều quốc gia có truyền thống về môn thể thao trí tuệ này.

Cũng trong năm 2018, tại giải Vô địch cờ tướng trẻ thế giới 2018, tuyển cờ tướng Việt Nam góp mặt 9 VĐV và giành được 3 HCB; trong đó, Võ Nguyễn Quỳnh Như, nữ kỳ thủ nhí đến từ Thừa Thiên Huế xuất sắc giành HCB ở nội dung cờ tiêu chuẩn lứa tuổi U12. Với cố gắng và nỗ lực của bản thân cùng sự động viên từ gia đình và các thầy cô giáo, Quỳnh Như đã tạo nên bất ngờ trước hàng loạt kỳ thủ xuất sắc ở sân chơi thế giới. Trước đó, Quỳnh Như mới chuyển từ cờ vua qua thi đấu cờ tướng chưa được 3 năm. Việc giành được ngôi vị Á quân chơi cờ tướng danh giá nhất, nhì thế giới đã cho thấy tín hiệu vui về tương lai của Như nói riêng và của bộ môn cờ tướng Thừa Thiên Huế nói chung.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bùi Thanh Dũng, không dừng lại ở những thành công mang tính đột phá này, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, những năm qua, cờ tướng Thừa Thiên Huế vẫn đạt được nhiều thành tích cao ở các đấu trường. Điều đó một lần nữa cho thấy lý do vì sao cờ tướng được chọn thi đấu ở Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh sắp khai mạc và được Thừa Thiên Huế chọn làm bộ môn thể thao trọng điểm nhóm 2 được tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

230 tay vợt dự giải bóng bàn các câu lạc bộ thị xã Hương Thủy mở rộng

Trong 2 ngày (14-15/12), Trung tâm Văn hoá Thông tin & Thể thao thị xã Hương Thủy phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài tổ chức giải bóng bàn các câu lạc bộ (CLB) Hương Thủy mở rộng năm 2024. Giải thu hút 230 tay vợt của 32 CLB trên địa bàn thị xã, toàn tỉnh và các CLB đến từ Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hưng Yên, tham gia tranh tài.

230 tay vợt dự giải bóng bàn các câu lạc bộ thị xã Hương Thủy mở rộng
Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Taekwondo & những mâu thuẫn nội tại

Muốn được đầu tư nhiều thì phải đạt thành tích cao. Nhưng muốn đạt thành tích cao thì trước đó phải có đầu tư mạnh tay. Cái sự “tréo ngoe” này đang là mâu thuẫn nội tại với hầu hết các bộ môn thể thao, mà điển hình là Taekwondo.

Taekwondo  những mâu thuẫn nội tại
Return to top