Thể thao

Tự tin với đá cầu

ClockThứ Bảy, 16/07/2022 07:00
TTH - Cùng với judo, cờ tướng, bắn cung, cầu lông và bóng đá..., đá cầu được xếp vào bộ môn trọng điểm nhóm 2 của thể thao Thừa Thiên Huế được tập trung đầu tư.

Quá khó để mơ caoChờ tin vui từ môn đá cầu

Đồng đội nam - nữ là nội dung có thế mạnh của đá cầu Huế

Vô giải là giựt huy chương

Tại giải Vô địch đá cầu bãi biển toàn quốc 2022 vừa mới kết thúc vào ngày 1/7 mới đây tại Nha Trang (Khánh Hòa), đội tuyển đá cầu Thừa Thiên Huế đã làm nức lòng người hâm mộ khi giành được 1 HCV, 3 HCB và 4 HCĐ, đứng thứ 4/11 đoàn tham gia. Giải đấu được tổ chức nhằm giúp VĐV có cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, đồng thời là dịp đánh giá công tác đào tạo, huấn luyện đá cầu tại các địa phương; phát hiện thêm các vận động viên tài năng để bổ sung cho tuyển quốc gia. Trước đó, bộ môn đá cầu tham gia giải chỉ khiêm tốn đăng ký chỉ tiêu 1 bộ huy chương.

Thành tích vừa nêu không quá bất ngờ khi được biết, từ sau Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc năm 2018, đá cầu Thừa Thiên Huế đã vươn mình và trở thành một trong những đối thủ đáng gờm của làng đá cầu Việt Nam. Năm 2020, cặp đôi nam nữ Lê Văn Đông và Phan Thị Tuyết giành chức vô địch nội dung đôi nam nữ tại giải vô địch quốc gia. Cũng trong năm 2020, các VĐV Nguyễn Thị Thùy Linh, Võ Thị Lành, Đinh Hữu Ánh Nguyệt, Phan Thị Tuyết, Lê Văn Đông, Lê Thừa Phúc, Trần Mạnh Cường và Ngô Đức Hòa giành chức vô địch nội dung đồng đội đôi nam nữ giải vô địch đá cầu bãi biển toàn quốc.

Đồng đội nam Thừa Thiên Huế trên bục vàng giải Vô địch đá cầu bãi biển toàn quốc 2022

Năm 2021, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng đội đá cầu tỉnh nhà vẫn giành được 3 HCV và 4 HCB tại các giải vô địch toàn quốc để góp vào thành tích chung của thể thao Thừa Thiên Huế. Chưa hết, gần đây tại giải vô địch trẻ toàn quốc, các VĐV Thừa Thiên Huế hầu như thâu tóm danh hiệu ở các lứa tuổi 16 - 18 và 19 - 20.

Tấm HCV danh giá nhất của đá cầu Thừa Thiên Huế thuộc về VĐV Nguyễn Thị Thùy Linh. Năm 2019, tại giải vô địch thế giới diễn ra ở Pháp, Thùy Linh cùng với đồng đội đã xuất sắc giành 1 HCV nội dung 3 nữ, sau khi vượt qua đội Trung Quốc ở trận chung kết. Tấm huy chương này đã đưa đội tuyển đá cầu Việt Nam lên đứng nhất toàn đoàn với 5 HCV, 2 HCB. Nguyễn Thị Thùy Linh đã giúp bộ môn đá cầu nói riêng, thể thao Thừa Thiên Huế nói chung lần đầu tiên làm nên lịch sử tại giải đấu cao nhất thế giới.

Hy vọng có “vàng” ở Đại hội TDTT

Được phát hiện tại giải vô địch trẻ toàn quốc 2018, Thùy Linh là VĐV trẻ nhất trong đội tuyển đá cầu Việt Nam hiện nay. Ngay sau khi được tuyển chọn, Linh đã nhanh chóng bộc lộ tài năng của mình sau một năm dưới sự dìu dắt của huấn luyện viên Nguyễn Văn Hiền, Trường trung cấp Thể dục thể thao tỉnh. Thành tích mang về cho tuyển Việt Nam tấm HCV lịch sử tại giải đấu cao nhất thế giới đã giúp bộ môn đá cầu nói riêng, thể thao Thừa Thiên Huế nói chung hoàn toàn có thể tin vào tương lai tươi sáng ở phía trước.

So với nhiều môn thể thao khác, môn đá cầu ở Thừa Thiên Huế ra đời muộn. Được kết quả như hôm nay gắn liền với một cái tên là cựu cầu thủ bóng đá Nguyễn Văn Hiền. Năm 2006, sau khi giải nghệ, ông Hiền được phân công làm HLV bộ môn đá cầu tại Trường trung cấp TDTT tỉnh. Đặc biệt là từ năm 2013, khi chính thức được cử làm Trưởng bộ môn đá cầu tỉnh, ông Hiền đã có nhiều công lao trong việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo nhiều tên tuổi xuất sắc cho đá cầu Thừa Thiên Huế mà Thùy Linh là một trong những số đó.

Theo HLV Nguyễn Văn Hiền, cũng do ra đời muộn, lực lượng không đủ để đáp ứng được tất cả các nội dung, nên đá cầu Huế lúc đầu tập trung phát triển nội dung nữ là chủ yếu, đồng thời chú trọng vào những nội dung thi đấu mà các đơn vị bạn chưa mạnh: đôi nam nữ, đôi nữ, đội 3 nữ để tập trung đào tạo. Việc xây dựng chiến lược rõ ràng đã phát huy hiệu quả ngay sau đó, đá cầu Huế cho thấy thế mạnh về các nội dung nữ với sự tỏa sáng của nhiều tên tuổi đá cầu nữ ở các đấu trường quốc gia và thế giới.

Những năm gần đây, các nội dung đá cầu nam do được quan tâm và chú trọng đầu tư nên cũng đã nhanh chóng có sự phát triển. Hiện tại, trên bản đồ đá cầu Việt Nam, về đá cầu nam có 3 đơn vị mạnh nhất nước là Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh và Bắc Giang. Dẫu vậy, theo nhận định chung, với sự xuất hiện của Trần Mạnh Cường, Ngô Đức Hòa, Lê Thừa Phúc có tuổi đời còn rất trẻ kết hợp với Lê Văn Đông còn có phong độ đỉnh cao, nếu được đầu tư hợp lý, Thừa Thiên Huế đủ sức lọt vào top 3 dẫn đầu của đá cầu nam cả nước.

Tuyển đá cầu Thừa Thiên Huế hiện có những gương mặt nổi trội, như đôi nữ Nguyễn Thị Thùy Linh - Phan Thị Tuyết và Võ Thị Lành - Đinh Hữu Ánh Nguyệt, đôi nam Lê Văn Đông - Lê Thừa Phúc, đôi nam nữ Lê Văn Đông - Phan Thị Tuyết, đội tuyển nữ và đồng đội nam - nữ là những nội dung nhiều khả năng tranh HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 11/2022 tại Quảng Ninh.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Giải cầu lông, bóng bàn có số lượng vận động viên tham gia đông kỷ lục

Giải vô địch cầu lông, bóng bàn các lứa tuổi Câu lạc bộ (CLB) tỉnh mở rộng lần VIII - 2024 khởi tranh tối 14/11 tại Nhà thi đấu Trung tâm thi đấu thể thao tỉnh, thu hút hơn 700 VĐV nam, nữ đến từ 42 CLB tham gia tranh tài. Đây cũng là giải đấu có số lượng VĐV tham gia đông nhất sau 7 lần tổ chức.

Giải cầu lông, bóng bàn có số lượng vận động viên tham gia đông kỷ lục
Bắn cung & chu kỳ “thịnh - suy”

Giai đoạn 2018 - 2023, bắn cung Huế được xem là “hiện tượng” khi nhiều lần đăng quang ở các giải đấu danh giá cấp quốc gia, khu vực và châu lục. Nhưng hiện tại, bắn cung Huế đang đối diện nguy cơ thoái trào.

Bắn cung  chu kỳ “thịnh - suy”
Return to top