Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục giảm vào năm 2023 do nhiều cú sốc và thách thức đang tồn tại. Ảnh minh họa: AP/VTV.vn
Nền kinh tế thế giới đã và đang chịu nhiều đòn giáng, với xung đột ở Ukraine khiến giá lương thực và năng lượng tăng cao sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát và lây lan rộng, cùng lúc giá cả tăng và lãi suất cũng tăng có nguy cơ gây ảnh hưởng cho toàn thế giới.
“Lại suy giảm”
Cố vấn kinh tế của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết trong một bài đăng trên blog, đi kèm với báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất do quỹ thực hiện chỉ ra rằng: “Những cú sốc năm nay sẽ khơi lại vết thương kinh tế vốn chỉ mới được hàn gắn một phần hậu đại dịch”.
Ông cảnh báo, hơn 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm trong năm nay hoặc năm tới. Đồng thời, 3 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc sẽ tiếp tục chứng kiến sự đình trệ.
“Điều tồi tệ hiện vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái”, Cố vấn Pierre-Olivier Gourinchas nhận định.
Cụ thể, trong báo cáo của mình, IMF đã cắt giảm dự báo GDP toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,7%, giảm 0,2% so với kỳ vọng đưa ra hồi tháng 7.
Dự báo tăng trưởng thế giới của quỹ dành cho năm nay hiện vẫn không thay đổi, ở mức 3,2%.
IMF cho biết, mức tăng trưởng toàn cầu được nhận định là “yếu nhất” kể từ năm 2001, ngoại trừ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đợt khủng hoảng tồi tệ nhất gây nên bởi đại dịch COVID-19.
Điều này phản ánh sự chậm lại của các nền kinh tế lớn, bao gồm sự suy giảm GDP của Mỹ trong nửa đầu năm 2022 và tác động từ lệnh phong tỏa để chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc, cũng như khủng hoảng thị trường bất động sản tại nước này.
Nhìn sâu vào thực tế
Các chuyên gia nhận định, yếu tố chính đằng sau sự chậm lại là sự thay đổi trong chính sách, khi các ngân hàng trung ương cố gắng giảm lạm phát tăng cao, với mức lãi suất cao hơn bắt đầu giải tỏa sức nóng của nhu cầu trong nước.
Trong báo cáo, ông Gourinchas chia sẻ, áp lực về giá ngày càng gia tăng là mối đe dọa trực tiếp nhất cho sự thịnh vượng, đồng thời các ngân hàng trung ương hiện đang “tập trung vào việc khôi phục sự ổn định trong giá cả”.
Lạm phát toàn cầu được dự đoán sẽ đạt đỉnh ở mức 9,5% ghi nhận trong năm 2022, trước khi giảm xuống còn 4,1% vào năm 2024.
Tuy nhiên, đánh giá sai sự kéo dài của lạm phát có thể gây bất lợi cho sự ổn định về kinh tế vĩ mô trong tương lai “bằng cách làm suy yếu nghiêm trọng sự tín nhiệm vốn khó lòng giành được của các ngân hàng trung ương”.
Trong khi những thách thức hiện tại không có nghĩa là một cuộc suy thoái lớn là điều “không thể tránh khỏi”, quỹ IMF cũng cảnh báo rằng nhiều quốc gia có thu nhập thấp đang hoặc sắp lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất.
Điều cần thiết là phải tiến hành tái cơ cấu nợ cho khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất để tránh khỏi làn sóng khủng hoảng nợ chính phủ.
“Thời gian có thể sắp hết”, Cố vấn Pierre-Olivier Gourinchas cảnh báo và thúc giục.
Sự chậm lại của Mỹ
IMF đã cắt giảm dự báo đối với hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ được chốt ở mức 1,6% trong năm nay, thấp hơn 0,7% so với dự báo được quỹ đưa ra vào tháng 7 vừa qua. Đây là hậu quả do sự sụt giảm bất ngờ của nước này trong năm nay.
Trung Quốc cũng được dự báo sẽ sụt giảm triển vọng tăng trưởng
IMF cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc cho năm nay và năm 2023, do các hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt và khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 3,2% trong năm nay, 4,4% trong năm tới, tức thấp hơn lần lượt 0,1% và 0,2% đưa ra từ dự báo trước đó.
Quỹ IMF cảnh báo, sự suy giảm trầm trọng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể tràn sang lĩnh vực ngân hàng trong nước và ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng của quốc gia này.
Đức, Italy rơi vào suy thoái
Theo dự báo của IMF, vào năm 2023, Đức và Italy sẽ rơi vào suy thoái, trở thành những nền kinh tế đầu tiên giảm tăng trưởng sau khi xung đột Nga và Ukraine nổ ra.
Trong khi Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ tránh được suy thoái, sản lượng của khu vực đồng tiền chung gồm 19 quốc gia vẫn sẽ chậm lại thấy rõ, tạo ra mức tăng trưởng chỉ 0,5%, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó của IMF.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - do phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga nên chịu ảnh hưởng khá nặng nề. Do đó, nước này hiện dự kiến sẽ giảm 0,3% triển vọng tăng trưởng cho năm 2023 từ mức 0,8% đưa ra trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới hồi tháng 7.
Italy, quốc gia có ngành công nghiệp cũng phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt, sẽ chứng kiến sự suy giảm trong Tổng sản phẩm quốc nội là 0,2%, tức cũng giảm mạnh so với mức tăng trưởng chạm mốc 0,9% đưa ra hồi tháng 7.
HẠNH NHI
(Lược dịch từ Bangkok Post)