Thể thao

Vận động viên đỉnh cao thời dịch bệnh

ClockThứ Bảy, 21/03/2020 15:24
TTH - COVID-19 khiến hàng loạt giải thể thao phải tạm hoãn. Tuy nhiên, với việc duy trì chế độ kiểm tra, giám sát phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh và linh hoạt trong giáo án, các vận động viên (VĐV) đỉnh cao vẫn tích cực tập luyện trên tinh thần tự giác, ý thức cao...

Hoãn toàn bộ giải Serie A vì Covid-19

Số VĐV tuyển đá cầu tập luyện ít hơn và giữ khoảng xa hơn ngày thường. Ảnh: HÀN ĐĂNG

Miệt mài tập luyện

Nếu trước thời điểm xuất hiện COVID-19, mỗi ngày bộ môn đá cầu có hơn 20 VĐV tập luyện, thì nay, số VĐV mỗi buổi tập chưa đến 10 người. “Bên cạnh phun thuốc tiêu độc tại nơi tập luyện, bộ môn đã chủ động mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn phát cho VĐV, đồng thời linh động lịch tập khi chia ra từng nhóm nhỏ, đồng thời tập trung vào những VĐV sắp tham gia các giải trong năm chứ không tập luyện một lần như trước đây”, Trưởng bộ môn Đá cầu Nguyễn Văn Hiền A cho biết.

Sàn tập của Karatedo, vật cùng nhiều bộ môn khác cũng tương tự. Thay vì tập đồng loạt, thì nay, các VĐV tự giác chia thành từng tốp 3-4 người thay phiên thực hiện các bài tập theo giáo án của HLV, số VĐV còn lại tản ra một khoảng cách nhất định chứ không còn tụm năm tụm ba như trước. Dẫu vậy, dù không khí không sôi động như trước nhưng các VĐV tập luyện rất nghiêm túc, thậm chí khi “hết lượt”, không ít người tỏ ra tiếc nuối, muốn tập thêm.

“Từ đầu năm đến giờ em cùng đồng đội “hụt” tham dự giải vô địch các đội mạnh toàn quốc, trong khi tháng 4, tháng 5 và 6 liên tục là các giải: vô địch quốc gia bãi biển, vô địch quốc gia và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực miền Trung nên em càng phải tập luyện tích cực hơn để bù cho những ngày tạm nghỉ vừa qua. Và dù chưa biết các giải đấu sắp tới có thay đổi thời gian hay không, nhưng nếu không được tập luyện thường xuyên, VĐV đỉnh cao như tụi em không thể giữ được phong độ”, VĐV tuyển đá cầu Huế - Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ.

Ngoài sa sút phong độ, Hồ Thị Hạ - VĐV tuyển Karatedo còn chia sẻ, nếu không được tập luyện thường xuyên, VĐV rất dễ tăng cân ngoài ý muốn. “Trừ khi “đôn” với chế độ riêng để thi đấu các hạng cân lớn, việc tăng cân ngoài ý muốn ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng di chuyển, phản xạ, lực ra đòn… của VĐV”, Hạ nói.

Mỹ Hạnh (trái) miệt mài tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia I với mục tiêu giành suất dự Olympic Tokyo. Ảnh: HẠNH MỸ

Liên quan đến phong độ, thành tích, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh của tuyển vật Huế đang khoác áo tuyển quốc gia và tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I chia sẻ: “Với mục tiêu giành suất dự Olympic Tokyo nếu giành được huy chương tại vòng loại diễn ra vào cuối tháng 3 này ở Kazakhstan nên dù phải cẩn thận với COVID-19, nhưng em vẫn phải tích tập luyện để giữ phong độ, nâng cao thành tích. Có như vậy mới mong được góp mặt tại ngày hội thể thao đẳng cấp này”.

Thói quen tích cực

Ở bộ môn Karatedo, ban đầu có một số phụ huynh muốn cho con em mình ở nhà do lo ngại COVID-19. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn, những phụ huynh này phải thừa nhận rằng, từ bảo ban, giám sát của các HLV, ý thức phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 được con em mình thực hiện nghiêm túc hơn, tự giác hơn khi ở nhà. “Hiện, các VĐV rất tự giác và thực hiện đầy đủ các bước để ngăn ngừa COVID-19”, Trưởng bộ môn Karatedo Huế - Lê Văn Lộc cho biết.

“Các thầy, cô khuyến cáo chúng em phải sạch sẽ, gọn gàng, ra ngoài phải báo cáo, đeo khẩu trang, không đến nơi đông người, trước và sau khi ăn uống, tập luyện phải rửa tay bằng xà phòng... Ban đầu chưa quen có hơi gò bó một chút, nhưng để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân cũng như cộng đồng nên chúng em đã nhanh chóng hình thành thói quen mới trong sinh hoạt, tập luyện để bảo đảm sức khỏe và giữ gìn phong độ”, Hồ Thị Hoài Tành – VĐV Karatedo chia sẻ.

Ông Bùi Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao cho biết, trong thời điểm xuất hiện COVID-19 cùng đặc thù VĐV phải tập luyện thường xuyên mới có thể giữ vững phong độ, đạt thành tích cao nên sở đã tiến hành phun thuốc khử trùng ở những nơi tập luyện, nhà ăn, nơi ở và môi trường xung quanh, yêu cầu những đơn vị trực thuộc cùng các HLV, trưởng bộ môn kiểm tra, giám sát chặt vấn đề vệ sinh, sát khuẩn, đi lại, ăn ở… của VĐV để đảm bảo hiệu quả trong ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe cho VĐV và cộng đồng.

“Đến thời điểm này, COVID-19 đã khiến hàng loạt giải thể thao phải tạm hoãn. Tuy nhiên, với việc duy trì chế độ kiểm tra, giám sát phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh và linh hoạt trong giáo án, các VĐV vẫn tích cực tập luyện trên tinh thần tự giác, ý thức cao trước COVID-19. Cũng từ đây, nhiều thói quen mới, tích cực hơn trong sinh hoạt, nhận thức của VĐV hình thành. Đây là điều đáng mừng”, ông Bùi Thanh Dũng nhìn nhận.

HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Chuyển đổi để nâng tầm

Thực hiện Quyết định số 2117 ngày 6/8/2024 của UBND tỉnh, Trường trung cấp Thể dục Thể thao được chuyển đổi thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Mô hình hoạt động mới này nhằm đưa thể thao thành tích cao, các môn thế mạnh của Thừa Thiên Huế phát triển đúng hướng, vươn lên tầm vóc mới.

Chuyển đổi để nâng tầm
Return to top