Thể thao

Võ thuật và du lịch: Gợi mở hướng kết hợp

ClockChủ Nhật, 03/03/2024 06:46
TTH - Kết hợp với du lịch để khai thác giá trị võ thuật có nhiều gợi mở, đã và đang là vấn đề đặt ra với Thừa Thiên Huế.

Bế mạc giải võ thuật cổ truyền lần thứ II năm 2023Ngày xuân xem võ cổ truyền

 Các môn sinh Vovinam biểu diễn tại lễ hội Tết Huế Giáp Thìn 2024

Từ show diễn võ thuật

Tò mò tìm hiểu để rồi vỡ òa thán phục là cảm xúc chung của nhiều du khách tham gia đoàn Famtrip “Huế - Kinh đô xưa, trải nghiệm mới” dịp Hội nghị Kết nối Du lịch Huế 2023 khi được xem một buổi diễn tại võ đường Võ Kinh Vạn An.

Có thể xem, “Võ Kinh Vạn An Show” là chương trình biểu diễn võ thuật chuyên nghiệp đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ khách du lịch. Nội dung của show được thiết kế bài bản với 3 chương: Truyền thống; Tái hiện và lan tỏa. Xuyên suốt chương trình là giới thiệu về Võ Kinh Vạn An. Những bài quyền lưu truyền qua nhiều thế hệ được trình diễn hấp dẫn. Những màn song đấu, tam đấu tái hiện chân thực cách mà các cấm vệ quân bảo vệ vua. Đặc biệt, các tiết mục khí công đến từ những võ sư dày dạn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm.

Kinh Vạn An là phái võ gia truyền từ thời nhà Nguyễn thuộc dòng võ Kinh, hệ Hắc Hổ. Cố võ sư Trương Ngọc Giai là chánh đội trưởng đội cẩm thị vệ thời vua Tự Đức. Người kế nhiệm là lão võ sư Trương Đồng bảo vệ, đồng thời là thư ký của cụ Phan Bội Châu, từng mở lớp dạy võ ở lăng Vạn Vạn trước năm 1945. Sau khi võ sư Đồng qua đời, võ sư Trương Thăng là người kế tục và chính thức khai lập môn phái vào năm 1972. Hiện tại, người con trai trưởng của ông là võ sư Trương Quang Kim kế tục và là chưởng môn đời thứ năm của môn phái.

Đến tham gia lễ hội

Góp phần tạo nên thành công đầy ấn tượng tại lễ hội Tết Huế Giáp Thìn 2024, có những màn biểu diễn võ thuật đặc sắc từ nhiều môn võ nổi tiếng trên địa bàn, thu hút rất đông du khách, người xem. Các tiết mục biểu diễn hấp dẫn, ấn tượng và nhiều cảm xúc của các môn sinh Nghĩa Dũng

Karate-Do Huế trong chương trình Tết Huế 2024 tại Quảng trường Ngọ Môn vào sáng 25 Tết vừa qua, đã thu hút đông đảo khán giả Huế du xuân và khách du lịch nước ngoài đón xem, tán thưởng.

Lịch trình biểu diễn của Võ Kinh Vạn An tại lễ hội Tết Huế cũng dày đặc. 24 tết Âm Lịch trước cửa Ngọ Môn, giao giữa cửa Quảng Đức và đường 23/8. Mùng 2 Tết tại công viên Thương Bạc, đường Trần Hưng Đạo. Mùng 3 Tết trước điện Thái Hòa, Đại Nội Huế. Tại lễ tái hiện Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, Võ Kinh Vạn An đóng góp tiết mục Ngũ Long Quy Vị, cầu chúc cho một năm mới rực rỡ, bội thu và Festival Huế 2024 thành công tốt đẹp.

Hằng năm, Võ Kinh Vạn An đều tham gia biểu diễn tái hiện lại buổi lễ lên ngôi Hoàng Đế của vua Quang Trung tại khu di tích núi Bân. Năm nay có khác mọi năm, quy mô lớn hơn, nhiều tiết mục hơn và hơn hết là số lượng võ sinh tham gia cũng nhiều hơn những năm trước. Mặc dù thời tiết Huế lúc diễn ra lễ hội mưa lạnh, lại trong thời điểm thi cử nhưng các em võ sinh tập luyện liên tục không ngừng nghỉ và đã có màn biểu diễn đầy ấn tượng, được người xem thán phục. Năm 2023, Võ Kinh Vạn An còn tham gia lễ hội “Quảng diễn đường phố” nằm trong chương trình Festival Nghề truyền thống Huế.

Đôi điều suy nghĩ

Theo võ sư Lê Bá Thương, Chủ tịch Hội Vovinam - Việt võ đạo Thừa Thiên Huế, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm võ đường Vovinam Huế đón 5 - 7 đoàn khách du lịch nước ngoài tham quan thông qua các tour du lịch. Đến đây, du khách được tìm hiểu về lịch sử võ cổ truyền Vovinam - Việt võ đạo, các thế đánh, kỹ thuật đòn tay, chân và kỹ thuật cơ bản của môn võ Việt này. Ngoài ra, du khách có thể thực hành đóng vai làm môn sinh và được hướng dẫn các kỹ thuật thi đấu.

Thừa Thiên Huế được xem là vùng đất võ. Nơi đây hội tụ những tinh túy từ môn phái võ cổ truyền đến hiện đại. Huế còn có di tích Võ miếu và xưa kia có hội thi tiến sĩ võ. Bằng nhiều con đường và sự tâm huyết, nhiều võ đường và môn phái võ thuật đã được phục hồi và hội tụ. Không còn nghi ngờ, đó là cơ hội và là điều kiện để võ thuật phát triển. Điều đáng nói là ở Huế, võ còn chưa “nuôi” được võ. Từ thực tế ở các bộ môn Vovinam hay Võ Kinh Vạn An, đã gợi mở hướng đi kết hợp giữa võ thuật với du lịch như là một giải pháp tồn tại và phát triển lan tỏa của võ thuật Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, hầu hết các võ đường tại Thừa Thiên Huế chưa được đầu tư tốt về cơ sở vật chất, số lượng võ đường tự phát khá nhiều... Bên cạnh đó, các trung tâm võ thuật có uy tín hiện chưa có kế hoạch xúc tiến, liên kết với các công ty lữ hành để khai thác loại hình du lịch trên. Bởi vậy, về lâu dài, ngành du lịch cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quy mô và hiệu quả nếu muốn đưa du lịch võ thuật trở thành một trong các loại hình du lịch quan trọng của Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm đến Hương Bình

Với sự quan tâm của tỉnh và thị xã, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, đầu tư xây dựng hạ tầng, xã Hương Bình (Hương Trà) đang trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Điểm đến Hương Bình
“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều
Return to top