Thể thao

Vượt núi với mountain bike

ClockChủ Nhật, 14/03/2021 22:19
TTH - Trí tuệ, sức khỏe, nỗ lực và cả hiểm nguy, mountain bike, bộ môn được Việt hóa với cái tên xe đạp địa hình đang thể hiện sức hút mãnh liệt tại Huế.

Nhẩn nha xe đạpỞ Huế nơi nào cũng công viênNhà vô địch Tour de France và mục tiêu lớn tại Huế

Băng sông

Mạo hiểm 

Xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, mountain bike diễn ra trên các địa hình gồ ghề, như đồi núi, sa mạc. Những năm trở lại đây, hoạt động trải nghiệm bộ môn này nhanh chóng phát triển ở Huế. Anh Nguyễn Quang Lộc, thành viên nhóm xe đạp địa hình, chia sẻ: “Bộ môn này là “bản hòa ca” của cơ bắp, nỗ lực, trí tuệ khi kết hợp hài hòa với xe đạp chuyên dụng. Trên thế giới, những chướng ngại, đồi núi cheo leo, hiểm trở hoặc lối mòn trong các khu rừng nguyên sinh là địa điểm được nhiều người chơi chọn lựa”.

Giới xe đạp địa hình thường phân thành ba cấp độ, chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và nghiệp dư. Với điều kiện tự nhiên tại Huế, nhiều tay lái tiếp cận hướng bán chuyên nghiệp. Đích đến là những đồi núi hiểm trở, hệ thống đường mòn xuyên núi, băng rừng.

Với bộ môn này, những pha đổ dốc chính là “linh hồn”, nơi phô diễn tài năng, sức vóc. Tay đua vút theo tốc độ, lẹ làng lao xuống cung đường nghiêng đến chóng mặt. Chiếc đầu tỏ tường ra những quyết định chớp nhoáng. Đôi tay linh hoạt điều khiển, ước đoán điểm rơi thật chuẩn xác. Lúc ấy, họ và xe như hòa làm một, ma sát với mặt đường, cảm nhận từng cú va chạm, từng tiếng rào rào khi gai bánh xe nghiến vào đá sỏi.

Hòa mình dưới tán rừng

Mạo hiểm nên sự quyết tâm, ý chí luôn là hành trang của mỗi tay đua. Ngoài những pha leo và đổ dốc, Anh Tuấn, một thành viên của nhóm chia sẻ về sự cố lạc đường nhớ đời: “Thỏa thuận đến đích lúc 15h, nhưng do mất phương hướng, chúng tôi mò mẫm trong rừng đến tối mịt. Thật khó để biết trước chuyện gì đang đợi chờ mình, đó có thể là những trầy xước, xe hỏng hóc, thậm chí kiệt sức, phải nhờ sự trợ giúp của đồng đội…”. Khó khăn muôn trùng, nhưng đó cũng chính là điểm hấp dẫn. Bởi thế, nhiều người Huế sẵn sàng mạo hiểm để thử sức với bộ môn này.

Rộn ràng trải nghiệm

Cưỡi chiếc xe đạp địa hình chinh phục núi non ghồ ghề, hiểm trở là sự lựa chọn dũng cảm. Bởi kinh nghiệm dạn dày, sức khỏe tốt, đôi chân dẻo dai vẫn chưa đủ để người chơi vượt thách thức. Kỹ càng và cẩn trọng, giới đam mê xe đạp địa hình thường “nhờ” hoa tiêu dẫn đường, do thám trước những cung đường cũ hoặc khám phá các chặng đường mới. Ước đoán độ khó, đồng thời vạch ra chặng nghỉ, thời gian của đoàn. Anh Hồ Trường, một hoa tiêu chia sẻ: “Vì thế, vào cuối tuần, nhóm xe đạp địa hình thường chọn các đường núi ở Phú Sơn, Dương Hòa (TX. Hương Thủy). Ngày nghỉ dài hơi, chúng tôi khám phá những cung đường mới tại Nam Đông, A Lưới…, hay mở rộng chuyến trải nghiệm sang các tỉnh bạn”.

Để có được chuyến đi mỹ mãn, các tay đua kỹ lưỡng bảo dưỡng phương tiện cũng như rèn luyện thể chất. Một chiếc xe tốt với khung nhẹ, bền chắc. Đôi lốp to, nhiều gai, ma sát tốt. Hệ thống phanh đĩa, giảm xóc chất lượng… Ngoài ra, dụng cụ bổ trợ, như găng tay, trang phục đạp xe chuyên dụng, mũ bảo hiểm, bộ dụng cụ sửa xe, kính bảo vệ không thể thiếu (giúp các tay lái hạn chế chấn thương khi va chạm). Với tiêu chuẩn ấy, giá thành của xe đạp địa hình thường dao động từ mười đến trên trăm triệu đồng mỗi chiếc tùy kinh tế và sự chịu chi của người đam mê.

Thêm yêu Huế

Những người yêu xe đạp địa hình ở Huế có rất nhiều chọn lựa với bao la đồi núi. Đó có thể là chuyến săn mây kỳ thú ở núi rừng A Lưới. Là cuộc hành trình vất vả nhưng hào khởi nơi đỉnh đèo Hải Vân. Chuyến thứ nhất có thể họ thất bại, chấp nhận dừng bước nơi chân đèo. Chuyến thứ hai khởi sắc hơn, họ vươn lên lưng chừng núi. Đến chuyến thứ ba, khi đã huy động hết tất cả sức lực, niềm tin và ý chí mãnh liệt, họ chinh phục được đỉnh cao nhất, tự hào ngắm biển, núi non, ngắm mây trời. Đôi chân nhỏ bé ấy tưởng chỉ đơn thuần vượt những núi non cụ thể. Nhưng không, với chúng tôi, họ đã vượt qua ngọn Everest của chính mình.

Rộn ràng trải nghiệm với bộ môn, thăm thú vùng núi non xứ Huế, nhóm xe đạp địa hình còn thường xuyên thu gom bao bì ni lông ra khỏi rừng. Với những chuyến đi xa, các tay đua luôn ý thức giữ gìn môi trường, cảnh quan.

Tại Huế, nhóm xe đạp địa hình phát triển khá muộn nhưng hứng khởi bởi thành lập từ năm 2018 chỉ với 10 người, đến nay nhóm đã có gần 500 thành viên. Nhiều người tìm hiểu vì yêu thích, nhiều người chơi nghiệp dư và bán chuyên nghiệp. Để thỏa mãn đam mê, những người yêu thích bộ môn này tại Huế còn thực hiện các chuyến đi dài hơi, thỏa lòng với cung đường núi Quảng Trị, Quảng Bình. “Sắp tới, nhóm sẽ thiết kế chuyến hành trình khám phá các tỉnh miền núi phía Bắc, hứa hẹn sự nỗ lực gấp nhiều lần bởi độ khó, sự hiểm trở”, anh Trường bật mí.

Không chỉ rèn sức bền, sự khéo léo, dẻo dai, xe đạp địa hình còn là chuyến hành trình để mỗi người chơi khám phá sức mạnh của ý chí, nghị lực. Thổi một luồng gió mới vào đời sống thể thao ở Huế, mountain bike là một lựa chọn mới, đáng cân nhắc để trải nghiệm.

Bài: MAI HUẾ - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Bắt đối tượng liên tiếp thực hiện nhiều vụ trộm cắp xe đạp

Ngày 15/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế cho biết, vừa tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Dương Trí Phát (SN 1999), hộ khẩu thường trú tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh về hành vi trộm cắp tài sản.

Bắt đối tượng liên tiếp thực hiện nhiều vụ trộm cắp xe đạp
Chuyển đổi để nâng tầm

Thực hiện Quyết định số 2117 ngày 6/8/2024 của UBND tỉnh, Trường trung cấp Thể dục Thể thao được chuyển đổi thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Mô hình hoạt động mới này nhằm đưa thể thao thành tích cao, các môn thế mạnh của Thừa Thiên Huế phát triển đúng hướng, vươn lên tầm vóc mới.

Chuyển đổi để nâng tầm
Return to top