Đường đi bộ ven sông Hương đang được đầu tư, hoàn thiện. Ảnh: TH
Phải công nhận rằng không gian Huế, đặc biệt là “vùng lõi” thay đổi nhanh thật. Đá granit chẻ người ta mua ở đâu về mà nhiều đến thế. Trước đây vỉa hè lát gạch con rít, gạch bê tông đã thấy “ghê" rồi. Giờ nhiều tuyến đường đã thay bằng đá. Nó sang trọng quý phái hẳn lên. Nhiều người bảo rằng, cứ tiến độ chỉnh trang đô thị như thế này thì mươi năm nữa, đô thị Huế sẽ mang một bộ mặt hoàn toàn khác so với bây giờ.
Đừng quan niệm công viên là một điều gì đó to tát. Đó chẳng qua là một không gian dành cho công cộng, nhiều cây xanh. Thế thì Huế nhiều lắm. Bây giờ vào mỗi buổi sáng, từng tốp người đạp xe, họ lên đến tận Tuần. Nếu đi hướng “ngược Kim Luông” thì đến đường tránh Huế… Hai bên đường phủ đầy cây xanh, xa tí nữa là dòng sông Hương. Bây giờ ở đâu cũng buôn bán làm ăn được. Quán cà phê cứ tạo dựng không gian thật đẹp thì ở đâu người ta cũng đến. Quán bún, quán cháo nào ngon buổi sáng cũng đông người. Nhịp sống thị thành đã kéo dài thêm ra vùng ven. Nghe kháo nhau rằng đất Thủy Vân, Thủy Thanh, Hương Long… bây giờ có giá nhiều triệu đồng một m2.
Mấy ngày nay trời như thiêu như đốt, cứ nghe không khí ở Hà Nội đang ở mức xấu hoặc rất xấu, ngành chức năng khuyến cao người dân ban đêm hạn chế ra đường, cứ thấy TP. Hồ Chí Minh kẹt xe, nước mưa ứ đọng… mới thấy Huế là nơi quý giá. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã có lần thừa nhận rồi. Đại ý rằng, có thể kinh tế chúng ta chưa bằng ai nhưng quyết tâm xây dựng thành phố giàu bản sắc văn hóa thì chúng ta không thiếu. Quyết tâm này của chính quyền và người dân ngày càng chuyển hóa thành hiện thực.
Giá đất tăng là một chỉ dấu của phát triển đô thị. Còn công viên nhiều, cây xanh nhiều, thảm cỏ nhiều là những yếu tố làm tăng giá trị của đô thị. Đơn giản là nó tạo ra không gian sống, môi trường sống tốt hơn. Tất cả các khu đô thị mới bây giờ đều đi theo hướng này. Người giàu có, khá giả, có điều kiện ở các khu đô thị được hưởng lợi trực tiếp là lẽ tất nhiên. Nhưng đối với những người nghèo cũng được hưởng lợi theo. Người bán gánh hàng rong đi mỏi cũng có chỗ nghỉ chân. Buổi sáng nếu không quá tảo tần sớm hôm thì cũng có thể ra công viên ven bờ sông Hương, Thương Bạc, vạch phân chia dọc đường Tố Hữu, các công viên nhỏ dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai… đi bộ, tập thể dục, hít thở không khí trời trong lành. Sức khỏe, sự sảng khoái, thư thái… chẳng phải là những giá trị đáng giá của cuộc sống!?
Thường khi nghèo con người quan tâm đến đồng tiền nhiều hơn. Khi túi đã rủng rẻng rồi, họ lại quan tâm đến nhiều giá trị tinh thần khác và sức khỏe. Môi trường trong lành, khoáng đãng chẳng phải là một lựa chọn của nhiều người. Mà cái này thì Huế rất nhiều. Từ TP. Huế buổi sáng muốn tắm biển chỉ vài mươi phút xe máy đã về đến Thuận An. Hay bơi lặn ngoài sông Hương. Tôi có quen một người ở khu quy hoạch Vỹ Dạ. Anh làm giám đốc một công ty mấy trăm người, riêng bộ phận văn phòng đã có mấy chục người. Anh bảo mùa hè anh thường xuyên xuống Thuận An tắm biển, lúc đạp xe lúc đi xe máy. Anh chọn cách này cũng như một môn thể thao nên sức khỏe rất tốt. Những ngày rảnh rỗi, anh còn ghé vào chợ cá Thuận An mua những đồ tươi ngon. Một phần cho gia đình và một phần mua giúp cho anh chị em nhân viên trong văn phòng. Rẻ và tươi ngon, tất cả các nhân viên đều thích. Không phải “làm màu” nhưng đây cũng là một cách xử sự của người lãnh đạo, làm chất kết dính mọi người trong công ty. Như vậy, môi trường sống, công viên, cây xanh, mặt nước lại tạo ra một giá trị khác.
Tôi thấy người dân Huế cũng đã có những đổi thay rất nhiều trong việc ứng xử với môi trường. Nhiều nhà đã quý trọng cây xanh hơn. Trồng trước ngõ một cây bông giấy, hàng tre hàng trúc. Cây xanh đã lên đến ban công tầng một tầng hai. Sự “cộng hưởng” của người dân đã tạo nên những giá trị gia tăng cho môi trường Huế.
LÊ PHƯƠNG