ClockThứ Hai, 19/07/2010 17:57

Cau Vua, nguồn gen Trung Mỹ đang tràn ngập đất cố đô

TTH - Cau Vua là một loài cây có dáng dấp hùng vĩ, oai nghiêm, cao quý, khiến người dân bản xứ đã liên tưởng đến phong cách hoàng gia và dùng từ "royal" để đặt tên cho nó là "Royal palm". Từ đó, trong tên  khoa học (Roystonea regia) cũng có tính ngữ "regia", rồi khi nhập về, người Việt chúng ta dịch thành "Cau Vua". Cây có nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ, bao gồm Cuba, Honduras, Belize, quần đảo Cayman, Bahamas... Do vậy, nó còn có tên "Cuban royal palm".

Hiện nay, nó đã được trồng làm cây cảnh khắp các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ châu Mỹ đến châu Á. Cây dễ nhân giống (bằng hạt), thích những nơi ấm áp, ẩm và đất giàu dinh dưỡng; phát triển kém trên đất sỏi đá, nghèo dinh dưỡng và đặc biệt không chịu được úng. Ngoài tác dụng tôn tạo cảnh quan, Cau Vua còn có nhiều tác dụng khác nữa. Ở Ấn Độ đã có những công trình nghiên cứu cho thấy rằng, rễ cây có nốt sần chứa các vi khuẩn cố định đạm, có khả năng cải tạo đất, thích hợp với việc trồng che bóng và cải tạo đất cho vùng trồng cây công nghiệp dài ngày. Ngoài ra, hạt Cau Vua còn được dùng ép dầu và chăn nuôi gia súc, lá dùng lợp nhà, thân cây dùng trong xây dựng, rễ dùng chữa tiêu chảy và làm thuốc lợi tiểu.

Cau Vua là một loài cây thân cột to, mọc đơn độc, thường cao 10-15m, ở vùng đất thích hợp có thể đạt tới 20 - 30 m, đường kính thân cây trưởng thành đạt 40-50 cm. Thân cây thuôn thẳng, mập mạp, chắc khỏe, vỏ trơn nhẵn, màu trắng xám, có một chỗ phình lớn với đường kính 50- 60 cm. Vì thế, người Việt chúng ta còn gọi là "Cau Bụng". Cây mang ở ngọn khoảng 15 lá dạng kép lông chim, dài 3 - 4 m, màu xanh, có bẹ (mo) xanh bóng. Hoa đơn tính màu trắng; hoa cái không có vòi nhụy, hoa đực có bầu nhụy lép, bao phấn phớt hồng. Quả nhỏ 1 – 2 cm, hình cầu hơi thon ở đỉnh, xanh lúc non, chuyển dần sang màu đỏ rồi tím đen lúc chín.
 

Cau Vua đang rất được ưa chuộng
 
Ở Việt Nam, lâu nay Cau Vua đã được trồng khắp nơi, từ Bắc chí Nam. Trong những năm gần đây, phong trào trồng Cau Vua rộ lên rất mạnh. Nhiều công trình kiến trúc công cộng cho đến các tư thất đều có xu hướng phát triển cây Cau Vua như một loại cây trang trí ngoại thất theo phong cách "mốt thời thượng".
 
Ở Huế, cao trào trồng Cau Vua cũng lên ngôi như sóng vỡ bờ. Nhiều khách sạn lớn, nhà hàng, siêu thị, công sở… đã trồng hàng loạt Cau Vua. Tất nhiên, đây là quyền chọn lựa của chủ nhân, và sự chọn lựa bao giờ cũng có chủ đích. Chẳng ai lại không tính toán khi phải bỏ ra hàng chục triệu cho một hàng cây trang trí trước tiền sảnh. Điều cần tham luận là, với đà phát triển như hiện nay, liệu bao lâu nữa thì thành phố Huế, vốn nổi tiếng về sự đặc sắc, độc đáo và đa dạng cây xanh sẽ mất dần tính mềm mại, kín đáo để nhường chỗ cho tập đoàn Cau Vua sững sững, oai nghi mà không ít người cho là hoành tráng, như những vệ sĩ bao trùm cả không gian cố đô, vốn dĩ đang cần bảo tồn nét cổ xưa.
Ở một vài khu du lịch sinh thái, thay vì trồng Cau Việt, người ta đã để cho những hàng Cau Vua so vai với những ngôi nhà rường, khiến cho cảnh quan đậm nét "tân cổ giao duyên" khó tả. Ở đường phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Cau Vua cũng đan xen với Cọ Dầu. Tương tự như thế, cũng có người cho rằng, trước nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh mà trồng một hàng Cau Vua ngoại lai như thế liệu Bác có hài lòng chăng, vì thuở sinh thời Bác luôn dặn dò chúng ta phải biết giữ gìn bản sắc dân tộc. Giá như hàng Cau Vua đó được thay bằng hàng "Cọ Xứ Nghệ", dẫn giống từ Thanh Thủy, Thanh Chương… thì vừa giữ được hàng nét hoành tráng theo ý người thiết kế, lại vừa trưng bày được nguồn gen bản địa từ quê Bác, e hay biết dường nào?!...
 
Đỗ Xuân Cẩm
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top