Thân cây có nhiều gai nhọn chống được các loại động vật phá hoại, lá cải tạo được đất, rễ có nhiều nốt sần chứa các vi khuẩn cộng sinh cố định đạm, cành ngắn, nhỏ, mang ít lá và lá nhỏ, chịu được gió bão... nên thường được trồng làm vành đai phòng hộ các khu vực sản xuất cây nông nghiệp, làm cây che bóng cho cây công nghiệp dài ngày, làm cây cải tạo đất... Phấn hoa là nguồn dinh dưỡng cho các loài ong mật, mật sản xuất từ chúng được đánh giá có chất lượng cao.
Quả me
Cây còn có khả năng tỏa bóng tốt, ngoại hình và lá đẹp, nên cũng thường được trồng làm cây che bóng và cây cảnh. Ngoài ra, quả me keo cũng là nguồn thực phẩm quen thuộc của nhiều vùng dân cư trên thế giới. Nhiều nơi dùng quả xanh để làm rau, có thể ăn sống hoặc chiên xào. Thịt quả chín có vị chua chua, ngọt ngọt như me, được dùng làm nước giải khát, từ đó nó mang tên tiếng Anh là Manila tamarind (me Manila). Quả me keo cũng là một trong những loại thức ăn của khỉ và các động vật nuôi. Để thể hiện đặc điểm ăn được, các nhà thực vật học trên toàn cầu đã chấp nhận tên khoa học của nó là Pithecellobium dulce (dulce: ăn được). Vỏ cây me keo chứa nhiều ta-nanh, thường được khai thác làm thuốc nhuộm vàng. Trong y học dân gian của một số nước, nước sắc từ vỏ cây dùng chữa bệnh tiêu chảy; lá được dùng đắp ngoài da để chữa đau, tấy và bệnh hoa liễu; nước sắc từ lá cũng được sử dụng cho chứng khó tiêu; vỏ cây cũng được sử dụng như một nguồn dược liệu nhiều ta-nanh.
Có lẽ vì có quá nhiều tác dụng như thế, vốn xuất thân từ châu Mỹ, dần dần me keo có mặt hầu khắp thế giới, nhất là vùng nhiệt đới châu Phi, châu Á.Ở châu Á, cây phân bố ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Philippines.Ở Việt Nam, cây được trồng phổ biến khắp nước, từ các tỉnh phía Bắc vào đến Nam bộ, từ đồng bằng lên vùng đồi núi, cao nguyên.
Lá me
Ở Huế cũng như nhiều tỉnh thành trong khu vực miền Trung, ngày trước trên nhiều trục đường, công viên xuất hiện khá nhiều cây me keo. Đã một thời chúng tỏa bóng để góp phần lục hóa đô thị, cải tạo môi trường, nhưng rồi theo thời gian năm tháng chúng đã mai một dần đi. Có lẽ do thân cây của nó có quá nhiều gai nhọn, khiến các nhà quy hoạch và tôn tạo hệ thống cây xanh phải triệt hạ để nhường đất cho những chủng loại cây xanh khác. Vì thế, hiện nay, me keo không còn là cây phổ biến nữa. Giờ đây, để tìm gặp một vài cây me keo trên các trục đường nội thành cố đô Huế không dễ chút nào.
Ở công viên Lý Tự Trọng, cạnh quán cà phê Lộng Gió có hai cây cổ thụ, một cây đứng và một cây nằm. Cây nằm là do gió bão xô ngã, nhưng không chết, tiếp tục đâm chồi nảy lộc, vươn dài dần từ năm này sang năm khác, biến thành một cây uốn lượn chẳng khác gì dạng cây được tạo thế trong chậu cảnh. Giá như cây này được cắt tỉa cành nhánh rồi đánh bầu, cẩu đến một vị trí nào đó thích hợp để chăm sóc, thì chúng ta sẽ có được một cây cảnh đồ sộ, ắt sẽ phát huy được giá trị tôn tạo cảnh quan vốn có của nó. Riêng cây đứng, không rõ nó đã đạt đến tuổi bao nhiêu, nhưng chúng tôi nghĩ cũng không dưới 50 năm, rất cần bảo tồn, để nó cùng với những cây lão thành khác trong đô thị Huế tồn tại, làm minh chứng cho truyền thống xây dựng, bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh Huế qua bao đời nay. Đó là chưa nói rằng, sau này biết đâu chúng ta lại cần những hạt giống me keo để nhân giống, đưa trồng ở đâu đó, thì chính cây này là nguồn giống cung cấp cho chúng ta những hạt giống cần thiết.
Đỗ Xuân Cẩm