|
Chuối rẽ quạt |
Người Pháp và người Anh gọi nó là cây gỗ của người lữ hành (Arbre Des Voyageurs, Traveller's Tree) hay cây cọ của người lữ hành (Traveller's Palm). Có lẽ bắt nguồn từ đó, khi có mặt ở Trung Quốc, nó đã mang tên lữ nhân tiêu (chuối của người lữ hành). Sở dĩ người Tây phương gọi tên cho nó như vậy là do những bẹ lá của nó ôm thân tạo ra những không gian giữ nước mưa, là nguồn cung cấp nước uống trong những trường hợp những người lữ hành thiếu nước khẩn cấp. Ngày trước, trường hợp này thường xảy ra trên những đảo nhỏ xa bờ trên đại dương.
Do có hình dạng độc đáo, kiểu lá và cách xếp lá trên đỉnh thân đặc trưng, nên ngày nay, cây được trồng làm cảnh rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Cây cần che bóng nhẹ lúc còn nhỏ, nhưng lúc trưởng thành thì thích được chiếu sáng toàn phần. Những vùng đất màu mỡ, đặc biệt có nguồn đạm cao rất thích hợp cho cây trong thời kỳ sinh trưởng. Với điều kiện đó, cây mọc tốt, ra lá khỏe, khi trưởng thành có thể đạt chiều cao 7 - 8 m. Cây thích ẩm và cần đủ ẩm để phát triển, nhưng không chịu được úng ngập, những nơi úng ngập lâu sẽ làm cho cây sinh trưởng kém, lụi tàn và chết dần.
Ở Việt Nam, từ lâu cây được nhập trồng nhiều nơi, được xem là một đối tượng tôn tạo cảnh quan có giá trị trong hệ thống cây xanh đô thị. Đến những thành phố lớn, chúng ta dễ dàng bắt gặp nó ở các tiền sảnh, sân vườn biệt thự, các công viên, khuôn viên công sở.
Cây có mặt ở Huế rất sớm, ít nhất là từ thời Minh Mạng. Trong Minh Mạng ngự chế, sơ tập, quyển 10, trang 12 có đoạn mô tả nó với tên gọi là đại dương tiêu, được nhà nghiên cứu Vĩnh Cao dịch như sau: "Chuối tây - loại chuối này năm trước có người từ vùng biển cực nam của Nam Dương đến dâng, tên tây phương gọi là "mục tạng độ", tức loại sừng trâu lớn. Lệnh cho trồng ở vườn Thiệu Phương, bên cạnh hồ sen. Nay đã được ba năm, ngày ngày phát triển gấp bội, cành lá không khác gì với loại chuối bình thường, chỉ có rễ quá dẹp, cành mở ra như cọng dù, lá mới ra như lá cờ, cao đã quá trượng, nhưng kết trái hơi chậm. Gần đây sai bồi vun gốc rễ như chiếc chuông lớn, nghĩ rằng rồi cũng có trái.". Như vậy, Minh Mạng cũng đã chú ý đến hình thái độc đáo của cây và đã chọn trồng nó trong vườn ngự. Chỉ có điều là mong muốn của nhà vua thời ấy mãi mãi không bao giờ có được, bởi lẽ cây cho quả rất nhỏ và chẳng ăn được.
Ngoài hình thái đẹp mắt, không hiểu từ đâu, một số người Huế có quan niệm trồng chuối rẽ quạt trước sân nhà sẽ đem lại điều may mắn cho gia đình hoặc tránh được những điều xui xẻo nên chuối rẽ quạt lại càng có điều kiện bảm rễ nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ tư thất đến công sở… Chỉ tiếc một điều là do không lường trước kích cỡ và khả năng đẻ con khi cây trưởng thành, nhiều chủ nhân đã không thiết kế hợp lý không gian cho cây sinh trưởng, phát triển và phát huy khả năng tôn tạo. Do vậy, nhiều bụi chuối rẽ quạt đã phải bó mình xếp vó trong một không gian chật hẹp trông rất phản cảm.
Đỗ Xuân Cẩm