Động thái này thường bắt đầu bằng những mảng địa y, tảo rồi đến rêu xanh. Chúng thường xuất hiện vào mùa mưa, dần dần bao phủ nhiều diện tích vỏ thân và cành cây trưởng thành; tạo thành một cư trường cho bào tử các loài ráng (dương xỉ) trao thân gởi phận. Những bào tử này đã nhanh chóng tận dụng môi trường thích hợp để nảy mầm, hình thành khuẩn ty rồi phát triển thành cơ quan sinh dưỡng. Sau đó, theo thời gian năm tháng, chúng lại sản sinh bào tử và nhân dần số lượng cá thể. Hiện trạng này đã khiến nhiều vỏ cây xanh mang một sắc thái mới, mà mới nhìn qua không ít người cho là đẹp, thậm chí đôi lúc còn tôn vinh nó là "vị khách quý không mời mà đến".
Dương xỉ luôn là kẻ xâm lăng đáng sợ của cây xanh
Một cây cọ dầu có vỏ thân mang đầy những cây ráng đuôi phụng (Drynaria delavayi) mọc tua tủa trông như có bàn tay nghệ nhân gieo trồng và chăm chút, đã khiến nhiều người qua lại trầm trồ khen ngợi. Một cây bóng mát cao niên, có thân và cành nhánh phủ đầy một lớp thảm xanh loài ráng hỏa mạc (Pyrrosia lanceolata) cũng đã khiến không ít người bàng quan cho là đẹp mắt. Nhưng ai đi sâu tìm hiểu hệ lụy do nó để lại cho cây xanh mới thấy: "Rằng hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào". Thật vậy, khi thảm dương xỉ phát triển ngày càng dày đặc, rễ của chúng vừa trực tiếp gây tổn thương cho lớp vỏ cây chủ, vừa gián tiếp tạo ra cư trường thuận hợp cho nhiều loài vi nấm tá túc, hoạt động và hủy hoại cây xanh dần dần. Trước hết, thảm dương xỉ gây trở ngại cho quá trình hô hấp của vỏ cây. Tiếp đến, rễ của chúng đâm sâu và lan tỏa khắp lớp vỏ thân, đến tận các bó mạch dẫn, hút chất dinh dưỡng của cây chủ làm cho các mô sống của vỏ cây chủ chết dần. Quần thể dương xỉ ngày càng dày đặc, càng làm cho vỏ cây xanh giảm sức sống, mất hết sức đề kháng, dễ dàng đầu hàng những kẻ xâm lăng tí hon đồng hành (vi nấm và tảo), cuối cùng chịu chết và bong dần. Lúc này, các chồi bên bị tổn thương, thui chột, khiến cành mới không tái tạo được. Lượng nhựa luyện mất đường vận chuyển, khiến các cơ quan sinh dưỡng bên dưới thiếu chất, mất khả năng hoạt động. Kết quả là cành nhánh trụi lá, khô héo dần, nếu không được cứu chữa thì cây phải chịu chết đứng.
Những loài cây bị hiện tượng dương xỉ đeo bám phá hoại thường gặp nhất là nhội (muối), lim xẹt cánh (phượng vàng), bằng lăng... Chẳng khó khăn gì để tìm mục kích những cây bị hại như thế trong địa bàn thành phố Huế. Hầu như trên mọi nẻo đường, ở khắp các công viên... đều xuất hiện không nhiều thì ít dạng cây như thế này.
Chúng tôi cũng từng chứng kiến công nhân kỹ thuật của Công ty Công viên Cây xanh cắt tỉa những cành nhánh khô rục, hoặc triệt hạ cả cây khô chết đứng do dương xỉ gây ra, nhưng chưa lần nào mục kích được họ ra tay truy quét bọn giặc xâm lăng ở những thân cây xanh ngay từ khi chúng mới ló dạng. Có thể do thiếu chủ trương, nên họ không thể bóc bỏ tùy tiện. Cũng có thể có chủ trương rồi, nhưng do chủ quan, không thấy tầm quan trọng của việc làm nên họ chỉ làm quấy quá hoặc đã làm ngơ.
Đây không phải là một vấn đề đơn giản, tuy thế, chúng tôi vẫn hy vọng các cấp hữu trách sớm có cách nhìn toàn diện để chất lượng cây xanh ngày một tốt hơn.
Đỗ Xuân Cẩm