ClockThứ Sáu, 16/07/2010 03:35

Thông thiên - người bạn đồng hành với cây trúc đào

TTH - Cũng trên chuyên mục này, quý độc giả đã có lần tiếp cận cây trúc đào - một loài cây cảnh đẹp nhưng độc hại. Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu cùng quý độc giả một loài cây cảnh cùng họ hàng với cây trúc đào, cũng được nhiều người ưa chuộng, hiện đang được trồng nhiều ở các công viên, công sở, trường học, thậm chí cả trong sân vườn... mà người trồng lắm khi không thấy được đó là một cái bẫy sinh học đáng gờm, có thể gây tử vong cho bất kỳ ai lạm dụng nó.

Đó là cây thông thiên, tên tiếng Trung là hoàng hoa giáp trúc đào (trúc đào hoa vàng), tên tiếng Anh là be still tree, tên khoa học là Thevetia peruviana, họ Trúc đào - Apocynaceae. Thông thiên có nguồn gốc từ Mexico và một số nước Trung Mỹ, có quan hệ họ hàng rất gần với trúc đào. Là một loài cây bụi hay cây gỗ nhỏ thường xanh, lá hình kiếm, thon nhỏ, màu xanh sáng, mọc tập trung dày đặc ở đầu cành; hoa dạng loa kèn khá lớn, màu vàng, vàng cam hoặc đôi khi màu trắng. Toàn thân có nhựa mủ trắng chứa một loạt chất glycoside tim, điển hình là thevetin A và thevetin B, có tác dụng vượng tim và kích thích hệ tiêu hóa như chất neriin trong thân cây trúc đào.

Chính các chất glycoside này sẽ gây độc mạnh cho cơ thể người và động vật khi bị nhiễm liều cao. Những hội chứng phổ biến do nhiễm chứng như: tê cóng, lở loét miệng, buồn nôn và nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy... Những triệu chứng khác cũng thường gặp là buồn ngủ, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim. Tất cả các bộ phận của cây đều có độc tố, đặc biệt hạt có độc tính cao nhất. Nuốt một vài hạt có thể dẫn đến tử vong. Cũng như trúc đào, mủ của thông thiên vấy vào da sẽ gây dị ứng, có thể làm bong rộp da tùy cơ địa từng người, mủ vấy vào mắt sẽ gây tổn thương giác mạc. Ngoài thevetin A và B, trong mủ của thông thiên còn có các glycoside tim khác như: thevetoxin, peruvoside, ruvoside và nerifolin.


Thông thiên hoa vàng

Trong y học, người ta thường dùng peruvoside để điều trị chứng suy tim, nhưng với liều lượng rất thấp. Trẻ con thường dễ tiếp cận cây thông thiên ở trong vườn nhà, sân trường hay một nơi nào đó chúng bắt gặp, do sự hấp dẫn của màu hoa vàng rực rỡ và những quả rất bắt mắt.Chỉ cần một hạt có thể giết chết một đứa bé tuổi mẫu giáo.
 
Hiện nay, ở thành phố Huế và cả nhiều vùng nông thôn, từ vùng ven biển lên đến miền núi, cây thông thiên đã được chọn làm cây cảnh quan cho các công viên, điểm xanh, khu văn hóa, các điểm di tích, khuôn viên đình, chùa, công sở, trường học và cả trong sân vườn các tư thất.
 

Thông thiên hoa trắng
 
Điều đáng quan ngại là ngay ở một số trường mẫu giáo, tiểu học, nó cũng được chọn trồng để tô điểm không gian, rất dễ gây hại cho các cháu. Trong điều kiện khí hậu ở Huế, cây thường có dạng bụi thấp, ra hoa khi cây chỉ cao trên dưới 1 m; lá, hoa và quả nằm trong tầm tay của học sinh nhỏ tuổi này. Do hiếu kỳ, các cháu rất dễ hái hoa, ngắt quả làm đồ chơi. Nhiều cháu thường có thói quen ngậm bất kỳ lá gì khi chúng ngắt được, gặm thử bất kỳ quả gì có trong tay, ngửi và thậm chí hút cả mật hoa khi hái được vài hoa tươi.
 
Ở nhà, gia đình có thể kiểm soát, ngăn ngừa con trẻ lên năm, lên sáu; nhưng ở nhà trường, trong giờ chơi thử hỏi mấy khi các cô bảo mẫu theo sát được các cháu. Cũng may, từ trước đến nay chưa có trường hợp ngộ độc độc tố của cây thông thiên. Nhưng biết đâu, rủi ro lại đến trong một khoảnh khắc nào đó không lường trước. Đến lúc đó, ân hận chỉ là một sự nuối tiếc muộn màng. Theo tôi, tốt nhất là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Các nhà trẻ, các trường mẫu giáo và tiểu học không nên trồng thông thiên trong sân trường; nơi nào đã trồng thì nên thay thế một chủng loại khác.
 
Chúng ta thường dùng thành ngữ "hoa hồng đẹp, nhưng có gai" như một lối nói ẩn dụ nhắc nhở mọi người trong quan hệ ứng xử, và tôi nghĩ "thông thiên đẹp lại có độc tố" là một thông điệp cảnh báo mọi người.
 
Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top