ClockThứ Sáu, 16/07/2010 03:35

Trúc đào, loài cây cảnh đẹp mà độc

TTH - Trúc đào là một loài cây bụi hay cây gỗ nhỏ, thường xanh, cho hoa đẹp và thơm.

Cây thường có chiều cao từ 2 - 6 m, phân cành nhiều và cành mọc gần như thẳng đứng. Lá mọc đối hay mọc vòng 3 lá. Các lá thon nhọn hình mũi mác, dài khoảng 5 - 20 cm, rộng 1 - 3,5 cm. Phiến lá xanh sẫm, dày và bóng, mép nhẵn. Do có lá trông tựa lá tre, hoa trông như hoa đào, nên người Trung Quốc đã gọi tên “giáp trúc đào” (một loại đào gần giống tre). Vua Minh Mạng cũng đã đưa trồng ở các vườn ngự và cũng đã sáng tác bài thơ giáp trúc đào. Sau này, chúng ta gọi gọn lại là trúc đào. 

Trúc đào có quả dạng quả nang, hẹp và dài, khi chín tự khai để phóng thích các hạt nhỏ đầy lông tơ. Trong môi trường tự nhiên, bằng những lông tơ này, hạt trúc đào phát tán nhờ gió, gieo vãi khắp nơi, cây trúc đào tái sinh mở rộng cư trường dễ dàng.

Trúc đào có tên khoa học là Nerium oleander, thuộc họ Trúc đào – Apocynaceae, có nguồn gốc ở Morocco và Bồ Đào Nha, dần dần lan rộng tới vùng Địa Trung Hải và miền Nam châu Á. Do có hoa lớn (đường kính 2,5 - 5 cm), mọc thành cụm ở đầu cành, ra hoa nhiều tháng trong năm, nên được xem là một loài cây cảnh đẹp, thường được trồng ở sân vườn, công viên để trang trí không gian. Có nhiều giống trúc đào, khác nhau ở màu hoa và cấu trúc hoa: hồng, trắng, vàng; dạng hoa kép (tràng hoa nhiều cánh) hay hoa đơn (tràng hoa chỉ 5 cánh).

Ở Việt Nam, giống cho hoa màu hồng được gặp phổ biến hơn cả, tiếp đến là giống cho hoa màu trắng, giống màu vàng rất hiếm gặp. Hiện nay, ở Huế, trúc đào được trồng khắp nơi, từ các công viên, khuôn viên công sở, trường học đến sân vườn tư thất. Cây có thể trồng đất hay trồng chậu, chịu được nhiều loại đất và chịu khô, rất thuận lợi cho việc thiết kế trang trí ngoại thất.
 

Cây trúc đào
 
Điều đáng quan tâm là toàn thân trúc đào đều có chứa nhiều chất độc với độc tính cao, có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe con người. Vỏ cây, lá, hoa và nhựa cây đều có chứa các độc chất. Ngoài hợp chất thuộc nhóm glycosid trợ tim như oleandrin, neriin, nhưng khi sử dụng liều cao sẽ gây ngộ độc, quá ngưỡng sẽ gây tử vong, toàn thân cây trúc đào còn chứa chất rosagenin, có tác động như strychnin. Nhiều tài liệu đã cho rằng trẻ em chỉ cần nhai 1 lá trúc đào là đủ gây nguy hiểm cho tính mạng. Năm 2002, ở Mỹ đã có đến 847 trường hợp ngộ độc liên quan đến trúc đào. Khi ngộ độc trúc đào, triệu chứng thể hiện thường là buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy ra máu, hỗn loạn nhịp tim, trụy tim, tụt huyết áp… Từ đó dẫn đến rối loạn thần kinh trung ương, thiếu oxy não, hôn mê rồi dẫn đến tử vong.
 
Nhựa trúc đào vấy lên da sẽ gây rát da, viêm da; vào mắt sẽ gây rát mắt, đỏ mắt cấp. Khói từ cây trúc đào bị đốt cũng gây ngộ độc mạnh nếu hít phải. Đã có chuyện hàng loạt lính Pháp tử vong tại Hy Lạp do dùng củi trúc đào để nấu thức ăn. Hoa và lá trúc đào rơi vào những nơi nước tù, ngâm lâu ngày sẽ gây ngộ độc cho người và động vật uống nước đó.
 
Như vậy, đằng sau vẻ đẹp hấp dẫn, cây trúc đào là một cái bẫy sinh học rình rập những ai vô tình hay cố ý ăn phải các bộ phận của nó. Người làm vườn, công nhân chăm sóc công viên cũng cần lưu ý, đừng để vấy nhựa vào da, vào mắt, cũng đừng đốt các cành lá khô ở nơi có người qua lại, nếu buộc phải đốt để vệ sinh vườn tược, công viên thì cần mang khẩu trang. Tốt nhất là chôn vùi vào những nơi xa nguồn nước sinh hoạt. Để đảm bảo tính an toàn, không nên trồng trúc đào gần bể chứa nước uống, giếng nước sinh hoạt, ao cá, hồ tôm…
 
Đỗ Xuân Cẩm
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top