Nếu chỉ làm ăn lành mạnh và xuất phát từ nhu cầu thực tế, chính đáng của xã hội, có lẽ sách giáo khoa chưa trở thành vấn đề “nóng” của toàn xã hội như hiện nay.
Cái “nóng” đầu tiên bắt đầu từ việc thay đổi, điều chỉnh nội dung sách giáo khoa xoành xoạch. Vẫn biết cải cách giáo dục là việc làm cần thiết để theo kịp với sự phát triển chung, nhưng không thể mỗi năm mỗi điều chỉnh, dẫn đến sự lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa, tạo thêm gánh nặng cho toàn xã hội và từng gia đình.
ảnh minh họa
Trong buổi trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2009, Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ năm 2002 đến năm 2009, ngành giáo dục tiến hành đổi sách giáo khoa đủ 1 vòng từ lớp 1 đến lớp 12. Năm 2010 sẽ tổ chức đánh giá tổng quan chương trình sách giáo khoa 12 năm. Trên cơ sở đó cân nhắc có nên thay đổi sách giáo khoa nữa hay không. Năm 2011 đánh giá xong, rút kinh nghiệm. Năm 2012 thiết kế chương trình và chuẩn bị viết lại sách giáo khoa mới cho phù hợp với xu hướng hội nhập giáo dục. Năm 2014, tổ chức dạy thử và báo cáo. Năm 2015 tổ chức thay toàn bộ sách giáo khoa. Như vậy để đảm bảo bộ sách giáo khoa có thể dùng cho 13 năm. Không có chuyện mỗi năm đổi sách một lần và Bộ trưởng khuyến khích phát động học sinh năm trước tặng sách cho học sinh năm sau để giảm chi phí học tập cho các gia đình nghèo. Rất mong tiến trình này được thực hiện đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng…
Cái “nóng” thứ hai là chất lượng sách giáo khoa. Trong những năm qua và hiện nay, chúng ta nghe quá nhiều than phiền từ những người có trách nhiệm trong quản lý giáo dục đến giáo viên, học sinh về những “sạn” trong sách giáo khoa. Từ nội dung chương trình không sát, không phù hợp với lứa tuổi đến lỗi thông thường trong từng câu văn, sai sót trong khâu in ấn, chất lượng bản in. Do vậy, có nhiều kiến nghị cần sớm ổn định nội dung sách giáo khoa và tăng cường trong công tác quản lý trong biên soạn, xuất bản, phát hành để nâng cao chất lượng nội dung và hình thức sách giáo khoa.
Cái “nóng” thứ ba là tình trạng in lậu tràn lan gây thiệt hại cho cả các nhà xuất bản lẫn người tiêu dùng. Tại Hội nghị chống in lậu năm 2010 do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh giữa tháng 6 vừa qua, ông Ngô Trần Ái, Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam quả quyết in lậu, in nối bản sách, "luộc" sách, sao chép các ấn phẩm, sản phẩm trong lĩnh vực xuất bản là một “đại nạn” của ngành xuất bản nói chung và của riêng các nhà xuất bản chân chính. Đáng báo động nhất là hiện tượng sách giáo khoa in lậu được bày bán công khai và được tiếp thị vào tận các trường học.
Chưa bàn đến thiệt hại về kinh tế, chỉ riêng hậu quả mà học sinh, giới trẻ phải gánh chịu… khi kiến thức sách giáo khoa cũng bị sai lệch đã là “đại nạn” của quốc gia. Ông Ái cũng lên tiếng kêu gọi toàn xã hội cùng góp sức tuyên chiến với “đại nạn” in lậu và buôn bán sách giả. Để làm tốt công tác này, bên cạnh việc sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về xuất bản phù hợp, có biện pháp xử lý mạnh đủ sức răn đe, bản thân các nhà xuất bản cũng cần phải tự đổi mới, nâng cao năng lực để hạ giá thành sản phẩm cho phù hợp với thu nhập của người dân…
Hoàng Giang