Khái niệm thành phố festival và ý tưởng xây dựng Huế trở thành một thành phố festival (được Chính phủ công nhận) đã hình thành từ lần tổ chức lễ hội thứ hai (năm 2002). Nhưng ngay cả ông Ngô Hoà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức festival Huế các kỳ gần đây - tại cuộc họp báo trước ngày khai mạc Festival Huế 2008, khi được hỏi các tiêu chí của một thành phố festival là gì, ông cũng đã “xin khất” không trả lời. Bởi, “hiện tại nước ta chưa có thành phố nào là thành phố festival nên rất khó để đưa ra những tiêu chí cụ thể. Hiện Huế vẫn đang trong giai đoạn vừa làm, vừa “mò mẫm” xây dựng tiêu chí...”. Tuy nhiên, ông có bổ sung: “Cũng có thể nói ngay, một trong những tiêu chuẩn mà thành phố festival cần phải có là không gian văn hoá để tổ chức các lễ hội, phải có hệ thống hạ tầng và dịch vụ đạt chuẩn”.
Trước thềm khai mạc festival Huế 2012, tức sau 4 năm Huế được công nhận là “thành phố festival”, chúng tôi lại đặt câu hỏi rằng đến thời điểm này, tính chất “thành phố lễ hội” của Huế được thể hiện như thế nào? Thực tế đã như yêu cầu và mong muốn của mình chưa? Và câu trả lời nhận được từ những người có trách nhiệm là: “Nếu nói như yêu cầu và mong muốn thì chưa và phải cần thêm rất nhiều thời gian. Các festival quốc tế có quan hệ ít nhiều với festival Huế đã tổ chức đến lần thứ 60, 70, còn festival Huế chỉ mới lần thứ 7. Hơn nữa, Huế còn lắm bất cập, về cơ chế, về cả điều kiện ngân sách, về cả sự nhìn nhận đúng đặc trưng và hình thức tổ chức lễ hội; còn chưa tách bạch được yêu cầu phục vụ cộng đồng với yêu cầu hạch toán ngân sách...”. Trước thềm khai mạc Festival Huế 2014, chúng tôi lại đặt lại câu hỏi cũ với những người cũ. Và câu trả lời cũng gần như các năm cũ…
Thiếu một tổng đạo diễn
Lại nhớ cách đây 4 năm, ông Nguyễn Duy Hiền - Giám đốc Trung tâm Festival Huế thời điểm đó đã đặt ra vấn đề là “thành phố festival” hiện đang thiếu một tổng đạo diễn (không phải tổng đạo diễn cho từng lễ hội) kiểu như kiến trúc sư trưởng bên ngành quy hoạch xây dựng, dẫn đến các lễ hội được tổ chức như lâu nay không được thống nhất và mỗi khi làm một kiểu. Tổng đạo diễn này phải là người có tài, có quyền, nhưng không phải chịu chế tài của một công chức nhà nước để điều tiết, tổ chức... lễ hội theo như yêu cầu và mong muốn. Tuy nhiên đến thời điểm này, vấn đề này vẫn là một dấu hỏi to tướng. Và ông Nguyễn Duy Hiền lý giải: “Thật ra nếu không có một nhìn nhận đúng đắn về lễ hội, hơn thế nữa lễ hội trong một thành phố lịch sử, một thành phố lễ hội thì chưa biết đến thời điểm nào vấn đề này không còn là dấu hỏi. Cứ nhìn sản phẩm phố đêm ở đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu thì biết. Nếu có một tổng đạo diễn cho thành phố festival thì chắc chắn rằng không thể tồn tại những sản phẩm kiểu ấy giữa một thành phố du lịch văn hóa như Huế”.
Với ước mơ của số đông người dân và du khách về một thành phố quanh năm lễ hội và không có ngày bế mạc, để thay thế cho một festival tổ chức hai năm một lần kéo dài trong 7 ngày với hàng loạt sự kiện, đêm diễn… dẫn đến sự quá tải cho những người tổ chức và bội thực cho người xem, ông Hiền vẫn bảo lưu cách nhìn khác: “Festival Huế hiện đang tổ chức kiểu như mô hình của Festival Avignon của Pháp, một liên hoan sân khấu thường niên được tổ chức tại thành phố Avignon Pháp. Festival Avignon đã tổ chức đến nay trên 60 kỳ (từ năm 1947 đến nay), diễn ra định kỳ tháng 7 trên đường phố và trong các nhà hát của Avignon, bình quân có từ trên 900 đến 1.000 buổi diễn, kéo dài cả tháng. Hay Festival Edinburg, chương trình chính thức thường vào tháng 8 (năm nay từ 9/8 đến 2/9, gần 1 tháng). Rồi Festival Adelaide Úc, tổ chức vào tháng 3, cũng hơn nửa tháng, từ 2 đến 18/3. Cả ba thành phố Avignon, Edinburg, Adelaide đều là những thành phố festival. Vấn đề ở đây là sự khéo léo trong tổ chức, chủ động trong tiếp nhận và bố trí các chương trình, còn trải ra trong năm thì lại là tính chất khác, lễ hội thì phải tập trung, chứ khi đã trải đều thì nó chỉ là một số hoạt động trong năm mà thôi, không còn mang tính tập trung cho một cao điểm”.