Người lãnh đạo có bản lĩnh, trước hết là người có ý chí và nghị lực đối với công việc. Trong bất kỳ tình hình nào, người lãnh đạo có bản lĩnh, họ cũng biểu hiện rất rõ quyết tâm và nghị lực của mình trước tập thể, đề ra kế hoạch và giải pháp tốt nhằm thực hiện bằng được mục tiêu, phương hướng đã đề ra.
Tiếp xúc với nhiều giám đốc doanh nghiệp, thủ trưởng một số cơ quan có bản lĩnh, tôi thấy họ hiểu rõ chức trách, nhiệm vụ được giao và tìm mọi cách thực hiện cho kỳ được. Trước công việc, họ dám quyết đoán, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Trong hoạt động nghiệp vụ báo chí của mình, tôi đã từng chứng kiến một người đứng đầu một cơ quan, trước một vấn đề phức tạp, đồng chí ấy không né tránh những vấn đề gai góc, không sợ mất quyền, mất chức. Trong một cuộc họp bàn về vấn đề đầu tư xây dựng một nhà máy. Chủ trì cuộc họp có đồng chí lãnh đạo tỉnh phát biểu nên ủng hộ việc đầu tư xây dựng nhà máy này. Nhiều ý kiến nói vào nhưng đồng chí ấy dám nói ra. Trước khi phát biểu ý kiến không nhất trí với việc đầu tư nhà máy có công nghệ lạc hậu, ông nói rõ, dù cấp trên có cách chức tôi, tôi cũng xin phân tích tính bất khả thi của nhà máy này. Sau khi ông phân tích, nhiều người đồng tình, nhất là cánh báo chí. Rồi thời gian qua đi, tôi thấy nhà máy kia hoạt động không hiệu quả, nhân dân ca thán. Nhìn lại sự việc ai cũng bảo đúng là người cán bộ có bản lĩnh có khác.
Gần đây, tôi lại gặp ông trong một trường hợp khác, khi nghe nhân viên, cán bộ dưới quyền nhận xét, bình phẩm về bản lĩnh của ông. Đại thể là có đơn vị cấp dưới, trong công tác nhiều nhân viên hạch sách, nhũng nhiễu nhân dân. Sự việc tồn tại khá lâu chưa thấy ai giải quyết. Thế nhưng từ khi ông được bổ nhiệm về công tác, phụ trách đơn vị ấy, không chấp nhận cán bộ cấp dưới quan liêu, nhũng nhiễu người dân, ông đã “thị sát”, nắm được vấn đề, sự việc cụ thể, ông đề xuất thay ngay cán bộ phụ trách và kiểm điểm một số cán bộ khác. Việc ông làm được báo chí kịp thời phản ảnh, nhân dân đọc báo liên tục gọi điện về đường dây nóng của tòa soạn hết lời khen ngợi, tin tưởng. Tin tưởng tòa soạn và tín nhiệm người cán bộ được báo nêu.
Mới đây, khi mà Đảng ta ban hành Nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, cán bộ, đảng viên và nhân dân rất tin tưởng và bàn thảo về những vấn đề mà Nghị quyết đề cập đến. Nội dung Nghị quyết có nhiều vấn đề đặt ra có tính thuyết phục. Thu hút sự quan tâm nhiều hơn cả là Đảng đã xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Nghị quyết xác lập cơ chế về người đứng đầu để các “đầu tàu” dám chịu trách nhiệm và được quyền giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền. Điều đáng mừng là đã có vị lãnh đạo khi đi kiểm tra hoạt động của các đơn vị thuộc lĩnh vực mình phụ trách, thấy tình hình trì trệ, thấy cán bộ cấp dưới lề mề, quan liêu, không tỏ rõ bản lĩnh trước công việc đã kịp thời thay ngay cán bộ lãnh đạo đơn vị; đề bạt và điều chuyển cán bộ mới thay thế ngay.
Người đứng đầu có bản lĩnh không chỉ dám nói, dám làm mà còn biết làm sắc sảo, tháo vát trong công việc. Trong tổ chức thực hiện, họ nắm vững công tác chính, hiểu rõ việc nào làm trước, việc nào làm sau, biết giao việc cho cán bộ theo sở trường để phát huy hiệu quả. Điều đặc biệt ở người lãnh đạo có bản lĩnh là người biết trọng dụng nhân tài, biết sử dụng tổ chức và con người một cách hoàn hảo nhất. Không chỉ vậy, họ còn có khả năng lôi cuốn, tập hợp những cán bộ tốt chung quanh mình, phát huy sở trường, sở đoản của cán bộ để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị.
Người đứng đầu có bản lĩnh, trong xử thế thường bình tĩnh, sáng suốt, luôn làm chủ được bản thân. Họ đề ra kế hoạch công tác khi đã nắm chắc và nhận định đúng tình hình, không chung chung, không phán ẩu. Người đứng đầu có bản lĩnh biết lấy “lạnh để chế nóng”, dùng “nhu hòa cương”, linh hoạt nhưng không xa rời nguyên tắc, miệng nói tay làm, do vậy họ có uy tín và sức thuyết phục tập thể.
Bản lĩnh của người đứng đầu không phải là cái quá cao siêu không thể vươn tới được nhưng cũng không phải cái dễ dàng để có. Muốn có nó phải có sự rèn luyện nghiêm túc của mỗi cá nhân kết hợp với sự bồi dưỡng, giáo dục của tổ chức, của tập thể cơ quan, đơn vị trong suốt quá trình công tác.
Xin đừng hiểu rằng bản lĩnh là phải nói trái với ý của cấp trên hoặc làm ngược với quyết định của tổ chức (Tất nhiên ý của cấp trên và quyết định của tổ chức ở đây là ý đúng đắn và quyết định chính xác). Hiểu như vậy là thô thiển, thiếu tính biện chứng.
Chiến Hữu