ClockThứ Năm, 07/05/2015 18:02

Bánh pía và câu chuyện nhận diện thương hiệu

TTH - Nếu có thể nói điều gì đấy về đặc sản này của Sóc Trăng thì ngay và luôn là mùi sầu riêng nồng nàn, rồi đến cái ngọt thôi rồi mà chiếc bánh mang lại. Tôi cũng không còn nhớ rõ ngày chạm ngõ với bánh pía. Nhưng ấn tượng ban đầu về nó thì còn mãi đến bây giờ. Nhớ cái cảm giác ngọt đến ngại ngần.

Nhưng câu chuyện về chiến lược bánh pía ở đây lại đến từ một “ngõ” khác. Đầu tiên cũng không hề để ý khi con đường mình qua vào ngày nọ chợt nhiên xuất hiện một cửa hàng bánh pía. Nghĩ đơn thuần thì cũng chỉ là việc mở rộng địa bàn, giới thiệu đặc sản mới của vùng đất hãy còn lạ với nhiều người. Nhưng lần khác, ở con đường khác, những khu phố khác trong lòng thành phố Huế mà mỗi khi ngang qua, tôi lại gặp sự quen thuộc nơi tấm bảng hiệu với màu xanh cốm, màu vàng non và đỏ của bánh pía. Ngay cả trong những cuộc xê dịch vì công việc ở các tỉnh, thành khác nhau, tôi vẫn nhận ra sự có mặt của bánh pía trên nhiều bảng hiệu. Và bánh pía cũng hiện diện ngang hàng với nhiều sản phẩm, đặc sản khác trên các biển quảng cáo ở không ít những ngả phố của thủ đô Hà Nội. 

Khi ngẫm lại, tôi cứ nghĩ, chắc hẳn cũng như mè xửng Huế hay bánh đậu xanh Hải Dương, nem Thanh Hóa, kẹo cu-đơ Hà Tĩnh… đặc sản bánh pía của Sóc Trăng sẽ bao gồm nhiều cơ sở sản xuất khác nhau. Nhưng điều gì đã làm người ta nhìn và biết ngay là bánh pía Sóc Trăng? Tất nhiên là từ sắc màu đặc trưng xanh cốm, đỏ và vàng non của bánh pía rồi.

Theo cách mà tôi nghĩ, sự thống nhất về co chữ, bảng màu và cách thức thể hiện đã mặc định về một sản phẩm có tên là bánh pía. Không hề lặng lẽ, cũng không phải là điềm đạm nhưng đó là cách mà người Sóc Trăng mở rộng thị trường một cách chiến lược ngay từ việc đầu tiên, thói quen đầu tiên đối với các “đối tác” của mình: nhận diện thương hiệu. Và trong mối tương quan mà tôi đề cập đến, họ đã thành công.

Câu chuyện này của bánh pía làm tôi cứ nghĩ hoài về mè xửng Huế. Về điều gì là chung cho một đặc sản chung của miền sông Hương núi Ngự. Định danh (mè xửng) thì tất nhiên đã thuộc về Huế, nhưng cái gì để nhận diện thương hiệu mè xửng này của Huế?

Có lẽ, bên cạnh việc hỗ trợ bằng vốn, cơ chế chính sách khuyến công, cũng nên có sự ngồi lại, bàn thảo về một nhận diện chung cho thương hiệu mè xửng Huế? Dưới thương hiệu chung ấy, sẽ là cơ hội của nhiều sản phẩm mè xửng khác nhau. Hoặc ít ra, thì các cơ sở sản xuất này cũng tự xây dựng cho mình hình ảnh và tính thống nhất trong việc nhận diện thương hiệu trên nền tảng chung là định danh mè xửng Huế?

Câu chuyện nhận diện thương hiệu không phải là điều gì quá mới mẻ nhưng không phải là điều mà nhà sản xuất/người sản xuất nào cũng quan tâm đầu tiên, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở thủ công truyền thống. Mà đâu chỉ trong một sản phẩm, còn bao nhiêu sản phẩm của các DN, cơ sở, đơn vị khác, trên nhiều phương diện hoạt động khác cũng cần chú ý và có chiến lược nhiều hơn cho việc nhận diện thương hiệu, trước khi (hoặc ít nhất) mở những đợt tuyên truyền, khuyến mãi và quảng cáo rầm rộ…

Bình Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top