Cái khó và tính không ăn chắc, thậm chí có thể trắng tay của nghề nông là điều không lạ. Không phải ngẫu nhiên mà dân gian ta có câu “Ai ơi nên nhớ lấy lời/ Trông cơ trời đất, liệu thời làm ăn”. Và hình như như thế vẫn chưa đủ nên lại tiếp có lời rằng “Làm ruộng có năm, nuôi tằm có lứa”. Gốc gác từ nông dân mà ra tôi hiểu. Từ khi gieo mạ đến lúc hạt lúa vào chồ, với nhà nông là ngổn ngang bao mối lo toan. Ví vụ lúa đông xuân, đầu mùa là rét lạnh kéo rê, là mưa rơi dầm dề khiến đồng lúa ngập lai láng gây phiền, gây khó cho khâu gieo mạ hay làm đất. Đến khi cây mạ xuống đồng là chuyện nước tưới, sâu bệnh hay như mấy thứ lốc xoáy kia không mời mà tới. Còn nữa, từ nay đến khi thu hoạch là bao điều tai ương khó ai lường hết, không khéo là cái tình thế dở khóc, dở cười theo kiểu “trời cho chộ mà không cho ăn”, xót lắm.
Nhìn lại công việc trồng lúa của nhà nông, chỉ tính sơ sơ từ ngày giải phóng đến nay đã thấy có nhiều đổi thay mang tính cách mạng, từ giống lúa, phân bón đến việc áp dụng cơ giới hóa mà ấn tượng nhất là sự xuất hiện của các loại máy gặt đập liên hợp. Tư duy và cách tổ chức mùa vụ cũng thay đổi nhiều lắm, nhằm luồn lách, phòng tránh những tác hại do thời tiết khí hậu gây nên. Vậy nhưng, cũng tựa như mấy thứ bệnh gia cầm, chưa hết dịch bệnh này lại tòi ra thứ dịch bệnh mới. Ông Hồ Xuân Hùng, một chuyên gia nông nghiệp hàng đầu ở nước ta mới đây đã khẳng định như đinh đóng cột, trong sản xuất nông nghiệp vẫn luôn tồn tại hai mâu thuẫn lớn: thứ nhất, rủi ro cao và hiệu quả thấp; thứ hai, sản xuất phân tán với thị trường lớn. Rủi ro là chuyện muôn thuở của nghề nông, trong đó có nghề trồng lúa.
Trở lại với câu chuyện lốc xoáy gây hại lúa đông xuân ở tỉnh ta. Đó được xem là yếu tố rủi ro, vậy nhưng không phải là hiếm hoi. Cũng là lệ thường lâu nay khi gặp thiên tai, lại nghe “kêu”, nông dân kêu, chính quyền cơ sở cũng kêu. Lý do chính đáng và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng là rất cần thiết, nhưng căn cơ của vấn đề rõ ràng không được giải quyết. Tại sao không tính đến chuyện lâu dài, thể hiện đầu tư sòng phẳng như việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp chẳng hạn khi mà được biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Suy cho cùng, thiệt hại do yếu tố thiên tai rủi ro gây ra, gánh chịu vẫn là những nông dân trực tiếp đầu tư và sản xuất. Có thể, do nhận thức và xót của khi phải bỏ ra một khoản tiền để mua phí bảo hiểm nên nông dân không mặn mà. Cũng có thể, do bài toán kinh tế còn gặp khó, các doanh nghiệp chưa muốn nhảy vào. Vậy nhưng, nếu có quyết tâm và sự tính toán hợp lý, thì việc thực hiện bảo hiểm cho cây lúa là khả thi. Chưa có được diện rộng thì làm diện hẹp, rồi như vết dầu loang, cái gì tốt và hợp lý sẽ đi vào cuộc sống.