Thứ Năm, 28/11/2013 05:50
(GMT+7)
Bắt đầu từ một giai thoại
TTH - Một khu lăng mộ đã được triều Nguyễn xây dựng bề thế, tôn nghiêm ngay tại chính địa điểm xưa. Nó nằm ngay trên con đường từ Huế lên cầu Tuần, tọa lạc trên một đồi cao, lưng tựa núi, trước mặt có sông Hương, hai bên có núi chầu làm thế “tay ngai” (tả long hữu hổ). Khu vực tẩm (nơi chôn chiếc sọ của ngài Nguyễn Phúc Luân) được bao bọc bởi tường thành, quy mô hoành tráng với nhiều công trình nhưng phần lớn đã bị hủy hoại, chỉ còn lại khu vực chính, nơi có nấm mồ hình vuông, 3 tầng chôn sọ bậc tiền nhân Nguyễn Phúc Luân. Điều đáng nói là bên hông lăng mộ cổ kính kia có một ngôi miếu cổ, ẩn mình dưới mấy gốc đại thụ. Tương truyền, đó là miếu thờ ngư dân Nguyễn Ngọc Huyên được vua Gia Long phá lệ cho xây cất ngay trong khuôn viên của khu lăng mộ phụ thân ông, như biểu tượng cho nghĩa cử trung nghĩa của một kẻ hạ dân.
Huế nổi tiếng với bao lăng tẩm đền đài của một thời vua chúa. Lăng của thân phụ vua Gia Long không được nhắc đến trong hành trình của nhiều kẻ từ phương xa đến Huế khám phá chốn xưa. Vậy nhưng, trong tâm trí của bao người, số phận của những con người ở đây với những giai thoại của nó vẫn là một cái gì đó hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của bao người. Lạ thay, như một sự sắp đặt của người xưa, nó nằm ngay cái vị thế qua về đều bắt gặp. Triều đình nhà Nguyễn đã đặt tên cho khu lăng mộ này là Cơ Thánh. Chữ “Cơ” được Quốc sử triều Nguyễn giải thích rằng, là nền tảng và “Thánh” là đạo đức, thánh thiện. Còn với dân gian thì đó “lăng sọ”, một cái tên gợi nên cảm giác chết chóc và ma mị, nhưng lại gần gũi, thân thương đến lạ lùng. Thế rồi, người đời như cố tình quên đi tên gọi thánh hiền để cứ nôm na trong câu chuyện hằng ngày về một lăng Sọ ở Huế.
Nằm ở ven đường, lăng Sọ giờ đây không phải là nơi được canh giữ để đón khách. Chỉ có dăm kẻ qua đường như tôi, vào một buổi sáng đông nắng ấm, nhớ lại huyền thoại xưa mang nhiều ý nghĩa, tò mò ghé lại như muốn trải nghiệm lại câu chuyện của hơn 200 năm về trước. Giữa vùng sông nước núi đồi hoang sơ, thiếu sự chăm chút của người đời, lăng Sọ càng trở nên hiu quạnh và bí hiểm như thân phận của kẻ nằm dưới mộ sâu kia. Có thể nói, sinh thời Nguyễn Phúc Luân là kẻ gặp nhiều bất hạnh. Ngôi Chúa sau khi Võ vương Nguyễn Phúc Khoát qua đời lẽ ra đã thuộc về ông. Thế nhưng, quyền thần bấy giờ là Trương Phúc Loan lộng quyền sửa đổi di chiếu đã giam Nguyễn Phúc Luân vào ngục và lập người em Nguyễn Phúc Thuần còn nhỏ tuổi lên ngôi để dễ bề thao túng. Nguyễn Phúc Luân đã chết vì lo buồn và bạo bệnh khi tuổi đời chỉ mới 33.
Cái buổi sáng tần ngần bên trong khu lăng Sọ, nghĩ đến câu chuyện xưa, tôi đã cảm thấy tiếc cho điểm đến của di tích Huế gần như bị bỏ quên. Có thể thân phận con người nằm dưới đáy mộ không có nhiều chiến công hiển hách, nhưng những câu chuyện xung quanh bàng bạc lại gợi cho bao người sự tò mò và trải nghiệm. Lăng Sọ không giống cái mô típ thường thấy của lăng tẩm đã tạo nên một nét Huế của một thời đế vương, nhưng là một sự bổ sung tuyệt vời, làm phong phú thêm gia tài văn hóa lịch sử vốn là niềm tự hào kia của cố đô. Và khéo khen thay người xưa đã tạo nên câu chuyện về chiếc sọ người và hình ảnh một con người làm nghề đánh cá bình thường ven sông trung nghĩa, để cho bao kẻ hậu thế đến thăm hôm nay có dịp ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm lại những giá trị sâu xa của lịch sử và của đạo lý con người…
Đình Nam