ClockThứ Năm, 11/09/2014 09:08

Bờ phải mạnh

TTH - Hai mươi âu thuyền hiện có trên toàn tỉnh chỉ đáp ứng được việc trú bão cho hơn một nửa trong tổng số 2.000 tàu thuyền đánh cá. Đó là một trong những mối lo của ngư dân trước mỗi mùa mưa bão.

Thực trạng các âu thuyền hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm an toàn diễn ra ở hầu hết các xã biển và đầm phá, từ Phú Vang, Quảng Điền đến Phú Lộc. Câu chuyện này cũng đã được đánh động nhiều, trong khi mỗi mùa bão qua, các âu thuyền lại thêm xuống cấp. Ra biển khó nhọc, thắc thỏm đã đành, những con thuyền đánh cá khi đã vô bờ, lại thêm một lần gặp khó. Và đau lòng hơn, bởi luồng lạch ở bờ chưa thông, đã có trường hợp lật thuyền, ngư dân bỏ mạng khi thuyền vô bờ chỉ còn cách nhà mấy chục sải tay.

Với như dân, họ chẳng mấy khi vào bờ, trừ khi giông bão và mấy ngày Tết. Ăn tết xong là làm lễ ra quân đánh cá vụ Nam, rồi vụ Bắc. Mỗi chuyến biển của ngư dân được ví như người lính ra trận, bởi bao rủi ro phía trước. Trên vai họ, sau lưng họ là bờ, là gia đình. 

Những ngày vừa qua, khi chủ quyền Tổ quốc trên biển bị xâm phạm, hình ảnh ngư dân lại hiện lên dũng mãnh, kiên cường. Khi ấy, trên vai họ không chỉ có gia đình, mà lớn hơn là Tổ quốc.

Chính phủ cũng đã có một định hướng lớn cho phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền đất nước. Rất nhiều tỷ đồng sẽ được dành để đóng tàu sắt. Rất nhiều công sức được đầu tư để đưa điện, nước đến với nhân dân vùng biển đảo… Kể cả những chính sách ưu đãi cụ thể cho con em ngư dân…

Cách đây chừng 15 năm, từng có một thực tế, ngư dân được mùa cá ngừ đại dương nhưng bị ép giá, không có nơi tiêu thụ. Một doanh nghiệp thủy sản hợp đồng mua nhưng phút chót lại hạ giá. Tàu đã vô bờ, cá đầy khoang nhưng bán được lại khó khăn đến thế.

Được mùa thì mừng nhưng với ngư dân, được mùa cá lại thêm nỗi lo khó tiêu thụ, phải bán đổ bán tháo, như người nông dân, từng phải nhổ bỏ những vườn rau, những nương cà chua khi chín rộ đúng vụ.  

Có những năm được mùa, cá đầy bến, tiếc của bán rẻ, cá được làm mắm nhưng người dân lại không biết kỹ thuật chế biến như thế nào để bảo quản nước mắm được lâu hơn. Người viết bài này có một đồng nghiệp ở biển. Mỗi lần thuyền xa bờ của cha vô bến, chị lại lên mạng, nhắn tin cho bạn bè để bán giúp cha vài cân mực, ít cân cá ngon… Đầu tư tiền tỷ để xa bờ nhưng đầu ra cho con cá lại bấp bênh, nhỏ lẻ.

Khi các chuyên gia Nhật Bản đến Bình Định, dạy cho ngư dân ta kỹ thuật đánh bắt, chế biến để cho chất lượng cá ngừ ngon hơn, giá trị tăng cao hơn gấp hàng chục lần, có thể xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật, mới hay, nền thủy sản của ta đang hổng từ bờ. Ngư dân đang tự bơi giữa biển bởi chưa có gắn kết bền chặt từ bờ về bao tiêu sản phẩm, định hướng thị trường, hỗ trợ kỹ thuật đánh bắt - chế biến tiên tiến…

Việt Nam là nước có rừng vàng, biển bạc. Kinh tế biển trở thành chiến lược quốc gia. Nhưng muốn biển mạnh thì bờ phải mạnh. Ít nhất, ở mỗi địa phương có biển, trước hết phải hoàn thiện được hệ thống âu thuyền bảo đảm an toàn cho ngư dân, là gia sản, là tiềm lực của đất nước trong mùa bão.

Người viết cũng muốn kể một câu chuyện khác ở Nhật. Cách đây chừng vài tháng, một con cá ngừ đại dương vây xanh nặng 269kg đã được mua với giá kỷ lục 54,49 triệu yên (gần 15 tỉ đồng VN) trong phiên đấu giá ở khu chợ cá Tsukiji tại Thủ đô Tokyo. Người thắng trong buổi đấu giá ấy là chủ nhân của một chuỗi nhà hàng, đã mua con cá để cổ vũ cho đất nước. Điều đó cho thấy nhận thức sâu sắc của người Nhật vể vai trò của biển cả.

Nhật Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top