ClockThứ Năm, 04/10/2012 05:26

Cán bộ và công tác tổ chức cán bộ

TTH - Đầu năm 2012, đến dự Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong toàn bộ hệ thống các cơ quan làm công tác tham mưu cho Đảng, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan tổ chức các cấp có vị trí đặc biệt quan trọng, vừa là cơ quan tham mưu, vừa là cơ quan trực tiếp tác chiến về công tác tổ chức, xây dựng Đảng. Nếu nói xây dựng Đảng là then chốt thì công tác tổ chức cán bộ là “then chốt của then chốt”.

Một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng Đảng là xây dựng về tổ chức và xây dựng về con người. Về tổ chức cần đề cập đến nguyên tắc tổ chức, cơ cấu tổ chức, lề lối làm việc; sự phân công và phối hợp trong mỗi tổ chức cũng như giữa các tổ chức trong một hệ thống. Đề cập đến cán bộ là nói đến công tác đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Công tác cán bộ là công tác về con người nên rất nhạy cảm và hệ trọng. Người ta thường nói, cán bộ như thế nào thì phong trào như thế đó. Trong từng cơ quan, đơn vị, khi công tác cán bộ được quan tâm đúng mức, khoa học, bố trí sắp xếp cán bộ đúng người, đúng việc thì sự vận hành công tác đạt hiệu quả cao, cơ quan ổn định, vững mạnh. Ngược lại, khi công tác tổ chức cán bộ chưa được coi trọng, việc bố trí, sắp xếp cán bộ theo cảm tính, theo tình, theo “gu” thì bộ máy cơ quan vận hành yếu, hiệu quả công việc không cao, không phát huy được năng lực của đội ngũ cán bộ, thậm chí tạo không khí ì ạch, trì trệ...

Hơn lúc nào hết, công tác tổ chức cán bộ đang đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn giỏi, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao mà đòi hỏi dũng khí, tinh thần gương mẫu của từng cơ quan, đơn vị, đội ngũ những người làm công tác tổ chức cán bộ. Trong công tác tổ chức cán bộ, cần quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị. Để chọn đúng, trúng cán bộ cần hướng vào tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; có đề án quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ cho từng cơ quan, ngành, hệ thống chính trị một cách khoa học, bài bản cho cả trước mắt và kế hoạch lâu dài.

Về công tác tổ chức cán bộ, cần đề phòng và đấu tranh với hiện tượng vượt quyền của người đứng đầu. Sắp xếp và luân chuyển cán bộ theo sở thích, cảm tính, nguy hại hơn là vì động cơ cá nhân. Điều này trong thực tế đã diễn ra, không chỉ làm bất bình trong cơ quan, đơn vị mà tạo dư luận xấu ngoài xã hội. Có sở, có ngành luân chuyển cán bộ xoành xoạch. Một năm luân chuyển 15-20 cán bộ chủ chốt không mang tính kế hoạch mà nặng về sự “đột xuất”, gây xáo trộn đội ngũ cán bộ. Bản thân cán bộ được điều chuyển không thông, “quá bất ngờ” mà tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ cũng không đồng tình. Biểu hiện đó không loại trừ hiện tượng trù dập cán bộ hoặc sắp xếp lại cán bộ do không nằm trong “ekip” hay chưa đúng ý của “sếp”; thậm chí do có góp ý, phê bình “sếp”.

Khi điều chuyển, phân công cán bộ cần đặt ra câu hỏi cơ quan, ngành đó cần loại cán bộ nào? Trình độ chuyên môn ra sao? Cán bộ được điều chuyển đến cơ quan mới có đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất và trách nhiệm phù hợp với môi trường mới hay không?

Sự tương thích giữa cán bộ và nhiệm sở hay nói cách khác cán bộ và môi trường công tác phù hợp sẽ là cơ hội để cán bộ phát huy sở trưởng, sở đoản của mình để điều hành bộ máy hoạt động có hiệu quả cao, cơ quan có điều kiện hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình.

Chúng ta không thiếu cán bộ giỏi. Vấn đề là phải có sự đồng bộ từ nhận thức, thái độ đến cơ chế chính sách trong phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Trọng thị, trọng dụng, trọng đãi cán bộ là ba khâu có mối quan hệ chặt chẽ trong công tác cán bộ. Trọng dụng là biểu hiện cụ thể của trọng thị, và là động lực quan trọng để thu hút cán bộ giỏi. Trọng đãi là sự trả công xứng đáng cho những đóng góp của cán bộ.

Người cán bộ có năng lực, trước hết với công việc họ muốn cống hiến. Do vậy, cần quan tâm đến điều kiện làm việc, quyền tự chủ trong lĩnh vực hoạt động, và có cuộc sống ổn định.

Đã đến lúc cần có một chiến lược cán bộ đúng đắn nhất trong tổng thể chiến lược con người nhằm góp phần thực hiện tốt một trong ba vấn đề cấp bách mà Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) đề ra là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Chiến Hữu-Văn Chính

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top