Với Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị (NTB ĐPT) và Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng (TT LBĐ) ở TP Huế thì đến thời điểm hiện nay, không có địa phương nào có không gian nghệ thuật do nhà nước bảo trợ như thế. Hai không gian nghệ thuật này đều nằm ở những vị trí, kiến trúc đẹp, diện tích khá rộng, có thể xem như khu đất vàng của thành phố. Điều này cho thấy tỉnh đã trân trọng, ưu ái với nhân tài ngành mỹ thuật.
|
Khai mạc triển lãm Văn tế thập loại chúng sinh của Tô Bích Hải tại Nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị (Festival Huế 2012)
|
Sự xuất hiện hai NTB ĐPT và TT LBĐ tại Huế đã làm giàu có thêm sự hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của công chúng Cố đô. Tiếc thay, do cơ chế quản lý không đồng nhất, đội ngũ lại thiếu chuyên môn nên sự kỳ vọng mà công chúng và giới nghệ sĩ trông đợi tại hai không gian nghệ thuật này đã không như mong muốn.
Hợp nhất bộ máy
Dù tên gọi có khác nhau, nhưng tính chất tương tự và cùng một cơ quan chủ quản nên theo chúng tôi những gì được nêu ra trong bài Cần cơ chế cho Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị (Báo TTH Cuối tuần, số 771) là đúng. Những đề xuất nêu ra cần phải giải quyết rốt ráo để tái lập sự công bằng và nhất quán.
Nếu so sánh về nhân lực một bên có 6 người hưởng lương nhà nước (NTB ĐPT) và một bên là 15 người (TT LBĐ) trong đó có 5 người hưởng lương và 10 người hợp đồng, nhưng thực chất gần như tiền lương là từ ngân sách nhà nước trích từ tiền hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ. Theo bà Đinh Thị Hoài Trai, Phó Giám đốc phụ trách TT LBĐ thì nguồn thu từ bán vé năm 2013 chỉ là 60 triệu đồng. Bà Lê Cẩm Tế, nguyên Giám đốc TT LBĐ cũng xác nhận nguồn thu từ bán đồ lưu niệm quà tặng phát triển từ tác phẩm Lê Bá Đảng năm 2013 chỉ hơn 10 triệu đồng (Đây là tiền trích lại 30% theo thỏa thuận giữa Công ty Tư vấn thiết kế và trang trí nội thất - Mỹ Cư với TT LBĐ). Chưa kể TT LBĐ có 2 họa sĩ và 3 phiên dịch/hướng dẫn viên trong khi NTB ĐPT lại không có. Nhưng một câu hỏi đặt ra, liệu sau khi có cơ chế mới cho NTB ĐPT thì tình hình hoạt động mỹ thuật tại đây có được cải thiện hay lại phình thêm bộ máy?. Đó là điều đáng lo ngại nhất. Nhìn hoạt động và bộ máy cồng kềnh tại TT LBĐ, điều lo ngại trên là không thừa. Vậy nên chăng cơ quan chủ quản cần tính đến sự hợp nhất bộ máy tại hai không gian nghệ thuật này thành một ban điều hành. Điều này vừa nhất quán trong quản lý, linh hoạt trong điều hành, và có thể tinh gọn đội ngũ, giảm chi ngân sách.
Nhân sự phải có chuyên môn
Để hai không gian văn hóa này phát huy hiệu quả và năng động, sáng tạo, Sở Văn hóa-TT&DL là cơ quan chủ quản có quyền yêu cầu hai trung tâm phải có đề án hoạt động chi tiết trong từng năm và tầm nhìn nhiều năm. Nhân sự ở đây phải có người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác hoặc là nhà phê bình mỹ thuật. Ngoài chức năng bảo quản, trưng bày tác phẩm nên có hoạt động triển lãm, hội thảo chuyên đề trong năm. Tùy loại hình, ngôn ngữ phù hợp với tiêu chí, tính chất… mà hai cơ sở này mời gọi các nghệ sĩ đến mở triển lãm. Chắc chắn nghệ sĩ nào được triển lãm ở hai không gian này sẽ rất vinh dự và tự hào vì trưng bày trong không gian sang trọng, đẹp và uy tín toàn cầu của nhà điêu khắc ĐPT và họa sĩ LBĐ. Tất nhiên không phải ai nộp hồ sơ đều được triển lãm mà còn phụ thuộc vào chất lượng chuyên môn và tính mới của tác phẩm, vì thế cần tham khảo ý kiến Hội đồng nghệ thuật của tỉnh hoặc mời chuyên gia thẩm định riêng.
Để kéo công chúng đến với hai không gian nghệ thuật này, những người điều hành ở đây cũng có những sinh hoạt sáng tạo kết hợp giữa nói chuyện chuyên đề với tiệc tự chọn - buffet. Người tham dự phải trả phí khi tham dự. Hoạt động này có thể đặt tên là “Ngày ĐPT”, “Ngày LBĐ” chẳng hạn. Tên gọi có thể bàn bạc kỹ, nhưng cốt lõi là kéo những trí thức, giới trung lưu, những người yêu nghệ thuật đến tham dự tiệc, nghe thuyết trình về một chủ đề hoặc chất liệu gì đó của ĐPT và LBĐ. Điều này cũng thường tình như xem biểu diễn ca nhạc, đọc một cuốn sách cũng phải trả tiền vậy. Vấn đề là dịch vụ phải thật chu đáo, hoàn hảo. Sinh hoạt này không có gì mới đối với các bảo tàng trên thế giới, chỉ có điều là ta vận dụng làm sao cho phù hợp với hai không gian văn hóa này. Ngoài ra, để hoạt động thực chất và thường xuyên, NTB ĐPT cũng nên phối hợp khoa Điêu khắc, TT LBĐ với khoa Hội họa và bộ môn Đồ họa tạo hình (Trường đại học Nghệ thuật Huế) cùng nhau tổ chức các hoạt động chuyên môn sâu và tạo không gian cho sinh viên nghiên cứu, học tập...
Cơ quan chức năng và Phân hội Mỹ thuật TTH có thể mạnh dạn tổ chức một Festival Mỹ thuật trong các kỳ Festival Huế, lấy TT LBĐ, NTB ĐPT, TT văn hóa Phương Nam - Làng Nghề Huế, trụ sở Văn phòng Hội VHNT và đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu làm nơi trưng bày triển lãm, hội thảo.
Về tổng thể, chúng ta không chỉ đòi hỏi sự thống nhất trong cơ chế quản lý giữa NTB ĐPT và TT LBĐ mà còn mong muốn một cơ chế quản lý năng động và linh hoạt của các cơ quan hữu quan. Theo đó đơn vị, tổ chức nào có đề án cụ thể và hoạt động hiệu quả thì được hỗ trợ kinh phí không phân biệt công - tư, miễn là đem lại lợi ích cho cộng đồng.