Đồi núi chiếm hơn 3/4 diện tích tự nhiên; phần lớn dân số tập trung ở nông thôn nhưng số lượng đàn trâu bò lại giảm qua các năm. Có lẽ, đây cũng là điều cần được thảo luận, trao đổi ở các hội nghị, toạ đàm chuyên đề.
Tổng đàn trâu giảm 8,52%, đàn bò giảm 1,48% và tổng đàn lợn giảm 13,5%, trong đó lợn thịt giảm 17,7% là con số được đưa ra tại kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2013 vừa qua. Cũng trong năm 2013, sản lượng thịt trâu hơi đạt trên dưới 920 tấn, giảm 5,6%; thịt bò hơi 966 tấn, giảm 4,6%; sản lượng lớn hơi đạt 19.184 tấn. Thịt, trứng làm ra chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu của địa phương. Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, chỉ tính riêng trong năm 2013 đã có 10.879 con trâu bò, 183.912 con heo, 716.219 con gia cầm thịt và hơn 1.000 tấn sản phẩm gia cầm đông lạnh, 46,8 triệu quả trứng gia cầm để giết mổ, tiêu thụ trên toàn địa bàn tỉnh.
Không hẳn là do bệnh dịch hay ảnh hưởng quá lớn của bệnh dịch khi công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đã được chỉ đạo và triển khai khá tốt từ tỉnh đến cơ sở, nguyên nhân cơ bản được xác định số lượng đàn trâu bò liên tục giảm qua các năm là do diện tích đồng cỏ bị thu hẹp dần. Trong khi đó, các vùng gò đồi lại được khai hoang để trồng trọt. Giá thức ăn tăng cao nhưng giá thịt heo hơi lại giảm.
Tăng hay giảm một loại sản phẩm nào đó dĩ nhiên đều phụ thuộc vào quy luật thị trường. Tuy nhiên, để làm chủ và điều tiết được thị trường mới là điều cần có sự tham gia của nhà nước với các quyết sách, kế hoạch (ngắn và dài hạn) với những cơ chế hợp lý. Điều này lại trở nên cần thiết khi tình trạng mất cân đối đã được cảnh báo là quá lớn đang xảy ra trên địa bàn theo thẩm tra của Ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh. Điều cần ở đây không chỉ là một giải pháp hữu hiệu, một nguồn lực đủ để tăng khả năng đầu tư gầy dựng và tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm, nhất là khi chúng ta hoàn toàn có khả năng điều phối nếu biết tận dụng những lợi thế về diện tích đồng cỏ hay các chế phẩm từ rơm rạ và các loại cây lương thực khác để phát triển chăn nuôi (toàn tỉnh có 52.982 ha lúa và sau mỗi vụ mùa, đa số bà con nông dân vẫn phải đốt đồng để giải quyết lượng rơm rạ không được sử dụng).
Tình trạng thấy lợi trước mắt mà quên luôn cái lợi lâu dài, cộng với những giá trị tăng thêm của các sản phẩm trong sự phát triển bền vững cũng là một thực tế đang diễn ra ở hầu khắp các vùng nông thôn, trong đó Thừa Thiên Huế cũng không phải là ngoại lệ. Điều này một phần là do nội lực của người dân còn mỏng, công tác quy hoạch chưa rốt ráo; việc “kích hoạt” sự thay đổi của người dân trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là đại gia súc chưa thực sự có những giải pháp khả thi. Ngay cả việc làm thế nào để thay đổi tư duy trong phát triển chăn nuôi với những cách làm mới, hay, hiệu quả thấy rõ... cũng chưa nhiều, nếu không nói là chưa rõ.
Tất cả những điều này cho thấy, để thay đổi được vài chỉ số trong việc phát triển đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn là không dễ. Nó đòi hỏi một sự tăng tốc không chỉ gấp đôi để hạn chế dần việc sản phẩm làm ra mới chỉ đáp ứng được gần một nửa nhu cầu của người dân trên địa bàn mà còn phải có hẳn một sự chuẩn bị vận động dài hơi, trên nhiều khía cạnh nguồn lực, quy hoạch, con người từ phía chính quyền lẫn người dân nữa.