|
Sinh viên tham gia toạ đàm "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo" do Bộ Y tế phối hợp với Trường đại học Y Dược Huế tổ chức. Ảnh: Ngọc Hà
|
Thực tế hiển nhiên là nguồn nhân lực chất lượng cao - kể cả những lĩnh vực ngoài y tế - sẽ tìm đến nơi mà họ biết rằng mình sẽ có môi trường làm việc tốt, được học hỏi và có cơ hội học hỏi để nâng cao tay nghề dựa trên nguyên lý chung: có mức thu nhập tương xứng để ổn định cuộc sống, gia đình. Mặt khác cũng phải nhìn nhận là đối với các cơ sở y tế lớn đang có ở Huế, không phải ai cũng hội đủ điều kiện và có cơ hội về một vị trí việc làm khi đội ngũ ở đây đã đầy, phần lớn lại là những người nhiều trải nghiệm, có chuyên môn cao và được bệnh nhân tin cậy. Hơn nữa, sự thay thế chậm rãi hơn rất nhiều so với đội ngũ sinh viên tốt nghiệp trường y hàng năm (riêng sinh viên có hộ khẩu ở Thừa Thiên Huế đã vào khoảng 250 -300 người). Thế nên, thay vì “chảy máu”, có người đã dùng từ “xuất khẩu” nguồn nhân lực cho hoạt động y tế nội địa. Mặc dù theo quan điểm cá nhân, tôi vẫn cho rằng, cả hai động từ này đều mang lại tổn thương. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta đã làm gì để giữ được nhân lực chất lượng cao trong từng lĩnh vực hoạt động và tạo mọi điều kiện để họ đóng góp phần mình vào sự phát triển?
Tuy nhiên, điều mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là sự tổn thương có thể trông thấy được về nguồn nhân lực là bác sĩ cho các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh (ngoại trừ Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế), bao gồm 10 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 9 trung tâm y tế tuyến huyện. Theo Sở Y tế, tính đến tháng 8/2015, có 627 bác sĩ thuộc biên chế của tỉnh, trong đó các cơ sở tuyến xã có 158 bác sĩ, còn lại là đang công tác tại các trung tâm y tế huyện, xã. Theo định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước (Thông tư số 08 ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ) thì nguồn nhân lực này là đủ, nhưng tính theo hiệu suất công việc và số người bệnh đã vượt ngưỡng 130% thì số bác sĩ/giường bệnh đã ở mức báo động, nghĩa là cơ cấu nguồn nhân lực trên thực tế đã không còn phù hợp nữa.
Nguồn nhân lực vàng – từ được những người trong ngành dùng để chỉ những bác sĩ lâu năm, nhiều kinh nghiệm - đang bắt đầu hao khuyết khi đội ngũ này đến tuổi về hưu và cần một đội ngũ nhân lực mới để thay thế. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Y tế thì mỗi năm, chỉ tuyến được khoảng 10% bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy. Chẳng hạn như đợt vừa rồi, nhu cầu của các đơn vị y tế cần tuyển là 30 bác sĩ nhưng cũng chỉ tuyển mới được 3 người, trong khi chỉ riêng Bệnh viện TP Huế đã có 10 người nghỉ hưu trong năm 2014. Phong Điền, Quảng Điền 10 năm trở lại đây không có bác sĩ mới. Để bù lấp cho khoảng trống này, nhất là ở tuyến y tế cơ sở, ngoài việc bổ sung và chờ nguồn sinh viên đào tạo theo địa chỉ, ngành chủ quản đã phải tính đến việc bổ sung và chờ thêm nguồn từ đào tạo cử tuyển.
Thông tin liên quan khác là Trung tâm Bảo trợ xã hội (thuộc Sở Lao động và Thương binh xã hội) hiện cần đội ngũ là 270 cán bộ, bác sĩ nhưng hiện chỉ có 70 người đang làm việc tại đây và nhiều năm rồi không tuyển được thêm.
Rõ ràng là đang có một sự tổn thương trong nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực trong đội ngũ y bác sĩ từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Ở đây, chúng tôi không trở lại với nguyên nhân đã được đề cập ở phần đầu mà chỉ muốn đặt lại vấn đề rằng, nếu không đảm bảo chính sách, môi trường làm việc và cơ hội để học hỏi, nâng cao nghiệp vụ thì sự tổn thương này sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn ở một nơi vốn được gọi là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực y tế. Kéo theo sự tổn thương này sẽ là những hệ lụy khác về sự tin cậy trong khám và chữa bệnh, về chăm sóc sức khỏe ban đầu, cả về phòng chống dịch và sự quá tải cục bộ ở các bệnh viện đầu tuyến...