ClockThứ Năm, 19/12/2013 06:13

Chi quản lý & quản lý chi

TTH - Năm 2013, tổng nguồn vốn đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là 609.551 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương là 201.772 triệu đồng. Phần còn lại là ngân sách địa phương bổ sung và các nguồn vốn lồng khép khác. Dù nguồn vốn của chương trình từ phía trung ương hỗ trợ có tỷ lệ thấp và năm sau giảm hơn năm trước, đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực nhiều hơn nhưng hiệu quả và tác động tích cực từ các chương trình này nói chung đã góp phần vào sự phát triển chung, nhất là về an sinh xã hội trên địa bàn.

Tạo thêm kỹ năng nghề, góp phần vào mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cũng như góp phần vào các lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; thúc đẩy chương trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi bên cạnh các chương trình y tế cộng đồng khác là những tác động tích cực mà các chương trình MTQG đã đạt được trong năm 2013. Có thể nhận diện điều này ở tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 52%; 11.950 lao động có việc làm mới; tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 6,5%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đạt 98%...

Bên cạnh những hiệu ứng tích cực, còn không ít những tồn tại, bất cập khi vận hành các chương trình MTQG trên địa bàn, cho dù điều này đến từ cơ chế quản lý mang tính vĩ mô và nó không chỉ diễn ra trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Sự chồng chéo của chương trình trong quá trình triển khai thực hiện là một thực tế, chẳng hạn như một số tiêu chí, hạng mục của chương trình giảm nghèo bền vững “va” với chương trình xây dựng nông thôn mới và với chương trình việc làm và dạy nghề... Để giải quyết được sự chồng chéo này và mang lại hiệu quả tốt hơn, cần phải có một sự rà soát và điều chỉnh ở tầm quốc gia. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư cho hay, việc lãng phí các nguồn chi quản lý khi thực hiện các chương trình MTQG này cũng là vấn đề cần phải được nhận diện. 5% mức chi cho mỗi chương trình hẳn không phải là quá lớn nhưng nó sẽ là một con số lớn nếu tổng hợp lại từ nhiều chương trình khác nhau và trong đó còn có nhiều gói dự án khác nhau. Vấn đề khác nữa là nhiều chương trình, dự án quá nhỏ với nguồn vốn trên dưới 1 tỷ đồng nhưng vẫn buộc phải có hệ thống ban quản lý, chỉ đạo theo dõi, giám sát. Đấy là chưa kể những yêu cầu cần phải được thực hiện khác như khảo sát đánh giá, tập huấn, tăng cường năng lực, kỹ năng, khánh thành, bàn giao... Theo ông Nguyễn Quang Cường, nếu đưa nguồn vốn đầu tư này vào nhiệm vụ của ngành, của địa phương thì sẽ giảm được chi phí khi bộ máy vận hành, theo dõi sẽ được rút gọn lại.

Trong một vấn đề khác, việc trên địa bàn tỉnh có hơn 25.000 thẻ bảo hiểm y tế bị cấp trùng cho các đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số... đã được xác định nguyên nhân là do sự vận hành độc lập giữa nhiều đơn vị như phòng LĐTB&XH, quân đội, trường học; việc mua, cấp thẻ cũng thực hiện ở các thời điểm khác nhau dẫn đến có đối tượng được lập danh sách nhiều lần (hiện đã và đang tiếp tục được xử lý, giải quyết) nhưng cũng phải thừa nhận là, cán bộ ở cơ sở còn nghĩ đến chi phí được hưởng trong quá trình làm thẻ và đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự lãng phí ngân sách nhà nước.

Thế nên, việc đổi mới cơ chế quản lý và giám sát trong chi quản lý hẳn sẽ tạo nên những hiệu ứng tích cực hơn, trên cả diện rộng khi điều chỉnh, thu gọn và giám sát được nguồn chi, như một cách quản lý chi vậy.

Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top