ClockThứ Năm, 30/05/2013 05:22

Chiều Ngọ Môn

TTH - Ngày càng có nhiều người đến với khoảng không gian đặc biệt với Kỳ Đài Huế là điểm nhấn và được giới hạn bởi một bên là tường thành và phía bên kia là con đường 23/8 rợp bóng cây xanh. Với khách du lịch và nhiều người, đó là nơi dừng trước khi đi vào cổng Ngọ Môn, còn có nghĩa đen là “cổng giữa trưa” hay “cổng xoay về hướng ngọ” dành cho vua chúa xưa kia, để tham quan Hoàng Thành Huế. Còn nữa với không ít người, đó còn là điểm đến, điểm vui và là nơi thư giãn lý tưởng, đặc biệt vào những ngày hè cả khi ban trưa nắng gắt cũng như lúc chiều tà, mặt trời khuất dần nơi phía tây và thành phố lên đèn.

Gần 30 năm trước, khi còn là sinh viên, tôi có người bạn rất thân có nhà ở ngay trong khuôn viên khu nhà vườn Tỳ Bà Trang nằm trên đường Ông Ích Khiêm. Anh là con cháu của nhạc sĩ nổi tiếng Nguyễn Hữu Ba. Ngôi nhà nhỏ xinh xắn rợp bóng cây xanh và ngập tràn hoa trái của gia đình anh nằm lưng chừng nơi thượng thành là dạng con cháu “ở nhờ đất” vừa cũng là để trông coi Tỳ Bà Trang từ năm 1954 đã là địa chỉ văn hóa nghệ thuật của giới nghệ sĩ Huế mà chủ nhân của nó thì ở xa. Thời điểm tôi biết đến, Tỳ Bà Trang chỉ còn là nơi lưu lại dấu xưa, nhiều bí ẩn và đầy hoài niệm về một thời đã qua. Con đường Ông Ích Khiêm đi qua Tỳ Bà Trang ngày ấy (và cả bây giờ) chỉ là con đường đất nhỏ, nằm sát ngay sân bóng. Tôi nhớ thật nhiều, những buổi chiều tìm đến thăm bạn, không gặp là chạy vội ra sân bóng… Không có nhiều những du khách như hiện nay, nhưng tôi cũng đã bị “hút hồn” bởi sự hội tụ đông vui nơi chốn này.

Không xa cái sân bóng kia, chỉ cách một con đường ngắn sau cửa Thể Nhân (thường gọi là cửa Ngăn) cũng là một sân bóng. Dân chúng gọi nôm na là sân Cột Cờ, còn gần đây báo chí hay gọi là quảng trường Ngọ Môn. Cách gọi nào cũng hay và có lý. Dân gian gọi “sân” là bởi nó thường dùng đá bóng và “Cột Cờ” bởi nằm sát chân Kỳ Đài Huế, trên đó có cột cờ cao nhất nước (52,81m). Còn tôn vinh bởi danh xưng “quảng trường Ngọ Môn” cũng rất xứng tầm vì Ngọ Môn cùng lầu Ngũ Phụng ở trên đó, một trong những công trình kiến trúc lịch sử giá trị nhất của Huế là khán đài danh dự lý tưởng khi có những lễ diễn của đất nước và của vùng đất tổ chức nơi sân Cột Cờ.

Sáng hay tối vẫn là một cảm giác lạ, đầy cảm xúc khi dừng bước nơi chốn thiêng này. Nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất vào thời điểm giữa trưa nắng rát cho đến khi chiều tà buông xuống, cả thành phố nóng nực và bức bối. Khi đó, đi trên đường phố Trần Hưng Đạo, rẽ vào cửa Thượng Tứ dưới này, hay qua đường Lê Duẩn rồi rẽ vào cửa Thể Nhân, hay lên tý nữa rẽ vào cửa Quảng Đức, như bất chợt bắt gặp trước mắt ta một không gian yên tĩnh và mát mẻ đến lạ lùng. Và nữa, là những cơn gió mát rượi đến từ phía Hương Giang. Đây cũng là lúc những cánh diều đủ các sắc màu no gió tung bay… Để rồi, nhiều lần tôi bắt gặp những ánh mắt ngỡ ngàng của bao người khách phương xa lần đầu tiên đến Huế khi ngập tràn trước mắt là một màu xanh của đất trời và cây cỏ. Chân ai như bị níu lại, để rồi cứ vậy thư thả, chậm bước dưới bóng những cây xanh, có lời thủ thỉ của gió…

Đã có một cổng Ngọ Môn, cũng đã một quảng trường Ngọ Môn và còn tôi nữa, lại bất giác nghĩ đến một chiều Ngọ Môn, không có sắc hình rõ ràng. Nó như một sự tổng hòa vẻ đẹp của những công trình kiến trúc của một kinh thành Huế với khung cảnh đất trời giao hảo, có sự cổ kính, trầm mặc và cũng có thêm tý nắng và nhiều gió mát rượi khiến lòng người sao cảm thấy thanh thản lạ lùng mỗi khi tới gần.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top