Thứ Năm, 23/05/2013 14:01
(GMT+7)
Chọn nếp thay lúa
TTH - Chuyện nông dân Hương Phong (Hương Trà) vụ hè thu này dồn sức trồng nếp chiếm đến 70% diện tích toàn xã, không ít kẻ lo, sợ rằng đó là kiểu “đánh bạc” và không có tính bền vững. So với lúa, năng suất nếp kém hơn nhiều. Ví như vụ đông xuân vừa qua ở Hương Phong chỉ vào khoảng 2 tạ/sào so với con số bình quân trên 3 tạ/sào của lúa. Nếp cũng được xếp vào loại dài ngày với khoảng thời gian 95 này nếu cấy và nhiều hơn 10 ngày nữa nếu áp dụng gieo sạ. Cây lúa nếp cao dễ bị đổ ngã bởi các loại lốc xóay, ảnh hưởng tới năng suất và thu hoạch.
Cách tính và cái lý của nông dân Hương Phong cũng thật đơn giản. Này nhé, ba tạ lúa bán được khoảng chừng 1,7 triệu đồng, trong khi giá bán 1 tạ nếp bằng 2,5 tạ lúa. Vụ đông xuân này được mùa, năng suất lúa khoảng 3 tạ/sào, năng suất nếp thấp hơn chỉ khoảng 2 tạ/sào. Vậy nhưng nếu bán ra thì mỗi sào lúa giá tiền chỉ bằng 3/5 lần so với nếp. Ở đây hiệu quả được tính không phải bằng năng suất mà là giá trị thu được.
Rõ ràng, thu lợi từ trồng nếp đã hấp dẫn hơn rất nhiều. Người trồng nếp ở Hương Phong cũng có thể “kê đầu ngủ” thoải mái khi hạt nếp địa phương hiện đã tỏa đi khắp nơi, ra Quảng Trị, vào tận Nam Bộ và sang cả nước Lào. Nếp vốn không xa lạ với Thừa Thiên Huế. Là một loại lương thực bên cạnh cây lúa, nếp còn được dùng làm nguyên liệu chế biến nhiều thứ bánh trái hay món ăn ưa thích trong sinh họat hằng ngày cũng như các dịp lễ tết. Thị trường tiêu thụ do vậy rộng mở và có cả bề sâu.
Câu chuyện về “chọn nếp thay lúa” ở Hương Phong không mới nhưng lại đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Nông dân bây giờ là người chủ thực sự thửa ruộng mà họ đang cày cấy. Việc chọn trồng cây gì là quyền của mỗi người và cơ sở thuyết phục không phải là những lý thuyết chung chung mà là sự tính toán lời lỗ rõ ràng gắn với những giá trị thực tế. Mặt khác là điều kiện cụ thể của từng nơi, đồng đất các xứ đồng ở Hương Phong phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cây lúa nếp. Cũng có thể thấy rõ hơn điều đó khi được biết rằng, Hương Phong là một trong số ít nơi còn gieo cấy các loại giống lúa địa phương có năng suất thấp nhưng bán được giá cao, chịu được mặn và úng ngập.
Sự phát triển của kinh tế hàng hóa đã ảnh hưởng, tác động và chi phối đến nếp nghĩ và việc làm của người nông dân. Không chỉ tôn trọng sự lựa chọn mà đã đến lúc cơ quan chức năng phải có sự chuyển biến trong chỉ đạo và quản lý, tạo điều kiện giúp nông dân đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, hạn chế những rủi ro và không để xảy ra tình trạng bị chèn ép giá cả trong tiêu thụ sản phẩm. Tôi đã nghĩ đến điều đó từ thực tế “chọn nếp thay lúa” ở Hương Phong hiện nay.
Đan Duy