ClockThứ Năm, 08/05/2014 14:10

Chùa làng tôi

TTH - Chùa có tên là Linh Sơn. Dân gian hay gọi bằng tên của làng, chùa Dạ Lê Thượng. Còn tôi và bạn bè một thuở vẫn quen miệng là “chùa”, một danh xưng nghe rất chung mà xem chừng bất kỳ con dân Huế nào khi nhắc đến vẫn có thể mường tượng đầy đủ về cái không gian chùa rất cụ thể. Chùa làng tôi nằm ở vị thế tuyệt vời, bên cạnh con lộ 1A. Án ngữ phía sau có hòn độn nhỏ, vẫn được gọi là độn chùa. Lúc còn nhỏ, vào buổi chiều hè, bọn trẻ chúng tôi thường hay rủ nhau leo độn, ở đó vẫn còn nhiều bụi sim, bụi móc, thỉnh thoảng bắt gặp trái chín ngọt lịm và rồi, ngồi trên độn cao nhìn ra phía trước là cánh đồng làng ngút ngàn một màu xanh đến tận chân trời. Nghe đâu, chùa thuộc loại cổ tự của xứ Huế, có từ thời Tây Sơn và hiện còn lưu giữ chuông cổ đúc từ thời Gia Long (1807).

Nhà tôi phía trước chùa. Đám đất nhà tôi ở là của ông bà nội, nằm ngay trước mặt chùa. Vậy nên, nhà phải làm chếch sang một bên. Phía dưới có đám ruộng chừng 5 sào, gọi là ruộng Chùa, gần đó có giếng nước xưa gọi là giếng Chùa và cả cái xóm nhỏ của tôi nữa cũng được gọi là xóm Chùa. Tôi có nhiều gắn bó với chùa, nhiều nhất là vào lúc ôn thi đại học, cách nay hơn 30 năm về trước. Dạo ấy khó khăn, nhà lợp tôn thấp tè lại không có điện rất nóng nực nên tôi cùng anh bạn hàng xóm (là Tiến sĩ Nguyễn Duy Tờ đang là Giám đốc NXB Thuận Hóa bây giờ) rủ nhau lên chùa học. “Giữ chùa” lúc đó là một ông cụ hiền khô tên Đối, mê chơi cờ và rất tin tưởng hai đứa. Trưa nào cả hai cũng phải “hầu” ôn ván cờ. Sau đó nằm lăn ra nền xi măng mát rượi đánh một giấc thiệt đã, có khi đến tận xế chiều. Những lúc có công chuyện đi vắng, ôn luôn để lại chiếc chìa khóa ở vào một chỗ chỉ riêng có hai thằng biết. Còn nữa, dịp Rằm hay mồng Một, đặc biệt là Rằm Phật Đản hay Vu Lan, bọn tôi tha hồ hưởng lộc chuối và trái cây. Anh Tờ sau này đi học ở Hà Nội và công tác tại Huế. Bạn bè gặp nhau, câu đầu tiên bao giờ cũng là “Rứa mi có hay lên chùa không” hoặc “ôn Đối dạo này ra răng”. Ôn Đối mất cũng đã 20 năm rồi. Nghe tin mà tôi buồn chi lạ.

Tôi là khách, còn mẹ tôi mới thực sự là người của chùa. Khi cháu đích tôn là thằng cu nhà tôi đi học, vợ chồng chuyển lên Huế, bà nói nghe nhẹ tênh: “Thôi bữa ni hết lo rồi, mạ đi chùa”. Thế là bà quy y. Rằm và mồng Một lên chùa tụng kinh và ăn chay. Thỉnh thoảng lại đi tham quan các nơi. Hơn mười mấy năm nay rồi, chùa không còn vắng vẻ như xưa. Tổ chức khuôn hội được hình thành, sinh hoạt rất nề nếp. Đặc biệt trưởng ban đại diện chùa là người anh ruột của Sư Kha chùa Huyền Không có hiểu biết, năng lực tổ chức tốt và rất tâm huyết chăm lo sửa sang, tu sửa sắp xếp lại, trồng thêm nhiều cây xanh nên không gian chùa càng trở nên thoáng đãng. Tôi về thăm mạ, thấy cửa cài then đóng là chạy vội lên chùa, y như rằng có bà ở đó. Mấy năm trước mạ đổ bệnh, đêm nào cũng có mấy o, mấy chú ở khuôn hội ghé thăm, động viên và an ủi. Nhớ chùa quay quắt, vừa khỏi bệnh là mạ lại đi chùa.

Lại nghĩ về làng Dạ Lê Thượng. Hôm rồi thấy tôi dạo này cứ rầu lại hay gắt gỏng, cậu em vợ bảo: “Hay anh tìm đọc sách Phật đi, sẽ bắt gặp trong đó nhiều điều hay đáng suy ngẫm lắm”. Nói là làm, chỉ vài hôm sau, đi làm về đã thấy một cuốn sách Phật có tựa đề “Kinh Mi Tiên vấn đáp” của cậu gửi cho mượn. Tôi vội lật xem. Thì ra tác giả là một người tu hành của làng tôi, Hòa thượng Giới Nghiêm. Cũng mới đây thôi, tôi cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có một buổi khảo sát quanh làng. Chuyện trò, bất ngờ ông Xuân hỏi anh em tôi: “Rứa mấy đứa có biết làng Dạ Lê Thượng của mình có chi nổi tiếng”. Thấy chúng tôi lúng túng, ông bảo: “Một trong những cái nôi của nhã nhạc cung đình và là nơi phát tích tu hành với nhiều người xuất gia nổi tiếng bậc nhất xứ Thần kinh đó”. Còn nữa, tôi đã nhận ra rồi, cái tinh thần Phật giáo cũng thấm sâu vào đời sống người làng tôi. Khác với nhiều làng quê ở Huế, làng Dạ Lê Thượng, các ngài khai khẩn, khai canh và thành hoàng đều được thờ ở chùa làng, chứ không phải ở am miếu như các làng khác.

Bây giờ đã là thời điểm cận kề của Rằm Tháng tư. Chạy về làng thăm mạ, nhìn vào chùa, tôi thấy rộn ràng sắc màu của lễ hội mà lòng cảm thấy lâng lâng. Mạ tôi yếu lắm rồi nhưng cũng đầy háo hức. Nhìn mạ, bất giác, tôi nghĩ đến nơi sâu thẳm của người dân Huế mình, ai đó cũng đều có trong ký ức và tình cảm của mình hình ảnh về ngôi chùa làng. Và cũng như chùa làng Dạ Lê Thượng của tôi, nó thật bình dị nhưng thân thương, gần gũi và khó quên. Lại càng da diết nhớ về chùa làng tôi trong đêm hội Rằm Tháng tư sắp về.

(viết nhân Phật đản 2014)
Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top