Thứ Tư, 23/11/2011 20:25
(GMT+7)
Có một dòng sông Bồ lịch sử
TTH - Dưới thời Dương Văn An, tác giả tuyệt tác Ô châu cận lục, sông Bồ được gọi là Đan Điền, địa danh vẫn được người đời nay tưởng nhớ đến như một hoài niệm đẹp. Chuyện rằng, dông Đan Điền bắt nguồn từ hai nhánh sông Rào Trăng và Rào Lô thuộc huyện Phong Điền và một nhánh sông A Roằng huyện A Lưới. Ba nhánh sông hợp lưu tại ngã ba Phong Sơn (Phong Điền) và xuôi về Hương Trà, đến Quảng Điền ngang qua thành Hoá Châu, hợp với sông Kim Trà, tức sông Hương, ở tại ngã Ba Sình huyền thoại để rồi mang chung tên mới Linh Giang.
Bên này Quảng Thành hôm nay, xưa là một thời là Hoá Châu lừng lẫy. Bên kia Hương Vinh, mấy trăm năm trước là cảnh phố ven sông Thanh Hà- Bao Vinh. Thành Hoá Châu nổi tiếng trong cuộc chiến chống giặc Minh xâm lược trên đất Thuận Hoá có niên đại tương đối từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIV. Còn thời gian thiết lập thương cảng Thanh Hà là năm 1636. Khoảng cách ít nhất là 200 năm và xa nhất là 600 năm. Tư duy thời đại khác nhau, cách nhìn nhận để phát huy thế mạnh của vùng đất cũng không giống nhau, vậy nhưng cha ông ta đã cùng chọn và cùng đứng chân trên vùng đất, nơi con sông Bồ dùng dằng trước lúc hợp lưu kia.
Như Quảng Điền, huyện mệnh danh là vựa lúa lớn nhất của Thừa Thiên Huế có thị trấn Sịa và 10 xã thì hơn ¾ trong đó là những vùng đất lấy sông Bồ làm cảnh quan, uống nước sông, ăn lộc phù sa và cùng chịu lụt sông Bồ. Trước khi chảy vào Quảng Điền, sông Bồ có cuộc viễn du qua nhiều vùng đất nhưng rồi tất cả những gì chắt lọc của con sông này như đều dồn tụ lại nơi đây. Điều ngạc nhiên đến ngỡ ngàng là với một bán kính chưa quá 10 cây số mà vùng đất ven sông Bồ này đã góp cho đất nuớc bốn địa danh được lưu lại với lịch sử dân tộc. Cùng với Hoá Châu và Thanh Hà, đây còn là thủ phủ Đàng Trong một thuở với Phước Yên và Bác Vọng.
Sau 68 năm đóng thủ phủ bên bờ sông Ái Tử, Quảng Trị (1858- 1626), chúa Nguyễn Phúc Nguyên là người đã đưa thủ phủ “Nam tiến” và chính sông Bồ với phát hiện Phước Yên là điểm dừng chân đầu tiên. Việc làm của chúa Nguyễn Phúc Nguyên được hậu thế đánh giá là hợp lý bởi Phước Yên có địa bàn khá rộng và bằng phẳng, xung quanh có sông Bồ bao bọc. Thế đất được cho là “tứ thuỷ triều qui” vừa đẹp về địa lý, tiện về giao thông, lại thuận lợi về phòng ngự.
Nếu sự lựa chọn dành cho Phước Yên (1626- 1636) được xem như một tất yếu thì quyết định đưa phủ chúa từ Phú Xuân trên sông Hương ngược ra Bác Vọng (1712- 1738) dọc theo con sông Bồ lại được xem một quyết định khó hiểu của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu. Một lần nữa có sự dùng dằng mang tính lịch sử trong lựa chọn. Phú Xuân được đánh giá là vùng đất đắc địa cho việc xây dựng cơ nghiệp lâu dài nhưng dải đồng bằng hẹp, rất trù phú ở lưu vực sông Bồ cũng đã cho thấy một sức hấp dẫn đặc biệt, nhất là khi nó được sự hỗ trợ từ phía Thanh Hà- Bao Vinh với tư cách phố thị.
Với Hoá Châu, Phước Yên, Bác Vọng và một thời Thanh Hà- Bao Vinh, sông Bồ đã trở thành con sông mang đậm dấu ấn lịch sử. Và tôi nghĩ, có lẽ chỉ có con sông Hương cùng chung một nguồn cội trên đất nước này mới có thể sánh bằng.
Đan Duy
Sông Bồ nhìn về phía hạ lưu từ xã Phong Sơn. Ảnh: Internet